Giải ‘cơn khát’ cho kịch bản phim Việt

Minh Quân 17/09/2020 09:09

Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đã phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”.

Với việc đầu tư cho kịch bản, điện ảnh Việt Nam đang kỳ vọng sẽ “lột xác”.

Sau một thời gian dài trong cảnh thiếu kịch bản thuần Việt, thậm chí phải đi vay mượn từ nước ngoài, mới đây Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đã phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”. Đây được xem là “bàn đạp” cho điện ảnh trong việc tạo ra các sản phẩm thuần Việt.

Hết thời vay mượn

Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” được tổ chức nhằm thiết thực triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đồng thời khuyến khích không khí sáng tác kịch bản điện ảnh của các nhà văn, đạo diễn, người viết kịch bản chuyên và không chuyên, đặc biệt là đối với đội ngũ tác giả trẻ.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng nhằm tìm kiếm, tuyển chọn các kịch bản phim truyện có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Qua đó tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong giai đoạn 2021 - 2025.

Có thể nói sau 10 năm kể từ cuộc thi sáng tác kịch bản nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, điện ảnh Việt đang sống trong cảnh “lay lắt” để có được các sản phẩm thuần Việt. Ở lĩnh vực phim chiếu rạp cũng có không ít phim phải dựa trên kịch bản nước ngoài như: “Yêu” (dựa từ “The Love of Siam” của Thái Lan), “Em là bà nội của anh” (dựa trên kịch bản gốc “Miss Granny” của Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (Việt hóa từ “ATM Er Rak Error” của Thái Lan), “Ngày mai Mai cưới” (dựa trên series hài “Get Married” của Indonesia), “Yêu em bất chấp” (làm lại từ “My Sassy Girl” của Hàn Quốc), “Sắc đẹp ngàn cân” (làm lại từ “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc), “Yêu đi đừng sợ” (làm lại từ “Spellbound” của Hàn Quốc)...

Một số ít trong những bộ phim này vẫn có lãi dù không nhiều nhưng đủ để nhà sản xuất tiếp tục tái đầu tư. Tuy nhiên, đối với giới làm nghề, đây không phải là điều họ chờ mong trong việc thúc đẩy sự phát triển điện ảnh nước nhà. Bằng chứng là nhiều năm liền, giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam đã không trao giải cho những phim được làm từ kịch bản có yếu tố ngoại lai.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh: Phải thừa nhận, trong rất nhiều cái khó của điện ảnh Việt Nam hiện nay thì có một khó khăn là thiếu kịch bản phim truyện hay, độc đáo. Sự thiếu hụt này đã đến mức báo động. Thực tế gần đây, một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài rồi Việt hóa thành kịch bản phim của Việt Nam. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Phải chăng là chúng ta thiếu về lực lượng nhà biên kịch điện ảnh, hay chúng ta thiếu những nhà biên kịch giỏi, thiếu những nhà sản xuất có “con mắt xanh” để phát hiện ra những kịch bản hay, hấp dẫn, là tiền đề để có được những bộ phim hay, sâu sắc về nội dung tư tưởng, hấp dẫn khán giả? Câu hỏi này chắc sẽ còn ám ảnh những người làm điện ảnh và yêu điện ảnh Việt Nam trong một thời gian nữa.

Đồng quan điểm, nhiều nhà làm phim cũng cho rằng, bên cạnh việc có được những kịch bản hay thì việc sản xuất phim hiện nay phải thay đổi tư duy và có một môi trường làm việc thật “sạch”.

Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Không cứ làm phim chiến tranh, cách mạng mới đạt nhiệm vụ chính trị. Tác phẩm động chạm tới vấn đề nóng của xã hội đã xứng với tiêu chí này rồi. “Kịch bản hay đến mấy mà làm phim không hay cũng chẳng để làm gì”, anh nói.

Thấm thía cảnh chi phí đặt hàng bị cắt xén cho các mục tiêu nuôi hãng phim nên đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đề xuất cần yêu cầu hãng phim cam kết chất lượng và có cơ chế giám sát, nếu buông lỏng thì thi chọn kịch bản cũng vô nghĩa.

Còn theo đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang thì mong có được ban giám khảo cởi mở để đón nhận quan điểm mới thay vì suốt đời sợ hai chữ “nhạy cảm”. Bởi phim phải “có vấn đề” mới hay. Nhiều trường hợp chỉ được đề tài tốt mà câu chuyện nhạt, nhân vật sơ lược và nghệ thuật kịch bản chưa tới cũng được đưa vào giải. Chẳng hạn nên đổi mới tư duy làm phim đặt hàng, phim chiến tranh ngày nay nên bớt ca ngợi đơn thuần đi.

Phát huy lợi thế sân nhà

Được biết, để “kích cầu” cho lĩnh vực điện ảnh, trong thời gian tới Cục Điện ảnh sẽ định kỳ 2 năm/1 lần tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh. Trong đó, các kịch bản được giải cao (Nhất, Nhì, Ba) sẽ được ưu tiên kinh phí sản xuất từ nguồn đặt hàng của Nhà nước. Ngoài ra, với các kịch bản chất lượng cao, Cục Điện ảnh sẽ vận động các hãng phim, các nhà sản xuất đầu tư làm phim từ nguồn xã hội hóa.

Đặc biệt, nhằm minh bạch trong công tác tuyển chọn kịch bản, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: Hội đồng thẩm định và phổ biến phim quốc gia thời gian qua nhận được nhiều ý kiến phản hồi, chê trách từ giới điện ảnh và dư luận xã hội. Hiện nay hội đồng này đang chịu áp lực từ nhiều phía. Họ rất vất vả, chịu áp lực về tinh thần, thời gian tốn kém nhưng thù lao thấp ngỡ ngàng nhưng không thể nâng cao hơn do quy định của Bộ Tài chính. Người ngoài không biết hết nên có nhiều ý kiến, người trong cuộc chả sung sướng gì.

Cũng theo ông Thành, hội đồng này hết hiệm kỳ vào tháng 4/2021, nhưng Cục phải chuẩn bị nhân sự từ bây giờ. Tôi hỏi người này, mời người kia từ bây giờ, nhưng không ai muốn làm là có thật. Tìm được người ngồi hội đồng không dễ. Hiện nay Cục Điện ảnh đang có 2 phương án xây dựng cùng Luật Điện ảnh sẽ trình Chính phủ tháng 4/2021, dự kiến lần đầu trình Quốc hội vào tháng 10 năm sau. Hai phương án duyệt phim là tiền kiểm và hậu kiểm.

“Tiền kiểm thì hội đồng kiểm tra xem xét, trong quá trình có thể đề nghị nhà sản xuất sửa chữa để phát hành ra xã hội. Hậu kiểm là nhà sản xuất phim chiếu thoải mái, nhưng khi có vấn đề mà thanh tra phát hiện đến mức phải dừng chiếu coi như chấm hết, không sửa chữa. Toàn bộ kinh phí sản xuất phim coi như kết thúc. Như vậy tiền kiểm còn có cơ sửa chữa để phim ra ngoài xã hội. Hậu kiểm coi như phim xong luôn”, ông Thành nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải ‘cơn khát’ cho kịch bản phim Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO