'Giải cứu' công viên và còn gì nữa?

An Hà 15/11/2022 08:00

Việc mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất UBND thành phố phương án xử lý những tồn tại của 9 công viên mới và 3 công viên trong nội thành, thực ra không mới. Trước đó, cả HĐND và UBND TP Hà Nội cũng đã không ít lần chỉ đạo việc xây dựng mới công viên, nâng cấp cũ, “trả công viên về cho người dân”. Nhưng rồi, theo thời gian, hệ thống công viên của Thủ đô vẫn tiếp tục xuống cấp, còn công viên mới thì chưa rõ dáng hình.

T heo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND thành phố, cần có giải pháp cải tạo, xây mới các công viên, trong đó có 9 công viên mới và 3 công viên cũ trong nội thành.

Nhìn vào báo cáo của Sở Xây dựng mới thấy thật khó cho công viên Hà Nội. Có những công viên chủ trương xây mới cả chục năm nay vẫn không hơn gì lúc quy hoạch. Ví dụ như Công viên Văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, rộng tới 100ha ở huyện Đông Anh, được khởi công từ năm 2016 đến nay cũng mới sắp hoàn thành “công cuộc” giải phóng mặt bằng. Công viên Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì (50,9ha), sau nhiều năm triển khai đến nay cũng chỉ hoàn thành một số tuyến đường vào công viên và tu bổ đình, chùa. Đáng chú ý, ở đây vẫn chưa tìm ra giải pháp di dời hơn 3.000 ngôi mộ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng trong công viên. Còn Công viên Văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (98ha) vẫn chưa triển khai do chưa lựa chọn nhà đầu tư. Đến nỗi Sở Xây dựng phải đề xuất thành phố yêu cầu quận Hà Đông thu hồi phần diện tích tạm cho thuê, đồng thời giao Viện Quy hoạch xây dựng lập tổng thể quy hoạch chi tiết công viên… Nhưng có lẽ lâu nhất phải là Công viên Đống Đa, chỉ với diện tích 7,09ha, dự án được quy hoạch gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.

Nhìn chung, các công viên trong kế hoạch xây dựng mới của Hà Nội cho đến nay đều dang dở, với nhiều lý do khác nhau.

Cùng với xây mới các công viên thì Hà Nội cũng đã “hạ quyết tâm” dành nguồn lực cải tạo 3 công viên rất nổi tiếng trong trung tâm, đó là Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo. 3 công viên này vốn là niềm tự hào của người Hà Nội, chứng kiến nhiều vui buồn của người dân Thủ đô.

Nhưng nay, ai có dịp vào Công viên Thống Nhất, Bách Thảo đều có cảm giác tiếc nuối vì tình trạng xuống cấp. Với Công viên Thủ Lệ, những con thú được nuôi nhốt bao năm nay đã trở nên nhàm chán, không còn hấp dẫn trẻ em những ngày nghỉ cuối tuần.

Cách đây đúng 1 tháng, ngày 14/10, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi phát biểu tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, đã cho biết, thành phố sẽ tìm mô hình đầu tư để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng.

Cam kết của ông Chủ tịch thành phố đã khiến “giấc mơ công viên” của người Hà Nội một lần nữa nhen nhóm trở lại.

Thực ra, Hà Nội không chỉ thiếu công viên mà không gian công cộng nói chung rất thiếu. Trung tâm thành phố ngày một bức bối, chật chội bởi các khối nhà cao tầng mọc lên san sát. Ngay cả các khu đất lưu không hiếm hoi tại các khu tập thể cũ cũng biến mất. Chưa hết, nạn lấp ao hồ để lấy đất xây nhà diễn ra ròng rã nhiều chục năm qua, khiến tình hình càng thêm căng thẳng. Nhiều chiến dịch “giải cứu” ao hồ được phát động nhưng cũng không làm thay đổi được tình hình.

Trở lại với việc Hà Nội lên kế hoạch xây dựng các công viên mới, nâng cấp công viên cũ, đó là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, ý kiến của giới kiến trúc cho rằng, cần có cái nhìn thoáng hơn, xa hơn trong việc tạo không gian công cộng cho người dân, cũng là để làm đẹp Thủ đô. Ví như việc đề nghị được xây dựng Công viên Văn hóa sông Tô Lịch rất thú vị nhưng cũng chưa thấy ý kiến rõ ràng từ lãnh đạo thành phố. Không chỉ việc này mà còn nhiều việc khác, ý kiến thì nhiều lắm, người xuôi kẻ ngược, vì thế mới cần đến tâm thế và tầm nhìn cũng như sự quyết đoán của người lãnh đạo.

Lại nói về tầm nhìn, quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng cũng rất cần phải để ý đến việc dành ra những khu đất trống giữa các khối nhà để làm vườn hoa, chứ không nên “chia lô bán nền” hết cả cho dù là “tấc đất tấc vàng”. Hay như việc triển khai dự án đường vành đai 4 Thủ đô, liệu đã tính đến đất cho công viên, vườn hoa chưa? Nếu không trù liệu ngay từ đầu e rằng sẽ muộn.

Như vậy, cùng với việc xây dựng mới 9 công viên, cải tạo nâng cấp 3 công viên cũ, thì Hà Nội vẫn có thể có thêm nhiều không gian công cộng. Đó có thể là công viên lớn khang trang mà cũng có thể chỉ là một vườn hoa xinh xắn. Điều đó đòi hỏi phải nhìn thấu vào chất lượng cuộc sống của người dân, chứ không dừng lại ở việc giành đất để xây nhà thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Giải cứu' công viên và còn gì nữa?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO