Giải pháp cải thiện trồng rừng thâm canh

Tiến Đạt 29/11/2021 09:00

Xuất phát từ tình yêu với núi rừng cùng sự sáng tạo, nghiên cứu bền bỉ, mô hình trồng rừng, trồng rừng thâm canh bạch đàn và keo tai tượng tại tỉnh Bắc Giang của ThS Hoàng Văn Chúc đã làm thay đổi diện mạo của ngành lâm nghiệp địa phương và cải thiện đời sống bà con nơi đây.

Tại Bắc Giang, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp luôn được tỉnh quan tâm, trong đó nổi bật tại huyện Yên Thế bởi hiệu quả mà kinh tế rừng mang lại đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay các dòng bạch đàn PN14, U6 đã sử dụng quá lâu dẫn đến bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh trên diện rộng, làm suy giảm năng suất chất lượng rừng và ảnh hưởng đến đời sống của bà con nơi đây.

Là Thạc sĩ chuyên ngành Lâm nghiệp, gắn bó với rừng đã lâu năm, ông Chúc không thể ngồi yên trước tình cảnh hàng trăm hecta bạch đàn bị sâu bệnh nặng, khiến cho thu nhập của người lao động bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong 3 năm nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm, ông Chúc đã chọn được những dòng, giống tốt nhất để đưa vào xây dựng các mô hình trồng rừng, trồng rừng thâm canh bạch đàn và keo tai tượng tại Bắc Giang.

Ông Chúc cho biết, giống cây trồng rừng mới có năng suất và chất lượng cao, tăng trưởng bình quân 30 m3/ha/năm, kịp thời thay thế các dòng, giống cũ đã bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh trên diện rộng.

Trong đó, mô hình vườn cây đầu dòng các giống cây bạch đàn giống mới đã sản xuất được 2,45 triệu cây đưa vào sản xuất, tương đương với trồng được khoảng 1.500 ha rừng, có thể kịp thời thay thế hàng ngàn hecta rừng bạch đàn giống cũ đã bị thoái hóa. Mô hình thâm canh cây keo tai tượng cũng tương tự với hạt giống từ vườn giống thế hệ 1,5 quy mô 2ha, sinh trưởng và phát triển tốt, qua nhiều năm đã cải thiện chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu phát triển rừng gỗ lớn.

Từ kết quả khả thi của nghiên cứu, mô hình vườn cây đầu dòng các dòng bạch đàn lai UP35, UP99, UP72, UP95, UP54, CT3 lần đầu tiên được trồng ở trong tỉnh Bắc Giang và trong vùng lâm nghiệp Đông Bắc. Qua thực nghiệm cho thấy các giống đều cho năng suất cao, thích ứng với điều kiện sản xuất thâm canh phát triển rừng trồng gỗ lớn, rừng cho năng suất vượt trội so với các dòng giống cũ từ 20 đến 30%.

“Số lượng giống 2,5 triệu cây do dự án sản xuất ra có giá thấp hơn gần 50% so với giá thị trường. Từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận từ rừng trồng bằng giống của dự án tăng lên rất cao so với giống cũ. Đây là tín hiệu vui cho bà con, người lao động trong việc phát triển kinh tế rừng của địa phương”- ông Chúc nói.

Với những đặc tính ưu việt của giống cây trồng mới, ông Chúc khẳng định, mô hình trồng rừng, trồng rừng thâm canh bạch đàn và keo tai tượng sẽ rút ngắn được chu kỳ kinh doanh rừng trồng bình quân được 2 năm giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng và thúc đẩy phát triển rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho chế biến xuất khẩu. Điều này cũng làm thay đổi phương thức, tập quán sản xuất rừng truyền thống sang áp dụng thâm canh rừng trồng, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững.

Đến nay, mô hình đã được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Bắc Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cùng các công ty lâm nghiệp nhà nước của tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái đã đến thăm và ứng dụng giống của mô hình về trồng tại địa phương. Nhiều lớp tập huấn, nhiều đoàn công tác cũng đến tham quan mô hình rừng để áp dụng phát triển rừng gỗ lớn.

Hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng rừng, trồng rừng thâm canh bạch đàn và keo tai tượng đã đạt Giải A Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang lần thứ 2 năm 2020 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức; nhận Danh hiệu Lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2020 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng và được vinh danh trong danh sách những công trình, giải pháp khoa học công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp cải thiện trồng rừng thâm canh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO