Giải pháp cho cuộc chiến cam go

Minh Phương 04/09/2021 09:00

Hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất trong 7 tháng đầu năm. Con số này chưa dừng ở đây khi mà nền kinh tế vẫn đang phải hứng chịu sức tàn phá ghê gớm của đại dịch Covid-19.

Nhiều ngành tổn thương

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất và dịch vụ vốn chưa kịp phục hồi “sức khỏe” sau 3 đợt dịch đầu. Thời điểm này, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước đang là vấn đề cấp bách giúp các DN duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách. Chưa khi nào, cộng đồng DN suy giảm sức khỏe như hiện nay. Con số hơn 70.000 DN đóng cửa, tạm ngưng sản xuất, thậm chí là tuyên bố rời khỏi thương trường là minh chứng rõ nét cho sự suy sụp đó.

Kết quả nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một con số nhức nhối: 87,2% số DN trên cả nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt với những DN có nhiều nhân công lao động như da giày, dệt may, sức ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 là rất nặng nề, do đây là những ngành có số lượng nhân công lao động lớn. Cho nên, khi đợt sóng đại dịch lần thứ 4 bùng lên, nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có đông các khu công nghiệp, nhà máy buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, thì ngay lập tức nhiều DN ngành da giày, dệt may bị “ngấm đòn”.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn đã được lên kế hoạch và dự báo khá sát so với kết quả hiện tại. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021 chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn “giữ sức” và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay.

Tuy nhiên, 2 quý cuối năm mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may. “Hiện, đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đây là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của tập đoàn. Những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất”, ông Trường cho biết. Cũng theo ông Trường, việc thực hiện “3 tại chỗ” đang khiến nhiều DN dệt may khó khăn vì số lượng nhân công quá lớn, không thể đáp ứng được các tiêu chí mà phương án “3 tại chỗ” đề ra, do vậy, không ít DN đã buộc phải tạm ngưng sản xuất một thời gian, gây đứt gãy chuỗi cung ứng của toàn ngành. “Nhiều đối tác đã hủy đơn hàng vì không kịp tiến độ” - ông Trường cho hay.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho biết, tỷ lệ bị hủy đơn hàng trung bình từ 30% - 70%. Đơn hàng giảm mạnh khiến hàng tồn kho tăng cao, cùng với áp lực chi trả tiền lương nhân công đã khiến DN khó khăn chồng chất khó khăn. Để giảm bớt chi phí và cầm cự chờ dịch bệnh qua đi, 80% DN trong ngành dệt may đã buộc phải cắt giảm lao động. Phần lớn DN phải tìm mọi cách duy trì hoạt động ở mức 50% công suất.

Tương tự, các DN ngành da giày cũng đang hứng chịu khó khăn liên tiếp do các làn sóng Covid-19 gây ra. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cho biết, những DN ngành da giày với số lượng lao động lớn cũng khó có thể thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Chính bởi vậy, số DN da giày còn có thể cầm cự ở thời điểm này không nhiều. Thời gian qua, do không đáp ứng được quy định “3 tại chỗ” nhiều DN đã phải tạm thời đóng cửa.

Tình hình đối với các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, bán lẻ... cũng không khá hơn. Theo chia sẻ của nhiều DN bất động sản, bị tác động bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khiến mọi kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ, nhiều đơn vị chỉ đặt mục tiêu đạt được 50% kế hoạch đặt ra, doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng...

Cần giải pháp dài hạn

Trước những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải trải qua, Chính phủ ngay lập tức đã đưa ra những gói hỗ trợ, các chính sách với mong muốn giúp DN trụ vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay, và sau đó tiếp sức để vực dậy DN, từ đó phục hồi nền kinh tế.

Có thể thấy, ngay từ khi đại dịch Covid -19 xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020 cho đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ DN. Các chính sách này đã giúp vực dậy nhiều DN, tránh nguy cơ phá sản. Để tiếp tục tháo gỡ, trong tháng 4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đồng thời, Bộ Tài chính giảm 30 loại thuế, phí với số tiền 1.000 tỉ đồng kéo dài đến hết năm 2021. Bên cạnh đó, hàng loạt gói hỗ trợ cũng đã được “tung” ra, đây được coi như là những chiếc “phao cứu sinh” có thể giúp DN trụ vững thời điểm khó khăn nhất, để rồi từ đó có thể phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, trước thực tế những gì đã và đang diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, những gói hỗ trợ, các chính sách giãn, giảm thuế mà nhà quản lý đưa ra vẫn chưa đủ, chưa mạnh để giúp DN phục hồi. Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nhà quản lý cần có những giải pháp cụ thể hơn, đi vào từng đối tượng DN, như vậy mới có thể “vừa trúng, vừa đúng” đối tượng. Ông Nam cũng cho rằng, cần sớm ban hành quyết định cho khu vực DN nhỏ và vừa nộp thuế thu nhập DN từ 2 - 3% doanh thu của năm đối với các DN có doanh thu khoảng 3 tỉ đồng/năm, đồng thời bãi bỏ, miễn giảm một số thủ tục trong khu vực này.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ vừa qua mới mang tính chất tạm thời, thậm chí việc giảm thuế và phí chưa đúng, trúng khi đa phần DN đều thua lỗ, chủ yếu hoạt động cầm chừng. “Nếu có thể thực hiện sớm việc giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2021 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng; giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên do dịch Covid-19... là những biện pháp thiết thực nhất” - một chuyên gia nêu quan điểm.

Riêng với các giải pháp mà nhà quản lý đang đưa ra trong thời điểm giãn cách xã hội hiện nay, phương án “3 tại chỗ” đang khiến cộng đồng DN cảm thấy “khó thở”, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ nhiều DN phải đóng cửa, bị hủy hợp đồng, mất đối tác. Về vấn đề này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng thời điểm này vấn đề quan trọng nhất không phải vấn đề thị trường mà chính là nền sản xuất nếu các nhà máy bị đóng cửa. Việc giãn cách xã hội đang gây ra sự ách tắc rất lớn cho sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa. Càng kéo dài việc đóng cửa thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất càng lớn.

Chính bởi vậy, là người thường xuyên lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh việc phổ cập tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19 cho toàn dân là vô cùng cần thiết.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, “cuộc chiến” này rất có thể phải kéo dài, chúng ta đang đứng trước hai cuộc chiến, cuộc chiến y tế và cuộc chiến kinh tế vô cùng cam go. Xác định cuộc chiến này còn lâu dài nên phải chuyển trạng thái với những phương án mới, làm sao phù hợp với nhu cầu của giai đoạn hiện nay, chứ không thể thực hiện mãi những giải pháp có tính chất ngắn hạn. Chính vì vậy, trong bối cảnh này, cần đề cao tính tự chủ của DN và sự chung tay của Nhà nước bằng cách đưa ra những chính sách quy định hợp lý, đồng bộ, thống nhất để các DN có thể yên tâm vừa phòng chống dịch, bệnh, vừa phục hồi sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp cho cuộc chiến cam go

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO