Giải quyết bất đồng ở Biển Đông thông qua tiến trình ngoại giao và pháp lý

M.Loan 07/11/2019 18:08

Việt Nam có chủ trương sẵn sàng giải quyết các bất đồng trên Biển Đông bằng mọi biện pháp hòa bình, thông qua tiến trình về ngoại giao và pháp lý phù hợp.

Giải quyết bất đồng ở Biển Đông thông qua tiến trình ngoại giao và pháp lý

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng.

Chiều 7/11, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi: Khi nào Việt Nam sẽ bắt đầu khởi kiện Trung Quốc (về những hành vi của nước này trên Biển Đông)? Việt Nam đã có những chuẩn bị gì liên quan đến vụ kiện này? Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định: Việt Nam có chủ trương sẵn sàng giải quyết các bất đồng trên Biển Đông bằng mọi biện pháp hòa bình, thông qua tiến trình về ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

“Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định an ninh an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982”, ông Thắng nói.

Phóng viên hãng thông tấn nước ngoài nêu câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức từ thiện Operation Smile mời diễn viên Thành Long đến Việt Nam trong vài ngày tới, nhân dịp kỷ niệm 30 năm có mặt của Operation Smile ở Việt Nam. Hiện nay có làn sóng dữ dội từ cộng đồng mạng phản đối do diễn viên này đã từng công khai ủng hộ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc?

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết đến nay ông mới biết thông tin này. Tuy nhiên, như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc tổ chức Freedom House xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do internet. Ông Thắng nói: “Tôi hoàn toàn bác bỏ những đánh giá thiếu khách quan, không đúng sự thật về Việt Nam trong báo cáo ngày 5/11/2019 của Freedom House.

Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng những nhu cầu trao đổi thông tin, học tập làm việc của người dân.

Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện đang là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet và mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt kinh tế - văn hóa - xã hội ở Việt Nam. Theo thống kê, tính đến đầu năm 2019, Việt Nam đã có hơn 60 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 60% dân số, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet và có khoảng 55 triệu người sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nằm trong nhóm nước có lượng người dùng lớn nhất thế giới”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết: “Như báo chí đã đưa tin, ngày 4/11 tại Bangkok, Thái Lan, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức hơn 300 hoạt động, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 4/2020 và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan tháng 11/2020. Thông qua các hoạt động trong Năm ASEAN 2020 của Việt Nam, Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch với mục đích giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam với các nước ASEAN và các nước đối thoại. Dự kiến giữa tháng 11, Việt Nam sẽ tổ chức lễ công bố logo và khai trương website chính thức của năm ASEAN 2020.

Cho đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng về bộ máy tổ chức, nhân lực, đã có các đề án, kế hoạch hành động tổng thể cho năm ASEAN 2020. Trước mắt, Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị cho Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra vào tháng 01/2020 tại Khánh Hòa, hoạt động lớn đầu tiên, mở đầu Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển các ý tưởng, sáng kiến đề ra cho Năm Chủ tịch, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong ASEAN để đưa vào triển khai trong thực tiễn”.

Tại họp báo, thông tin về vụ việc 39 người thiệt mạng tại Anh, ông Thắng thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, từ 3/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã đã đầu đoàn công tác liên ngành Việt Nam sang Anh để trực tiếp làm việc với cơ quan chưc năng địa phương, phối hợp giải quyết vụ việc 39 người tử vong trong xe tải đông lạnh tại Essex, Anh.

Trong chuyến đi, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã có nhiều buổi làm việc với nhiều cơ quan chức năng địa phương, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, thẩm phán giải quyết vụ việc và cảnh sát hạt Essex. Hai bên đã và đang phối hợp rất tích cực để đẩy nhanh việc xác định danh tính các nạn nhân cũng như lo hậu sự cho các nạn nhân. Chúng tôi sẽ sớm có thông tin cụ thể về vụ việc này.

“Về vụ việc đau lòng này các cơ quan báo chí, dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm. Hiện nay các cơ quan chức năng 2 nước đã trao đổi và phối hợp rất chặt chẽ để có các biện pháp cụ thể và sẽ sớm có thông tin đến báo chí. Về phía Việt Nam, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án đưa người di cư trái phép và tôi được biết đã chính thức bắt tạm giam 9 người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết bất đồng ở Biển Đông thông qua tiến trình ngoại giao và pháp lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO