Giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công còn tồn đọng

K.Long (thực hiện) 17/03/2017 10:00

Với chủ trương sớm xác nhận người có công cho những người đủ điều kiện, không để “lọt” đối tượng được thụ hưởng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã quyết tâm năm 2017 phải giải quyết căn bản hồ sơ người có công tồn đọng. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Lợi- Phó Cục trưởng Cục Người có công- Bộ Lao động-Thương binh và xã hội.

Ông Đào Ngọc Lợi.

PV:Thưa ông, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội đã và đang tập trung quan tâm xem xét, giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng cũng như những vướng mắc còn lại đối với người có công với cách mạng. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?

Ông Đào Ngọc Lợi: Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước vẫn tồn đọng khoảng hơn 6.000 hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng chưa được giải quyết. Đây là vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, do hồ sơ tồn đọng đều là những trường hợp không có hồ sơ, giấy tờ để chứng minh nên rất khó để phân biệt và xác định thật, giả.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc giải quyết tồn đọng luôn có một tỷ lệ không nhỏ đối tượng khai man để hưởng chế độ ưu đãi, gây thất thoát lớn đối với ngân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự khách quan, công bằng của cơ quan nhà nước mặc dù việc giải quyết hồ sơ tồn đọng luôn được chỉ đạo chặt chẽ, công khai, có sự tham gia, giám sát của các ban ngành, đoàn thể và nhân dân vào quá trình xét duyệt hồ sơ.

Khó khăn, phức tạp, Đảng và Nhà nước vẫn xác định việc giải quyết tồn đọng cần phải được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào các văn bản thì rất khó để xác nhận đối với các hồ sơ tồn đọng.

Vì vậy, năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo giải quyết thí điểm hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công tại 05 tỉnh, thành phố: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An, Đà Nẵng; cho đến nay kết quả thu được khá tích cực, khả quan. Tại các tỉnh, thành phố được thực hiện thí điểm đã xác nhận 75 liệt sĩ, 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Sau khi tổ chức Hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm với các địa phương, trong tháng 3-2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tại các tỉnh, thành phố.

Xung quanh quá trình thực hiện chính sách, việc nhiều người có công mất hết giấy tờ đã nhiều năm không được giải quyết quyền lợi khiến họ rất thiệt thòi. Bộ LĐTB&XH đã có Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTB&XH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Ông có thể cho biết rõ thêm về hiệu quả, những khó khăn khi thực hiện?

- Với việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận được trên 300 liệt sĩ; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương xem xét, xác nhận được trên 500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Tuy nhiên khi thực hiện cho thấy, Thông tư liên tịch của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng chỉ quy định xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu; đồng thời các căn cứ để thiết lập hồ sơ cũng không được mở quá rộng (không sử dụng người làm chứng để xác nhận), do đó, có nhiều trường hợp kê khai là tồn đọng nhưng không thiết lập được hồ sơ theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP.

Những yêu cầu, giải pháp triển khai để giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc, thể hiện quyết tâm của Bộ trong thời gian tới đây?

- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng, thành viên gồm đại diện: Cục Người có công, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu TNXP Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam...Đồng thời ban hành Quyết định về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Các địa phương rà soát, báo cáo số liệu hồ sơ tồn đọng tại Công văn số 2783/NCC-CS1 ngày 5/12/2016 của Cục Người có công. Trên cơ sở số liệu của các địa phương, Bộ sẽ phân công cho các thành viên Tổ công tác liên ngành trực tiếp phụ trách từng địa phương.

Tổ công tác liên ngành về từng địa phương để xem xét, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng và hướng dẫn các địa phương thực hiện các bước theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng. Quyết tâm trong năm 2017, giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công còn tồn đọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO