Giảm áp lực dạy học trực tuyến

Hàn Minh 09/11/2021 06:49

Sự hỗ trợ, đồng hành từ phía gia đình để giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên khi dạy học trực tuyến là rất quan trọng.

Nhiều áp lực dồn lên thầy cô giáo

Một chuyên gia phân tích, cùng là bài học đó, HS ngồi trên lớp chú ý gần như 100% thì ở nhà, các em bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường xung quanh. Không ít trường hợp trong lớp học trực tuyến vang tiếng gà gáy, trẻ con khóc,… từ mic của HS.

Chưa kể, nhiều HS vào học để ghi tên, không bật camera, cũng không bật mic mặc cho thầy cô gọi tên cũng chẳng phản hồi khiến cho giáo viên phải… bỏ qua tạm thời và nhắn cho phụ huynh để đôn đốc, nhắc nhở con em mình. Nhưng trên thực tế, có những phụ huynh phối hợp nhưng cũng có bố mẹ phải đi làm, con tự ở nhà học trực tuyến nên khi phụ huynh được giáo viên phản ánh, gọi điện về chỉ đạo từ xa thì hiệu quả cũng không cao.

Một giáo viên dạy lớp 3 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, sắp tới đây cô sẽ có tiết dự giờ trực tuyến. Lo nhất không phải là giáo án thế nào mà là HS sẽ tương tác ra sao hay để cô độc thoại? “Mặc dù đã thông báo tới các phụ huynh, liên tục nhắc nhở học trò của mình nhưng tôi lo nhất là đến hôm dự giờ, HS… tắt camera hay gọi trả bài thì bảo mic con hỏng rồi, nhắn tin cho cô rằng mạng nhà em chập chờn… thì giáo viên chỉ biết bó tay” - cô giáo này lo lắng.

50 trò một lớp. Cô giao bài tập về nhà rồi căng mắt chấm bài qua ảnh chụp phụ huynh gửi lên ứng dụng, sửa từng nét, từng lỗi sai nhỏ cho các con thực sự là một công việc mất nhiều thời gian và công sức của giáo viên gấp đôi so với chấm trên giấy trắng, mực đen. Bên cạnh đó, để giáo án điện tử sinh động, cuốn hút HS, thầy cô phải tìm kiếm, tham khảo và lồng ghép một số ứng dụng, trò chơi vào bài học nên mất không ít thời gian.

Thường xuyên tập huấn giáo viên

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết, để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục, mỗi trường phải thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên. Những hoạt động này thường được tổ chức ngoài giờ hoặc vào ngày nghỉ để không ảnh hưởng tới công tác giáo dục của trường, nhưng đã rút ngắn thời gian nghỉ ngơi của giáo viên. Không những vậy, sau giờ lên lớp, giáo viên phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, hoàn thành các loại hồ sơ, sổ sách,… Vì vậy, để giảm áp lực cho giáo viên thì sự hỗ trợ, đồng hành từ phía gia đình trong giáo dục HS là rất quan trọng.

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Thu Phương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, phụ huynh có thể đồng hành với con ở nhà hay cả ở trường thông qua các hoạt động là hướng dẫn con tìm kiếm thông tin và chuẩn bị bài mới. Trao đổi và thảo luận với con về các nội dung mà con học ở trường, những câu hỏi mở rộng cho bài học đó. Thực hành hoạt động giao tiếp đóng vai cùng con với các hoạt động trên lớp. Đến trường và tham gia vào giờ học của con nếu được sự đồng ý của giáo viên. Khi tham gia vào các hoạt động này, cha mẹ sẽ tăng tương tác với con và đồng thời chia sẻ nỗi khó khăn với giáo viên khi phải đồng hành cùng các con qua internet.

Cô Đỗ Thu Hà - giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết tại trường mình, việc quản lý lớp học rất khoa học. Theo đó, mỗi lớp là 1 đội, mỗi đội sẽ chia rất nhiều kênh tương ứng với các môn học khác nhau. Ví dụ, có 12 môn thì có 12 kênh và giáo viên bộ môn sẽ là người trực tiếp quản lý giờ học cũng như kênh của mình. Toàn bộ học liệu, nhiệm vụ học tập sẽ được giao trực tiếp cho HS trên thư mục của các kênh để đảm bảo mọi HS trong lớp đều có thể nhận được các nhiệm vụ học tập hoặc học liệu. Ngoài giao nhiệm vụ sẽ có những file chốt kiến thức để hệ thống lại HS đã học được những gì, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người quản lý chung có thể kiểm tra được việc làm bài tập của HS và có thể dự giờ tất cả các lớp học để hỗ trợ đồng nghiệp của mình trong công tác quản lý. Ban giám hiệu và Tổ tin học sẽ chịu trách nhiệm giám sát chung toàn bộ hệ thống. Ban giám sát gồm bộ phận giáo vụ và giám thị để hỗ trợ tối đa HS trong giờ học trực tuyến khi có sự cố xảy ra. Ví dụ khi đường truyền mạng của giáo viên có vấn đề, giáo viên chưa thể tổ chức giao nhiệm vụ trước giờ học được thì bộ phận giám sát đã giúp giáo viên làm việc đó rồi.

Với sự hỗ trợ của ban giám hiệu và các đồng nghiệp, thầy cô sẽ không “đơn độc” trong không gian mạng. Nếu mọi nhà trường đều thực hiện được điều này thì áp lực dạy học trực tuyến của giáo viên sẽ được san sẻ rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm áp lực dạy học trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO