Xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đại học (ĐH) ngày càng trở nên rõ hơn, khi ngày càng nhiều trường tổ chức sử dụng kết quả của các kỳ thi tuyển sinh riêng.
Từ giữa tháng 12/ 2022, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. Cụ thể, trường dự kiến tuyển 20-30% chỉ tiêu từng ngành thông qua phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi này. Số chỉ tiêu còn lại, nhà trường vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đến nay, đã có thêm 7 trường cũng quyết định sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì để thêm kênh xét tuyển.
Hiện, cả nước đã có 5 cơ sở giáo dục ĐH tự tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, hệ thống các trường công an cũng đã có kỳ thi riêng.
Năm 2023, Trường ĐH Thương mại sử dụng 8 phương thức xét tuyển trong đó 7 phương thức cũ năm 2022 và thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông của Trường ĐH Thương mại cho biết, dự kiến năm 2023 trường sẽ tăng chỉ tiêu bằng các phương thức xét tuyển kết hợp và giảm chỉ tiêu phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp (có thể giảm khoảng 10%). Hiện nay nhà trường vẫn đang tính toán các phương án. Kế hoạch cụ thể hơn có thể được cập nhật trong khoảng tháng 2/2023.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, theo đề án tuyển sinh 2023 đã được công bố, cơ bản giữ ổn định phương án tuyển sinh đại học như năm trước (tuyển sinh 60 mã ngành/chương trình với 6.200 chỉ tiêu, sử dụng 4 phương thức xét tuyển). Tuy nhiên, nhà trường đã có sự điều chỉnh về chỉ tiêu của từng phương thức xét tuyển so với năm trước. Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 35% xuống còn 25%; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tăng từ 2% lên 3%, tổng 2 phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp tăng từ 63% lên 72%.
Việc tuyển sinh ĐH giảm dần phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT được xem là việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích: Bài thi đánh giá năng lực không chỉ hướng tới những nhóm chuẩn kiến thức, năng lực, phải có tư duy trong làm bài, áp lực thời gian, và phân bố sao cho mình đạt kết quả cao nhất, không đơn giản chỉ là phần thi đánh giá kiến thức. Không phụ thuộc quá nhiều vào điểm số của kỳ thi THPT, nhiều kỳ thi đã kéo dài trong suốt năm để các thí sinh có điều kiện dự thi trong nhiều thời điểm, tăng cơ hội đỗ vào các trường ĐH.
Ở mùa tuyển sinh năm 2022, hơn 50 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Điều này, cho thấy các trường dần ít phụ thuộc vào kỳ thi THPT và để kỳ thi về đúng mục tiêu của nó là để xét tốt nghiệp.