Giảm mối lo cho doanh nghiệp

Minh Phương 10/12/2020 07:30

Nhiều cơ hội ổn định thị trường và gia tăng xuất khẩu cho các DN Việt Nam khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực. Đáng chú ý, theo các chuyên gia kinh tế, các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa là khá thuận lợi.

RCEP được kỳ vọng tạo nên diện mạo mới cho xuất khẩu

Mở ra nhiều cơ hội

Ngoài các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Hiệp định RCEP vừa được Việt Nam ký kết mới đây tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo mới cho bức tranh xuất khẩu hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay.

Giới chuyên gia nhận định, RCEP sẽ giúp Việt Nam thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mang đến giá trị lớn để Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, qua đó tận dụng tốt hơn các thị trường đối tác hiện nay.

Đáng chú ý, việc cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối của RCEP là một trong những yếu tố thuận lợi cho hàng hóa của chúng ta, giảm những mối lo của doanh nghiệp (DN) liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, DN Việt Nam không chỉ sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN mà còn có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước đối tác ASEAN như Úc, Niu Di-lân, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. “Đây được coi điểm mở rộng hơn so với các FTA ASEAN+1, giúp DN Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng trong toàn khối RCEP để tăng cường khả năng xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối”, ông Thái nhấn mạnh.

Hơn nữa, ngay khi thực thi Hiệp định RCEP, ngoài việc áp dụng cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ, các nước thành viên sẽ tiếp tục nghiên cứu và thảo luận về tính khả thi của cộng gộp toàn phần, là quy tắc xuất xứ tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ có thể từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực (tương tự như quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP)

Thêm vào đó, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định RCEP sẽ đa dạng hơn so với các FTA ASEAN+1. Cụ thể, việc cho phép lựa chọn các thủ tục cấp phép chứng nhận xuất xứ đa dạng sẽ tạo thuận lợi cho DN trong việc giảm thiểu thời gian xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, cắt giảm chi phí giao dịch, và chủ động hơn trong việc phát hành hóa đơn thương mại.

Doanh nghiệp nhẹ gánh chi phí

Nhiều DN cũng cho biết, mặc dù RCEP không giúp Việt Nam có thêm thị trường mới nhưng sẽ mở ra những cơ hội thuận lợi hơn để DN gia tăng xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), đến nay Việt Nam đã ký nhiều FTA song phương với các nền kinh tế lớn trong RCEP. Như vậy, khi RCEP được ký kết, các DN trong nước sẽ có thêm lựa chọn sử dụng mẫu C/O theo mỗi FTA một cách phù hợp, nhằm có được mức ưu đãi thuế quan cao nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bà Trang cho biết, với một nền kinh tế mà ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu như Việt Nam, RCEP sẽ giúp nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên, phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Trước đây, một số mặt hàng của Việt Nam sản xuất sử dụng nguyên liệu từ 1 trong 5 nước tham gia RCEP (ngoài ASEAN) thì không được hưởng ưu đãi.

Nhưng với RCEP, vấn đề này sẽ giải quyết. Điểm mới trong RCEP và được đánh giá có lợi cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam là xuất xứ cộng gộp toàn phần. Theo đó, bất cứ giá trị nào được tạo ra bởi thành viên của một nước RCEP đều được coi là giá trị tại nơi sản xuất cuối cùng.

Có một điểm nhìn thấy rất rõ, đó là khi tham gia RCEP, các DN sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi hơn trong giao dịch thương mại...

Theo đó, nhiều DN cho biết, do thuế quan giảm mạnh, các thủ tục hải quan được đơn giản hóa nên luồng hàng cũng sẽ được lưu chuyển nhanh hơn giữa các quốc gia. Đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường tới 15 nước tham gia RCEP.

Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm mối lo cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO