Giám sát, phản biện xã hội vì lợi ích nhân dân

Anh Vũ (thực hiện) 13/06/2022 11:28

Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã tham mưu Tỉnh ủy xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 15-ĐA/TU ngày 11/12/2020 về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025”.

Ông Giàng Seo Vần.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Giàng Seo Vần - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai xung quanh Đề án này.

PV: Thưa ông, giám sát, phản biện là một trong những điểm nhấn của Công tác Mặt trận tỉnh Lào Cai trong nhiều năm qua. Đến nay, việc thực hiện Đề án 15-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai đã đạt những kết quả cụ thể gì?

Ông Giàng Seo Vần: Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 15, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch chung thực hiện cho cả giai đoạn và kế hoạch thực hiện chi tiết hàng năm. Trên cơ sở đó, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động tổ chức hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để thống nhất về nội dung, lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội, tiếp xúc đối thoại theo mục tiêu Đề án, trình cấp ủy cùng cấp xin ý kiến chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Thực hiện các mục tiêu Đề án đặt ra trong giai đoạn 2020-2025, năm 2021, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức giám sát 82 cuộc; tổ chức 38 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Năm 2022, theo kế hoạch của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện 116 cuộc giám sát và 60 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Ban Thường trực ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức 26 hội nghị phản biện, tham gia góp ý trực tiếp đối với 67 văn bản dự thảo của các sở, ban, ngành và địa phương.

Từ thực tiễn, ông có thể đánh giá về những tác động, hiệu quả mà Đề án 15 mang lại đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

- Để thực hiện Đề án, Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Lào Cai đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp hiệp thương thống nhất nội dung, lĩnh vực giám sát; việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát bảo đảm chính xác, khoa học, không có sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát.

Qua tổng kết, đánh giá thực tế cho thấy, nhiều kiến nghị sau giám sát ở một số địa phương có chất lượng tốt, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết và phản hồi tích cực, nhất là các kiến nghị sau giám sát của các đoàn giám sát… góp phần đem lại hiệu quả thiết thực, bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lợi ích của Nhà nước, hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật.

Thông qua hoạt động giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoạch định, thực thi nhiệm vụ có hiệu quả hơn, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định tình hình nhân dân, tạo được sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai kiểm tra dự án hỗ trợ trâu, bò cho người nghèo tại huyện Bảo Yên.

Theo đề án này, trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức giám sát, phản biện những nội dung gì cụ thể, thưa ông?

- Theo mục tiêu của Đề án 15, các nội dung phối hợp giám sát do hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện gồm 9 nội dung giám sát. Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án số 15.

Theo đó, tổng số cuộc giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh là 21 cuộc, trong đó các hoạt động giám sát do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì là 4 cuộc gồm: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh Lào Cai khóa XV về Quy định nội dung, mức chi đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Giám sát việc thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thị xã Sa Pa; Giám sát thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh Lào Cai khóa XV về Quy định mức chi hỗ trợ thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đối với Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp chủ trì phản biện khi có yêu cầu của các cơ quan soạn thảo liên quan đến chủ trương, chính sách, quy hoạch và liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân theo quy định.

Thưa ông, để đạt mục tiêu của Đề án đặt ra, MTTQ tỉnh đã có những giải pháp gì để hoạt động giám sát phản biện phát huy hiệu quả trong thực tế?

- Để hoạt động giám sát, phản biện, đối thoại trực tiếp với nhân dân phát huy hiệu quả trong thực tế, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh cần có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của cơ quan chính quyền, sự hiệp thương thống nhất giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm và sự quan tâm cùng vào cuộc của nhân dân.

Đặc biệt, cần phát huy vai trò chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban MTTQ và Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc hiệp thương xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện, nhất là việc xác định, lựa chọn nội dung, phạm vi, hình thức giám sát, phản biện, khắc phục việc giám sát chồng chéo, phát huy vai trò của mỗi tổ chức tạo sức mạnh chung của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trước khi tiến hành hoạt động giám sát, phản biện, cơ quan chủ trì cần chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý và thực tiễn; cần tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, huy động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với thành viên đoàn giám sát. Các ý kiến kiến nghị phải được chắt lọc, giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi, đồng thời phải theo dõi, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị sau giám sát.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát, phản biện xã hội vì lợi ích nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO