Đà Nẵng: Hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận

Thanh Tùng 12/01/2019 08:30

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội (CTXH) của TP Đà Nẵng  được củng cố, nâng cao. Mặt trận các cấp và các đoàn thể CTXH của Đà Nẵng đã đề xuất và kiến nghị rất nhiều nội dung gửi đến các cấp, các ngành chức năng có thẩm quyền từ Trung ương đến cơ sở.

Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng cho biết: Năm 2018, Mặt trận các cấp của TP Đà Nẵng tập trung vào 8 nội dung giám sát thường xuyên. Các nội dung giám sát thường xuyên đều thực hiện tốt, trong đó nổi bật là hoạt động giám sát của 56 Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và 94 Ban Giám sát Đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) ở phường, xã với 328 cuộc giám sát trên 139 lĩnh vực, phát hiện 38 vụ việc có vi phạm, gửi 126 kiến nghị đến cơ quan chức năng và giải quyết được 125 kiến nghị.

Các Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát 340 cuộc với 263 công trình. Qua đó phát hiện vi phạm, thiếu sót tại 25 công trình, dự án và gửi 28 kiến nghị đến các đơn vị có liên quan để khắc phục, sửa chữa.

Nội dung giám sát cán bộ công chức (CBCC), đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư cũng được Mặt trận TP Đà Nẵng phát huy hiệu quả cao. Trong năm 2018, nội dung này tiếp tục được kết hợp theo Quy định số 06-QĐ/TU ngày 17/4/2018 của Thành uỷ Đà Nẵng đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Mặt trận TP cũng phổ biến công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đến 1.229 Ban Công tác Mặt trận khu dân cư. Cùng với đó, năm 2018 Mặt trận các cấp và các tổ chức đoàn thể của Đà Nẵng đã chủ trì thực hiện 140 đoàn giám sát với 99 chuyên đề, trong đó có các nội dung được Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thống nhất từ đầu năm.

Năm 2018, Mặt trận các cấp của TP Đà Nẵng cũng thực hiện 10 hoạt động phản biện xã hội. Đơn cử như lấy ý kiến về việc thu phí giữ xe tại các bệnh viện công lập trên địa bàn; tổ chức Hội nghị phản biện về Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây Cầu Rồng và cụm nút giao thông phía Tây Cầu Trần Thị Lý). Mặt trận quận, huyện tổ chức 3 hội nghị phản biện xã hội, phản biện dự thảo Đề án “Trùng tu tôn tạo phát huy giá trị di tích Khu căn cứ cách mạng K20”; Đề án “Thanh Khê - Đô thị kiểu mẫu giai đoạn 2019 -2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Dự án “Xây dựng nhà làm việc Trung tâm hành chính quận”.

Lần đầu tiên, Mặt trận 4 phường trên địa bàn TP là Thạch Thang, Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Nam đã tổ chức được hội nghị phản biện xã hội về các vấn đề dân sinh thiết thực như phân loại rác tại nguồn, hiệu quả sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng, hiệu quả sử dụng camera an ninh trên địa bàn phường. Theo bà Đặng Thị Kim Liên, đây là một trong những hoạt động rất đáng biểu dương của Mặt trận cơ sở.

Mặt trận các cấp đã phát huy được vai trò đại diện nhân dân thông qua ý kiến của các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, các tổ chức CTXH; các Liên hiệp hội, hội và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức trong các tầng lớp nhân dân.Qua hoạt động phản biện của Mặt trận TP đã hỗ trợ cho ngành chủ quản (đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo) nhiều thông tin để điều chỉnh dự án, chương trình phù hợp với thực tiễn và đảm bảo được sự đồng thuận chung của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đà Nẵng: Hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO