Để hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đạt hiệu quả như mong muốn, theo TS Trần Hữu Thăng- nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng hội Y học Việt Nam, bên cạnh sự sắc sảo còn cần cả sự dũng cảm để bảo vệ chính kiến của mình.
Ông Trần Hữu Thăng.
Để các hoạt động giám sát và phản biện xã hội được thực hiện tốt hơn, ông Thăng cho rằng, MTTQ cần chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong hoạch định cơ chế, chính sách; làm người phản biện sắc sảo, chân tình. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng cần lựa chọn các nội dung, vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề bất cập mà nhân dân quan tâm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của MTTQ Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương. Tuy nhiên, điều cần tránh nhất trong phản biện là “một người nói xong tất cả gật đầu hùa theo”.
Ông Thăng cũng cho biết, trong thời gian học ở Đức, điều ông được học là muốn phát hiện được nhân tài cần 2 yếu tố: Một là phải hết sức dân chủ và hai là tất cả đều công khai, minh bạch.
Trong phản biện và giám định, điều mà Tổng hội Y học Việt Nam thực hiện trong hàng chục năm qua, là mời những chuyên gia giỏi thật sự tham gia vào nhiệm vụ này vì họ là những người có trình độ nên nhiều hoạt động của ngành y tế đi vào đời sống. Tuy nhiên, ông Thăng cũng cho rằng, một yếu tố khác khiến công tác phản biện xã hội của Mặt trận phần nào bị hạn chế đó là cơ chế tiếp thu ý kiến phản biện chưa tốt. Trong phản biện, không chỉ cần sự sắc sảo mà đôi khi cần cả sự dũng cảm- dũng cảm để bảo vệ chính kiến của mình.
“Thời gian qua, công tác giám sát, phản biện cũng có những hạn chế nhất định nhưng bên cạnh đó Mặt trận cũng đã làm được rất nhiều việc tích cực, đáng ghi nhận. Đó là bất kỳ hoạt động gì khi Mặt trận phát động đều thắng lợi và gặt hái được nhiều thành công; được người dân tích cực hưởng ứng”- ông Thăng chia sẻ. Trong đó tiêu biểu như CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”… Hiện có nhiều bác sĩ là thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam đã thấm nhuần và thực hiện kê thuốc do Việt Nam sản xuất cũng xuất phát từ CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
“Chúng ta đủ năng lực sản xuất thuốc tốt, không cần dùng đến thuốc Tây”- ông Thăng nhấn mạnh điều này là bởi không ít bác sĩ nhận hoa hồng của các hãng thuốc Tây để họ kê đơn thuốc Tây dù nhiều loại thuốc của Việt Nam vừa tốt, rẻ lại được kiểm soát chất lượng, nhất là các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em. Theo ông Thăng, về việc này Mặt trận cần phối hợp chặt chẽ hơn với ngành Y tế, ngành Giáo dục tuyên truyền đồng thời có những biện pháp giám sát để toàn dân cùng hiểu rằng y học dự phòng là số một; kích hoạt hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người; ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý là số một.
“Nếu biết tổ chức tốt hơn nữa, khu trú được những vấn đề trọng tâm thay vì trải ra quá nhiều, biết cầu thị lắng nghe những nhận xét thẳng thắn, khách quan, không xuất phát từ bất kỳ định kiến gì, công tác Mặt trận sẽ được cải thiện tốt hơn nữa”- ông Thăng chia sẻ.