Thêm trách nhiệm, thêm niềm tin

Tuệ Phương-Trung Hiếu 01/09/2019 07:30

Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 217 và 218, tạo hành lang, cơ chế để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tham gia giám sát và phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Một trách nhiệm lớn lao hơn được giao cho Mặt trận. Nhưng cũng vì thế, cán bộ Mặt trận phải nỗ lực hơn và được nhân dân tin yêu hơn.

Thêm trách nhiệm, thêm niềm tin

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao giải cho các tác giả đoạt giải Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trách nhiệm lớn lao

Nếu chỉ nghe những con số như 5 năm qua, MTTQ đã tổ chức 4.093 cuộc giám sát ở cấp tỉnh, 22.679 cuộc ở cấp huyện và 466.012 cuộc ở cấp xã; đối với hoạt động phản biện, Mặt trận tổ chức 4.059 cuộc phản biện ở cấp tỉnh, ở cấp huyện con số này là 15.166, cấp xã 69.710 cuộc... người ta dễ liên tưởng đến những cuộc họp với mật độ dày đặc. Nhưng những con số khô khan ấy không nói hết được những đổi thay trong công tác Mặt trận.

Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn kể từ khi Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới từ năm 1986. Nhưng nền kinh tế thị trường kéo theo những hệ lụy. Những vụ tiêu cực phát sinh liên tiếp, liên quan đến trách nhiệm của cả những lãnh đạo cấp cao. Ở cấp cơ sở, tham nhũng “vặt” hoành hành, gây cản trở sự phát triển, mất niềm tin của quần chúng nhân dân. Nhiều chính sách bị lợi dụng để trục lợi. Nhiều công trình hạ tầng bị rút ruột. Mặc dù thể chế chính trị của đất nước đã có sự kiểm tra, giám sát trong nội bộ Đảng, giám sát của Quốc hội và cơ quan tư pháp, song, để tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, tận dụng tối đa nguồn lực tri thức của nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời, để phát huy dân chủ, năm 2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành 2 quyết định hết sức quan trọng là Quyết định số 217 về Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218 Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền.

Đó chính là sự thay đổi về “chất” của công tác Mặt trận. Từ chỗ, chủ yếu vận động nhân dân làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở trung ương; cấp ủy, chính quyền ở địa phương, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được giữ vai trò độc lập trong đánh giá, phản biện nhiều chủ trương, chính sách; tìm ra những sai sót, khiếm khuyết của chính sách để đề xuất sửa đổi cho phù hợp; giám sát cán bộ ở các cấp để kịp thời phát hiện những sai trái, hay những biểu hiện không lành mạnh về tư tưởng, lối sống; giám sát việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội... Cùng với đó, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước được hoàn thiện từ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó cho đội ngũ cán bộ Mặt trận trọng trách. Nhưng đi kèm trách nhiệm là không ít những thách thức, khó khăn. Cán bộ Mặt trận phải tích cực hơn, năng động hơn, theo sát những diễn biến của kinh tế, xã hội. Có nắm vững luật pháp, nắm vững chuyên môn ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ công nghiệp, thương mại, cho tới các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… mới có thể giám sát việc thực thi; tìm ra những thiếu sót trong chính sách, những sai phạm khi thực hiện các dự án… Cùng với tự bổ sung kiến thức cho mình, cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến địa phương còn phải đổi mới hoạt động, làm sao để huy động các chuyên gia trong từng lĩnh vực phát huy trí tuệ, cùng Mặt trận tích cực tham gia giám sát, phản biện.

5 năm qua, MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp triển khai hiệu quả 12 chương trình giám sát ở cấp Trung ương. Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực được người dân, doanh nghiệp và xã hội quan tâm như: chính sách đối với người có công với cách mạng; đổi mới giáo dục và đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn thực phẩm; BHXH, BHYT; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… Mỗi cuộc giám sát, phản biện hay tổ chức đóng góp ý kiến, là sự chuẩn bị kỳ công của những người làm Mặt trận. Những ý kiến phản biện xuất sắc của các chuyên gia trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, an sinh xã hội… trong các cuộc giám sát, phản biện, đều có dấu ấn của đội ngũ cán bộ Mặt trận âm thầm phía sau.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương và cả nước. Mặt trận các cấp đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Vinh dự khi được dân mến, dân yêu

Chúng tôi may mắn được tham dự nhiều cuộc phản biện, cũng như đi theo nhiều đoàn giám sát của Mặt trận. Điển hình như phản biện về phương án tổ chức giao thông công cộng ở một số thành phố, hay một số cuộc phản biện về chính sách môi trường; một số cuộc giám sát đầu tư công, giám sát thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Cùng với đó, là những cuộc đối thoại trực tiếp với các cấp ủy, chính quyền do Mặt trận tổ chức. Những hoạt động này khiến nhân dân hết sức phấn khởi khi có thêm một kênh giám sát; các cơ quan Đảng, Nhà nước, có thêm kênh thông tin góp ý. Đặc biệt, nhờ có Quyết định 217, 218 nhân dân thêm cơ hội được trực tiếp góp ý với Đảng, chính quyền. Cán bộ Mặt trận trong thời đại mới mang một hình ảnh khác, năng động hơn, và cũng gần gũi nhân dân hơn, đại diện cho tiếng nói của nhân dân một cách mạnh mẽ hơn.

Vị thế, vai trò của Mặt trận được khẳng định và nâng tầm thông qua giám sát, phản biện. Để tiếp tục đưa hoạt động giám sát và phản biện xã hội thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, từ Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vào tháng 2/2019, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn mong muốn thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp cần quan tâm tới các hình thức giám sát sao cho hiệu quả, thiết thực, từ đó nhân rộng các mô hình điển hình trong hoạt động giám sát để tạo sức lan tỏa trong nhân dân và huy động sự vào cuộc của nhân dân. Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức thành viên cần tăng cường hoạt động phản biện theo đúng tinh thần của Quyết định 218-QĐ/TW.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, khi triển khai các chương trình giám sát, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung vào việc giám sát về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát huy vai trò chủ trì giám sát phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đặc biệt là phải huy động sự vào cuộc của nhân dân và cùng với nhân dân PCTN, lãng phí; triển khai giám sát cá nhân cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu nhất là tích cực giám sát cán bộ chủ chốt đảng viên theo Quy định 124 ngày 2/2/21018 của Ban Bí thư.

Không chỉ thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, hưởng ứng quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết đấu tranh PCTN, lãng phí, thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã chú trọng triển khai mạnh mẽ việc PCTN, lãng phí. Với quyết tâm hành động, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thống nhất ban hành và triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018-2020 trong toàn hệ thống Mặt trận với nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể. Ngay sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam tại TP Cần Thơ vào tháng 1/2017 khi nhấn mạnh tới việc phát huy vai trò của Mặt trận, báo chí và công luận trong đấu tranh PCTN, lãng phí, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động và triển khai Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”. Qua hai lần phát động và trao giải đã tạo được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh PCTN, lãng phí.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân thi đua tiến tới Đại hội Đảng các cấp. Đất nước đang cùng thế giới bước vào kỷ nguyên của thời đại công nghệ 4.0. Thời cơ đi kèm những thách thức. Từ nền tảng của những thành tựu đạt được, có thể tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ Mặt trận tiếp tục đổi mới, để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong giai đoạn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm trách nhiệm, thêm niềm tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO