Giảm sóng gió cho thị trường lao động

Lan Hương-Minh Sang 10/03/2023 08:52

Tình trạng thiếu đơn hàng vẫn đang diễn ra khiến nhiều doanh nghiệp phải giãn việc, giảm nhân công, giảm giờ làm. Thiếu việc làm, “khát” đơn hàng là điều mà cả doanh nghiệp và người lao động đều không mong muốn. Khôi phục thị trường lao động, từ đó vực dậy sản xuất của doanh nghiệp... là vấn đề đang được đặt ra lúc này.

Thị trường lao động vẫn chưa hết khó khăn khi các doanh nghiệp vẫn đang “khát” đơn hàng. Ảnh: Quang Vinh.

Nộp 10 bộ hồ sơ tuyển dụng online, đi phỏng vấn trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm Hà Nội nhưng chị Nguyễn Thị Hải, quê Nam Định, vẫn không xin được công việc mới. Tốt nghiệp Đại học Hàng Hải nhưng chị Hải phải rẽ ngang, làm nghề trái với ngành mình đã học. Sau 15 năm gắn bó chị bị buộc phải nghỉ việc vì công ty giải thể.

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng

Chị Hải xin làm nhân viên kinh doanh của công ty chuyển phát nhanh. Công việc tuy vất vả nhưng đổi lại mỗi tháng tổng thu nhập của chị được từ 15 triệu đến 18 triệu đồng. Với mức lương này, chị cũng lo đủ cho 2 đứa con. Thế nhưng cuối năm 2022 công ty cắt giảm nhân lực, chị Hải là một trong số những nhân công bị cắt giảm. Nhận 3 triệu đồng hỗ trợ từ công ty, đến nay chị vẫn chưa xin được việc làm mới.

“45 tuổi đi xin việc lại từ đầu tôi biết mình rất ít cơ hội, vì thế tôi cũng chỉ dám tìm những việc yêu cầu đơn giản, lao động phổ thông với mức thu nhập 7 đến 10 triệu đồng/tháng nhưng đến nay vẫn không tìm được công việc nào. Tôi không thể cầm cự thêm được nữa đành làm thủ tục xin nhận trợ cấp thất nghiệp. Cứ đà này hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa chắc tôi đã xin được việc làm” - chị Hải giãi bày.

Mất việc 3 tháng nay nhưng chị Nguyễn Thị Như, 42 tuổi (Nghệ An) không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vì năm 2020 sau khi mất việc chị đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hưởng xong trợ cấp thất nghiệp, chị xin đi làm chưa được bao lâu, cuối năm 2022 công ty mới lại gặp khó khăn vì không có đơn hàng. Chị Như lại phải ngừng việc mà không thể đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chị Như cho biết, để lo cho gia đình chị đã phải tìm kiếm công việc thời vụ để làm trong lúc chờ đợi công ty có việc làm trở lại. "Tiền lương công ty hỗ trợ cho lao động không nhiều, mỗi tháng chỉ được hơn 2 triệu đồng, tôi phải xin việc làm phục vụ cho mấy nhà hàng. Giờ nhiều tuổi đi xin việc cũng rất khó" - chị Như nói.

Một trong những thông tin gây chú ý dư luận những ngày gần đây là Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TPHCM), doanh nghiệp (DN) da giày với hơn 50.500 lao động, dự kiến cắt giảm hơn 3.000 lao động trong thời gian tới. Cắt giảm nhân lực vì không có đơn hàng không chỉ là câu chuyện của PouYuen mà đang là tình cảnh chung hiện nay của hàng nghìn DN. Tại Đồng Nai, theo Liên đoàn Lao động tỉnh, đầu năm 2023 tại các DN ngành gỗ, giày da, may mặc, người lao động (NLĐ) quay trở lại làm việc đầy đủ, nhưng khó khăn của tình trạng thiếu đơn hàng vẫn chưa hết. Nhiều DN đã phải sản xuất cầm chừng để giữ việc làm cho NLĐ, đồng thời cải tiến mẫu mã, triển khai mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới đáp ứng công ăn việc làm cho công nhân.

Khó khăn về đơn hàng khiến nhu cầu tuyển dụng lao động giảm. Cụ thể: Nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tính đến cuối tháng 2/2023 chỉ hơn 6.000 người, giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm. Nguyên nhân đến từ việc các DN đã ổn định nguồn lao động từ trước hoặc gặp khó khăn về đơn hàng nên chưa có nhu cầu tuyển dụng mở rộng sản xuất.

Tại tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Lương Đức - Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên, cho biết năm nay tình hình đơn hàng xuất khẩu của các DN da giày rất ảm đạm. Số DN có đơn hàng tới tháng 4/2023 rất ít, đa phần chỉ có tới hết tháng 2. Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm không cần thiết, các đối tác nhập khẩu bị tồn đọng hàng nên không đặt thêm đơn hàng mới. Hiện nhiều DN da giày đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, có nơi phải cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc tạm thời vì thiếu đơn hàng xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động sụt giảm. Ảnh: Quang Vinh.

“Sổ bảo hiểm - tài sản lớn nhất của người lao động”

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi đề cập đến cuộc sống của NLĐ. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Hải cho biết, dù được cải thiện song cuộc sống của NLĐ hiện nay còn nhiều khó khăn. “Trong một cuộc làm việc mới đây với công nhân lao động, khi được hỏi về tài sản lớn nhất là gì, thì công nhân trả lời đó chính là sổ bảo hiểm xã hội. Điều này có thể lí giải tại sao công nhân cứ gặp khó khăn là cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, thậm chí họ bán sổ bảo hiểm để lấy chi phí trang trải cuộc sống, bởi đây là nguồn tiền lớn nhất, cũng là giá trị nhất đối với người công nhân” - ông Hải nói.

Thực tế, để xác định mức độ hài lòng của đoàn viên công đoàn đối với cuộc sống (chỉ số hạnh phúc), cũng như nhận diện những nhu cầu, nguyện vọng chủ yếu của đoàn viên công đoàn hiện nay, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã tiến hành một cuộc khảo sát với khoảng 6.000 đoàn viên công đoàn thuộc 16 tỉnh, ngành (chiếm 19,5% tổng số tỉnh, ngành cả nước).

Kết quả cho thấy, các chỉ số được NLĐ đánh giá mức độ hài lòng thấp thuộc những vấn đề mà nhiều lao động phản ánh còn nhiều khó khăn, nhưng lại rất thiết thân với cuộc sống như: Nhà ở; trường học; bệnh viện; giao thông; tình trạng sức khỏe và khoảng thời gian rỗi dành cho nghỉ ngơi và giải trí.

Rõ ràng cuộc sống của NLĐ vốn khó khăn vì đồng lương eo hẹp thì nay trước tác động dịch Covid -19, lạm phát càng khiến cuộc sống của họ thêm chật vật. Những khó khăn này chắc chắn sẽ còn kéo dài bởi theo đánh giá thị trường lao động vẫn còn rất nhiều bất ổn và khó khăn.

Nhận định về thị trường lao động trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hải - CEO JobsGO (đơn vị hỗ trợ tuyển dụng và tìm việc làm tại Việt Nam) nhận định, nửa đầu năm 2023, tình hình tuyển dụng nhân sự tại các DN có thể sẽ diễn ra khá chậm do ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Các công ty sẽ phải phân chia thành nhiều cấp độ để đối phó, từ dừng tuyển mới đến dừng tuyển thay thế hay thậm chí là cắt giảm. Điều này tạo ra nhiều khó khăn đối với NLĐ trong quá trình tìm việc làm, đặc biệt là những đối tượng chưa qua đào tạo hoặc ít kinh nghiệm làm việc.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, rủi ro suy thoái toàn cầu năm 2023 đã gia tăng đáng kể. Xử lý tác động đa chiều, đa tầng của xu hướng này đối với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu và lạm phát của Việt Nam đòi hỏi phải theo dõi các kịch bản, đồng thời thực hiện thận trọng, linh hoạt các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của một bộ phận NLĐ. Trong bối cảnh ấy, duy trì sự tham gia lao động, đồng thời tạo dựng kỹ năng để NLĐ thích ứng với những ngành nghề, hoạt động kinh tế mới sẽ là một yêu cầu quan trọng, song không dễ thực hiện.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, thị trường lao động trong thời gian tới có thể sẽ vẫn chịu nhiều rủi ro và thách thức. Tình hình lạm phát ở các nước đang đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo. Bộ đã yêu cầu sở LĐTBXH các địa phương phải nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; đặc biệt là tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các DN trên địa bàn để kịp thời có những biện pháp kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Cùng với đó tăng cường kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm cho NLĐ. Chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cho vay vốn; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hoạt động của các DN dịch vụ việc làm…

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu:

Tạo việc làm là nhiệm vụ trọng tâm

Trong nền kinh tế thị trường, mỗi loại thị trường đều có chức năng và vai trò khác nhau. Trong đó, thị trường lao động được coi như một “đầu tàu” để kéo theo sự chuyển động của các thị trường khác và của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, việc hoàn thiện chính sách và quản trị quốc gia về lao động có ý nghĩa quan trọng tới phát triển thị trường lao động của các nước, trong đó có Việt Nam.

Để từng bước đạt được mục tiêu phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, cần tiến hành đồng bộ những giải pháp cơ bản như tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế, thúc đẩy tái tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu việc làm và tạo việc làm mới là nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các ngành, DN tập trung phục hồi việc làm tại các ngành bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều lao động bị mất việc, các thị trường lao động bị ảnh hưởng do lao động di chuyển. Cùng với đó, cần khai thác các cơ hội việc làm mới trong các nhóm ngành nghề mũi nhọn, ngành nghề mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm sóng gió cho thị trường lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO