Tỉnh Lâm Đồng có đông đồng bào các dân tộc Mạ, K’Ho, Chu Ru, Mnông… sinh sống lâu đời. Đời sống kinh tế của đồng bào đã có nhiều khởi sắc. Song, một số hủ tục vẫn còn dai dẳng, nhất là ở những buôn làng vùng sâu, vùng xa. Trong đó, nhức nhối nhất vẫn là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Với phương châm về với buôn làng, về với bà con để tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang từng bước “nói không” với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Triển khai kế hoạch này, các sở, ngành, địa phương đã cụ thể hóa bằng nhiều biện pháp như: Xây dựng các mô hình phòng, chống tảo hôn trong cộng đồng; tuyên truyền trong chị em phụ nữ, học sinh về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong vận động nhân dân…
Huyện Đạ Tẻh là một trong những địa bàn có vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn diễn biến phức tạp. Điển hình như thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai), nơi có khoảng 1.210 nhân khẩu, đa phần bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số. Từng có thời gian dài, Đạ Nhar luẩn quẩn trong đói nghèo và tình trạng tảo hôn diễn ra thường xuyên. Trung bình mỗi năm có từ 3 - 4 cặp trong thôn cưới vợ hoặc cưới chồng khi chưa đủ tuổi.
Hay như buôn Con Ó (xã Mỹ Đức), hầu như năm nào cũng xuất hiện các trường hợp tảo hôn. Huyện Đạ Tẻh đã triển khai các biện pháp tổng hợp, chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cho nam, nữ thanh, thiếu niên, học sinh, phụ huynh học sinh, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào.
Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện vừa tổ chức các đợt tuyên truyền, vừa xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”. Với phương châm phải đến từng buôn làng, Hội LHPN đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền tại các buôn, thôn như: thôn Đạ Nhar, thôn Tố Lan (xã An Nhơn), thôn 8 (xã Mỹ Đức) và Tôn K’Long (xã Đạ Pal)… Tại đây, người dân được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình; chính sách dân số; thực trạng, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết và mục đích, lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân...
Bà Nguyễn Thị Tiếng Thơ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đạ Tẻh cho biết: “Hoạt động diễn ra nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ và nhân dân về thực trạng, nguyên nhân và những hệ lụy tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Những hệ lụy đó không chỉ đi ngược với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định của pháp luật mà còn để lại cho gia đình, xã hội và thế hệ tương lai những hệ lụy khôn lường”.
Huyện Di Linh cũng là địa bàn vấn nạn tảo hôn còn dai dẳng. Điển hình như xã Tân Thượng, năm 2022, toàn xã vẫn có 6 cặp vợ chồng tảo hôn, những đối tượng này đều ở lứa tuổi 15, 16 tuổi.
Trước thực tế đó, UBND xã Tân Thượng đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết; lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hình thức tuyên truyền miệng, phát tờ rơi cho những người tham dự buổi họp dân, sinh hoạt, hội nghị, họp tôn giáo; tổ chức các hội thi sân khấu hóa để tuyên truyền, vận động và nêu ra những tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Chị Ka Săng - Bí thư Đoàn xã Tân Thượng cho biết, Đoàn xã đã tổ chức tuyên truyền tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hôn nhân, độ tuổi kết hôn… cho các bạn đoàn viên. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi đến từng hộ gia đình có con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên để tuyên truyền cho các em và cha mẹ thay đổi nhận thức, tư duy cũ về kết hôn sớm. Với việc vào cuộc tích cực, năm 2023, Di Linh đã giảm nỗi lo về tảo hôn.