Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Xoa dịu những nỗi đau

Nguyễn Chung 15/11/2022 07:00

Thanh Hóa là tỉnh có tới 11 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện vùng biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, với số dân trên 900 nghìn người, trong đó có 667 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, trong đó có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người dân.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã đẩy hoàn cảnh của nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vào bi kịch.

Chuyện buồn không muốn nhắc

Là một trong những huyện biên giới nghèo nhất nước, huyện Mường Lát hiện có đông đảo đồng bào dân tộc Mông sinh sống (chiếm khoảng 39% dân số toàn huyện). Nhiều năm qua, hệ lụy từ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của bà con nơi đây cũng bị ảnh hưởng.

Trong căn nhà sàn đã bạc phếch dấu thời gian, ông Lương Xuân Ban (trú tại bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn) ngồi bất động, ánh mắt vô định nhìn ra cánh đồng hẹp chỉ còn trơ lại gốc rạ sau vụ gặt. Cái chết của cô cháu gái ruột từ 6 năm trước vẫn như vết dao cứa vào tâm can tạo thành vết thương lớn không thể liền sẹo, chỉ cần có ai đó vô tình khơi lại, nó lại rỉ máu.

Cách đây 6 năm, cô cháu ruột của ông là Lương Thị D. đang là học sinh THCS thì vướng vào “lưới tình”. Người yêu của D. là bạn trai học cùng lớp. Không giữ được mình, D. đã mang thai ngoài ý muốn. Gia đình biết chuyện đã ra sức cấm cản, không cho lấy nhau vì chúng còn quá nhỏ. Thương con, xót cháu như ngọn sóng lớn nhưng không đủ sức vượt qua bức tường định kiến… Khi mang thai D. bị đuổi xuống bản khác. Em buồn rầu, xấu hổ và tủi nhục nên đã tìm đến cái chết bằng việc uống thuốc trừ cỏ để giải thoát cho chính mình (khi đó D. đang mang thai tháng thứ 3). “Đau lắm chứ nhưng biết làm thế nào được” - ông Ban cay đắng buông câu nói kèm tiếng thở dài nặng trĩu.

Rời Tén Tằn, chúng tôi đến bản Nàng 1, xã Mường Lý. Đây cũng là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn cao của huyện Mường Lát. Điều đau lòng nhất là các ông bố bà mẹ trẻ này đã sinh ra những đứa trẻ bệnh tật. Đó là trường hợp vợ chồng em H. lấy nhau khi 16 tuổi và sinh đứa con ra bị u não. Lại có trường hợp em P. đang học lớp 11 bỏ học để lấy chồng, và thật buồn họ đã sinh ra một đứa trẻ khuyết tật.

Tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống đã gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn đối với đời sống của đồng bào cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dân trí thấp, đông con và cái nghèo bủa vây từ đời này sang đời khác đã đẩy nhiều gia đình vào bi kịch.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Huyền - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: Theo thống kê từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 960 cặp kết hôn, trong đó có 150 cặp tảo hôn; 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Số vụ xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn là hơn 90 vụ. “Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về Luật Hôn nhân và Gia đình; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước thôn bản. Đẩy mạnh giáo dục giới tính trong trường học, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh” - bà Huyền cho hay.

Ông Lương Xuân Ban vẫn chưa nguôi nỗi đau mất cháu gái.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống

Có thể thấy, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Theo đề án này, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai công tác phối hợp với một số các sở, ban, ngành và UBND các huyện miền núi tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các giải pháp giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn.

Trao đổi với báo chí, bà Cao Thị Hòa - Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Từ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm dần. Điển hình như tại huyện Như Thanh, trong vài năm gần đây, trên địa bàn toàn huyện có gần 1.700 cặp kết hôn, nhưng không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hay tại huyện Thạch Thành, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có hơn 2.300 cặp kết hôn nhưng không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tại các huyện miền núi khác như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước..., tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng đã giảm dần. Nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại các vùng có đông đồng bào dân tộc Mông và Khơ Mú sinh sống, tình trạng tảo hôn vẫn còn chưa được giải quyết triệt để.

“Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong giai đoạn 2021-2025, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; chú trọng đa dạng các hình thức phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về giảm thiểu tảo hôn. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe” - bà Hòa cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Xoa dịu những nỗi đau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO