Gian nan cuộc chiến chống hàng giả

Thanh Giang 22/10/2018 08:01

Trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra phát hiện 34.733 vụ vi phạm. Cơ quan chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng. Hàng giả vẫn diễn biến khó lường, việc ngăn chặn cũng còn nhiều gian nan.

Gian nan cuộc chiến chống hàng giả

Mỹ phẩm giả được đem đi tiêu hủy.

Ông Nguyễn Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) khẳng định: Bất cứ sản phẩm nào trên thị trường cũng bị làm giả. Hàng giả đang trở thành quốc nạn, vấn nạn mặc cho các ban chỉ đạo tham gia đấu tranh, nhiều cơ quan quản lý triển khai ngăn chặn.

Hàng nội, ngoại đều bị làm giả

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam – Nguy cơ, thách thức và giải pháp”. Tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, trên thị trường hiện nay tràn lan hàng giả, bất kể sản phẩm nào cũng được làm giả rồi phân phối và tiêu thụ. Theo đó, đa phần hàng hóa bị làm giả về chất lượng, bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý,…Trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra phát hiện 34.733 vụ vi phạm. Cơ quan chức năng tiến hành xử phạm vi phạt hành chính trên 121,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bách - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cho hay, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường rất đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, linh động về giá cả. Điều này vô hình trung gây khó cho cơ quan quản lý trong việc phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, với mong muốn ngăn chặn hàng giả, thời gian qua, TPHCM liên tục tổ chức nhiều cuộc kiểm tra tại một số chợ truyền thống và trung tâm thương mại, các tuyến đường kinh doanh. Kết quả là thu giữ rất nhiều sản phẩm đồng hồ, mắt kính, ví,… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý 28 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, 1 vụ buôn bán tem, nhãn, bao bì giả; các vi phạm còn lại là giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Nói về vấn nạn hàng giả, lực lượng quản lý thị trường chia sẻ, công tác chống hàng giả ngày càng khó khăn, vì ngoài hàng giả trong nước, hàng giả nước ngoài cũng tuồn vào thị trường Việt Nam. Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, thời gian gần đây có nhiều vụ việc quy mô lớn liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Liên quan đến hàng giả nhập lậu, Cục quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết, lực lượng bắt giữ nhiều loại hành hóa nhập lậu qua biên giới của tỉnh như: thuốc lá, gỗ, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đông dược, quần áo, đồng hồ đeo tay…Tuy nhiên, lực lượng chức năng không thể phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.

Áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ

Hàng giả tràn lan trên thị trường không những gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN), ngân sách nhà nước, mà còn khiến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Đối với nhà đầu tư đang hoạt động, hàng giả khiến họ e ngại mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bàn về nguyên nhân dẫn đến vấn nạn hàng giả tồn tại và phát triển mạnh, nhiều ý kiến chỉ ra hàng loạt yếu điểm cố hữu. Điển hình, lực lượng quản lý thị trường mỏng, kinh phí hoạt động thấp, quy định chồng chéo, xử phạt quá nhẹ.

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhận định: “Hàng giả tung hoành như hiện nay có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, không chỉ sản xuất hàng giả trong nước mà còn tuồn cả hàng giả bên ngoài vào qua các cửa khẩu. Nguyên nhân khách quan là do quy định pháp luật chưa đồng bộ. Ban chỉ đạo bao trùm từ trung ương đến cơ sở nhưng một số đơn vị, địa phương chưa triển khai quyết liệt”.

Để công tác đấu tranh chống hàng giả hiệu quả hơn, ông Bách cho rằng cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm khi mua hàng, đồng thời phát hiện, tố cáo vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả. DN cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh chống hàng giả. Các DN phải phối hợp với cơ quan chức năng, không nên xem việc đấu tranh với hàng giả là của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, DN nên ý thức xác định quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Đây là quyền tài sản được Nhà nước bảo hộ. Với cơ quan quản lý nhà nước, ông Bách mong sớm sửa đổi những quy định còn bất cập, gây khó khăn cho hoạt động đấu tranh chống hàng giả và gian lân thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến chống hàng giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO