Gian nan cuộc chiến chống ‘virus’ tin giả

Thanh Đức (Tổng hợp) 25/07/2021 13:30

Maatje Benassi là một nữ quân nhân dự bị và là một bà mẹ có hai con nhỏ. Cuộc sống vốn bình lặng của cô bỗng bị lật ngược chỉ vì bỗng dưng  xuất hiện những cáo buộc tràn lan trên mạng rằng cô là người đã mang virus Covid-19 đến nước Mỹ. Những cáo buộc nhiều đến nỗi Benassi, chồng cô cũng phát hoảng, không còn dám tin vào kết quả xét nghiệm âm tính của vợ.

“Ngày qua ngày, chúng tôi như thể đi từ cơn ác mộng này sang cơn ác mộng khác” - Maatje Benassi nói với CNN Business trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng, Benassi không phải là trường hợp duy nhất bị nạn tin giả trên mạng đọa đày khi dịch Covid-19 bùng phát.

Rất rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của nạn tin giả (Fake News), từ người bình dân cho đến người nổi tiếng. Tỷ phú Bill Gates nằm trong số này. Một số “thuyết âm mưu” đã gắn Bill Gates với đại dịch Covid-19 được nhắc tới 1,2 triệu lần trên mạng xã hội trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020 - theo New York Times. Những thông tin sai lệch này nằm trong các video trên YouTube (10 video được nhiều người theo dõi nhất có tổng cộng gần 5 triệu lượt xem) và hơn 16.000 status trên Facebook với tổng số gần 900.000 lượt “like” và bình luận.

Những điều bịa đặt nở rộ và lây lan khi nó được lặp đi lặp lại và khuyếch đại

Kinh khủng nhất là những cáo buộc vô cớ khi cho rằng nhà đồng sáng lập hãng phần mềm Microsoft biết trước về đại dịch, thậm chí chủ mưu làm bùng phát đại dịch để tranh thủ kiếm lợi hoặc để triển khai các hệ thống giám sát và kiểm soát người dân.

Dịch bệnh Covid-19 được cho là mảnh đất màu mỡ để tin giả bùng phát với quy mô chưa từng thấy trên thế giới. Từ những người vô tình hay cố ý tung tin về việc phát hiện ca nhiễm bệnh ở chỗ này chỗ kia, từ những status vô cùng ngớ ngẩn nhưng vẫn thu hút khá đông lượt chia sẻ, khiến xã hội hoang mang. UNESCO từ vài năm trước đã đưa ra những lời cảnh báo rằng cách thức trao đổi thông tin sẽ có tác động về cả chính trị, kinh tế, công nghệ và xã hội, đề cập đến tình trạng “nhiễm độc” do những đợt sóng thông tin sai trái gây ra, đe dọa sự ổn định của xã hội và thậm chí mạng sống con người.

Theo Guy Berger - Giám đốc Chính sách và chiến lược thông tin truyền thông (UNESCO), thời điểm xảy ra những nỗi sợ hãi, những điều bất an và những vấn đề chưa lý giải được chính là cơ hội để những điều bịa đặt nở rộ và lây lan khi nó được lặp đi lặp lại và khuyếch đại.

Thông tin giả trong đại dịch Coivid-19 không chỉ gây xáo trộn xã hội, làm không ít người hoang mang. Một sự thật trần trụi cho thấy hơn 300 người Iran đã tử vong, hơn 1.000 người phải nhập viện do ngộ độc rượu sau khi có thông tin trên mạng rằng uống rượu là phương pháp giúp phòng ngừa Covid-19. Tại Ấn Độ, hàng trăm “bài thuốc” thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe đã được đưa lên mạng, từ dùng cây đinh hương tới uống nước tiểu và phân bò. Còn ở Pháp, Bộ Y tế nước này đã phải đăng tuyên bố bác bỏ thông tin trên mạng rằng “cocaine có thể chữa Covid-19”.

Một phụ nữ bán hàng ở Bangkok - Thái Lan bị bắt vì phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội về đợt bùng phát Covid-19 năm 2020. Nguồn: Bangkok pos.

Thông tin sai lệch như “thêm dầu vào lửa”

Câu hỏi được đặt ra: Ai phải chịu trách nhiệm về sự lan tràn của tin giả? Người ta cho rằng, trong đó có phần trách nhiệm rất lớn của các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube hay Twitter, Whatsapp. Vì đây chính là công cụ phát tán tin giả vô cùng nhanh chóng và xuyên qua biên giới của tất cả các quốc gia. Mặc dù “các ông lớn” công nghệ sở hữu các mạng xã hội cũng đã có những hành động cảnh báo cho người dùng, nhưng những cố gắng này cũng không làm cho lượng thông tin sai lệch thuyên giảm.

Chính ông Joe Biden -Tổng thống Mỹ, hôm 16/7 đã chỉ trích các mạng xã hội “mang tính sát nhân” khi không thể kiểm soát những thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19 và việc tiêm chủng - theo CNBC.

Tại châu Á, Singapore là một trong những quốc gia tiên phong kiểm soát việc lan truyền thông tin giả về Covid-19 bằng Đạo luật Chống thông tin sai trái và thao túng trên mạng, với án tù giam lên tới 10 năm. Chính phủ Thái Lan đã thành lập Trung tâm Chống tin giả và đề ra mức phạt tiền lên đến hơn 3.200 USD và/hoặc phạt tù lên đến 5 năm.

Còn theo Luật Hình sự của Trung Quốc, hành vi bịa đặt thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh và lan truyền thông tin đó qua các phương tiện truyền thông, gây mất trật tự xã hội sẽ bị kết án tù 3 đến 7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại Nga, ngay từ đầu tháng 4/2020, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành các sửa đổi Đạo luật Vi phạm hành chính, theo đó sẽ phạt tiền tối đa 10 triệu rubble (tương đương khoảng 126.000 USD) các pháp nhân phát tán qua các phương tiện truyền thông hay Internet thông tin giả đe dọa tới tính mạng, kể cả dịch bệnh.

Có thể thấy, trong đại dịch Covid-19, không một quốc gia nào trên thế giới không áp dụng những hình phạt tăng nặng với các đối tượng tung tin giả, thất thiệt. Tuy nhiên, như người ta vẫn nói rằng “tin giả đã được công nghệ chắp cánh”. Chính vì thế, cuộc chiến chống tin giả trên môi trường mạng xã hội là hết sức khó khăn.

Thông tin sai lệch trên mạng xã hội như “thêm dầu vào lửa”, gây khó khăn hơn cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, đe dọa đến tính mạng nếu làm theo những chỉ dẫn phản khoa học. Mới đây, truyền thông Singapore đã lên tiếng bác bỏ thông tin về cách điều trị mới nhân danh Bộ Y tế nước này. Trước đó, mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế Singapore cung cấp thông tin về một nghiên cứu cho rằng Covid-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Chưa kể, còn có cả những lời khuyên hoàn toàn không có cơ sở khoa học như ở Ấn Độ: “1,3 tỉ người cùng lúc vỗ tay, thổi vỏ ốc xà cừ sẽ tạo ra rất nhiều xung động khiến virus mất hết sức mạnh”. Nhưng cái tin ngớ ngẩn này vẫn lan truyền nhanh chóng, đến nỗi Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ phải lên tiếng bác bỏ: “Không! Xung động giải phóng ra từ việc vỗ tay cùng lúc không tiêu diệt được virus!”.

Trước những làn sóng fake news đầy nguy hại, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã không ít lần cảnh báo: “Những thông tin giả mạo giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát có nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý kịp thời”.

Làn sóng tin giả đôi khi còn làm lu mờ những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19. Nhà khoa học thần kinh Sumaiya Shaikh (Ấn Độ) cho biết: “Nhiều người tin vào thông tin giả. Thậm chí, có nhiều người ra ngoài nhảy múa để virus bị tiêu diệt. Họ không hiểu về khái niệm giãn cách xã hội, vốn hiện là biện pháp cực kỳ quan trọng để ngăn chặn virus lây lan”.

Vì thế, đại diện của WHO cho rằng, song song với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chính là cuộc chiến chống tin giả đến từ những kẻ vô lương tâm. Nếu virus SAR-CoV-2 vô thanh vô ảnh thì những kẻ tung tin giả chính là kẻ thù tiềm tàng nấp trong bóng tối.

Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo kế hoạch dỡ bỏ toàn bộ hạn chế chống Covid-19 vào ngày 19/7 mới đây tại Anh là mối đe dọa lớn khi mà nguy cơ xuất hiện các biến thể kháng vaccine hiện hữu. Trong một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp hôm 16/7, các nhà khoa học và bác sĩ cảnh báo, với vị thế là trung tâm giao thông toàn cầu, bất kỳ biến thể mới nào xuất hiện ở Anh cũng có thể nhanh chóng lan ra toàn thế giới.

Tuy nhiên, London cũng có lý của mình khi quyết định dỡ bỏ toàn bộ hạn chế đó là đã tạo được miễn dịch cộng đồng khi tỷ lệ người tiêm đầy đủ liều vaccine rất cao. Số người mắc mới chủ yếu nằm trong nhóm đối tượng chưa tiêm vaccine. Vì thế cần phải lập lại trạng thái bình thường khi mà chưa thể tiêu diệt được Covid-19 nhưng đã kiểm soát được nó. Những nỗ lực không mệt mỏi gần 2 năm ròng chống dịch cũng như những thành tựu mới của y học sẽ còn được tiếp tục trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến chống ‘virus’ tin giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO