Gian nan hành trình 'hồi hương' cổ vật

Minh Quân 23/11/2022 07:43

Trong những năm qua nhờ nỗ lực của các tổ chức, cá nhân nhiều cổ vật của Việt Nam “lưu lạc” tại nước ngoài đã được “hồi hương”. Tuy nhiên, đằng sau những thành công đó, vẫn còn nhiều việc cần phải làm...

Những cổ vật đã được “hồi hương” về nước.

Không dễ “hồi hương”

Mới đây, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã trao trả cho Việt Nam 10 hiện vật gồm 1 rìu đá Hậu kỳ đá mới, 4 hiện vật (3 rìu đồng, 1 nồi gốm) văn hóa Đông Sơn, 3 tượng cá sấu đá thế kỷ 1 - 2 sau Công nguyên, 2 tẩu đồng thế kỷ 17 – 18. Trước đó, vào năm 2014 chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp với giá 45.000 Euro, các di sản được đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ, Đại Nội Huế. Vào tháng 10/2021, hai cổ vật mũ quan và áo Nhật Bình cung tần nhà Nguyễn được Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công tại Tây Ban Nha và đã được hiến tặng để tỉnh Thừa Thiên Huế gìn giữ và trưng bày phục vụ người dân và du khách.

Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn được hồi hương vào năm 2021.

Có thể nói, trong những năm qua việc “hồi hương” cổ vật đã nhận được sự quan tâm của các cơ quản lý và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tế số lượng cổ vật được “hồi hương” đến nay vẫn còn khá khiêm tốn do chặng đường hồi hương còn đối diện nhiều rào cản. Đơn cử như việc đấu giá để đưa chiếc xe kéo tay của Vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh về Việt Nam. Theo cơ quan chức năng, để đưa được cổ vật này về nước phải trải qua một hành trình đầy gian nan, cần có sự tham gia đóng góp của nhiều đơn vị, tổ chức. Cụ thể UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp 42.800 Euro (tỉnh duyệt chi 33.000 Euro), còn lại 13.000 Euro do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vận động bà con kiều bào và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vận động các tổ chức, cá nhân trong nước. Đây được xem là bài học trong việc nhà nước giao quyền chủ động để một đơn vị, địa phương bằng khả năng của mình đưa cổ vật về nước.

Chiếc xe kéo tay của Vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh được “hồi hương” năm 2014.

Hay như câu chuyện tập đoàn Sunshine đấu giá và mang về 2 cổ vật tặng cho Trung tâm Di tích Cố đô Huế. Theo TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đó là một tín hiệu tốt khi có sự tham gia của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục nhập cảnh còn phiền hà dẫn đến doanh nghiệp cảm thấy e ngại... Do đó, theo ông Quân, cần phải cụ thể hóa bằng quy định pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước và địa phương, sự chung tay của toàn xã hội.

Ông Quân dẫn chứng, mấy chục năm trở lại đây, trên những sàn đấu giá quốc tế được thực hiện từ những công ty đấu giá tầm cỡ, có uy tín cổ vật Việt Nam và những tác phẩm thời Mỹ thuật Đông Dương có giá rất cao. Song, theo ông Quân, “hồi hương” theo cách này rất áp lực, khi người Việt phải đối đầu với những “siêu đại gia” ở những quốc gia phát triển. Chính nguyên nhân này mà không ít cổ vật Việt Nam, trong đó có báu vật Hoàng cung, của các quan lại vương triều bị bỏ lỡ thời cơ được “hồi hương”. Đơn cử như việc đấu giá thất bại bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi năm 2010 là một minh chứng.

“Hồi hương cổ vật bằng hình thức đấu giá vẫn là thông lệ quốc tế, là một trong những con đường ngắn nhất để di sản trở về với quê hương. Nhưng rõ ràng đây là cách rất gian nan. Làm cách nào có hiệu quả vẫn là vấn đề cần được trao đổi, từ những kinh nghiệm của các quốc gia đã ít nhiều thành công như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc” – ông Quân nói.

Các cổ vật được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trao trả.

Tạo “hành lang” thông thoáng

Thực tế cho thấy, dù các cơ quan chức năng đang hết sức nỗ lực song, việc “hồi hương” cổ vật vẫn đang thiếu cơ chế thông thoáng, đặc biệt là trong các quy định của Luật Di sản văn hóa. Nhìn nhận về vấn đề này, TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, đã đến lúc phải nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp để các địa phương, bảo tàng có cơ sở mua lại các hiện vật này đưa về nước. Cần xây dựng các văn bản, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đưa cổ vật về nước. Trên thực tế, thủ tục, quy định mà một bảo tàng công lập phải tuân thủ khi mua cổ vật phải trải qua rất nhiều khâu, công đoạn như: thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, đàm phán về mức giá… gây chậm trễ trong quá trình sưu tầm, đấu giá để đưa các cổ vật về nước… “Cùng với đó, cần ban hành các chính sách khen thưởng nhằm kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân trong việc đưa cổ vật về Việt Nam” - TS Phan Thanh Hải đề xuất.

Đồng quan điểm, TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cho rằng, vô số các cổ vật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc ở khắp thế giới, đã tới lúc cần có một sách lược tổng thể để “hồi hương” các cổ vật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên nhanh chóng thành lập tổ công tác gồm các nhà sử học, chuyên gia bảo tàng, nhà nghiên cứu cổ vật… tiến hành rà soát và lập danh sách di sản bị thất lạc, rồi cử chuyên gia đến các bảo tàng ở nước ngoài, nơi đang trưng bày, lưu giữ cổ vật Việt Nam để xác minh, lập hồ sơ cổ vật. “Đó là chứng cứ trình lên Chính phủ để từ đó liên hệ, kết nối với các nước, kêu gọi, vận động họ ban hành chính sách nhằm “hồi hương” cổ vật cho nước nhà” – ông Sơn nêu quan điểm.

GS.TS Trương Quốc Bình - Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:

Nỗ lực ngăn chặn “chảy máu” cổ vật

Tình trạng “chảy máu” cổ vật đã diễn ra từ rất lâu. Mặc dù nhà quản lý đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn song tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Vì thế chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, bảo vệ và ngăn chặn “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài. Trong Luật Di sản văn hóa đã có những quy định, tuy nhiên, thực tế các quy định pháp luật cụ thể vẫn chưa đi vào cuộc sống. Luật Di sản vẫn chưa được tôn trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, do đó đã khiến tình trạng buôn bán trái phép cổ vật vẫn diễn ra. Thời gian tới, chúng ta cần tăng cường các giải pháp, nâng cao chế tài để có thể chặn đứng tình trạng này cũng như vấn nạn ăn cắp cổ vật ở các di tích.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam:

Nghiêm trị hành vi đánh cắp di sản

Sự kiện Mỹ trao trả hiện vật cho Việt Nam vừa qua hết sức có ý nghĩa. Đây là bài học và là sự khích lệ cho người Việt Nam đang sinh sống ở trong và ngoài nước chủ động “hồi hương” các cổ vật. Tôi cũng đề nghị phải trưng bày các cổ vật đó để người dân được chiêm ngưỡng. Việc trưng bày phải được bảo vệ hết sức cẩn thận, tránh việc bị đánh cắp như đã từng xảy ra với một số cổ vật, di sản. Việc trưng bày bản thật chỉ nên giới hạn trong thời gian ngắn sau đó trưng bày bản sao để bảo vệ tốt nhất cho cổ vật. Bên cạnh đó, theo tôi để ngăn chặn tình trạng “chảy máu” cổ vật cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc giám sát, quản lý một cách chặt chẽ. Riêng với hành vi đánh cắp di sản, cần phải có chế tài phạt thật nặng. Các nước đã có những hình thức xử phạt rất nghiêm khắc để răn đe hành vi này. Phạm Sỹ (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan hành trình 'hồi hương' cổ vật