Gian nan vay vốn

Hạnh Nhân 25/12/2020 05:00

Để các doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động, nguồn vốn có vai trò rất quan trọng. Tuy vậy, thời điểm này, sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận các khoản vay.

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp lớn nhưng tiếp cận nguồn vay không dễ dàng. Ảnh: Ngọc Thắng.

Trường hợp Công ty Du thuyền Viet Princess (TP HCM), ông Trương Quang Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên thông tin: Công ty đã dùng vốn tự có để đóng 4 con tàu trị giá 200 tỷ đồng, sau 5 năm hoạt động, trị giá 4 con tàu hiện nay khoảng 180 tỷ đồng.

Bốn du thuyền trên sông Mekong này là nguồn thu nhập chính của doanh nghiệp, mang lại doanh thu hàng năm khoảng 150 tỷ đồng và lợi nhuận 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư vào bất động sản, sở hữu những căn hộ du lịch trị giá khoảng 7 tỷ đồng.

Có tài sản cũng khó thế chấp

Nhưng đáng buồn là toàn bộ số tài sản trên không đủ điều kiện thế chấp 10 tỷ đồng để Viet Princess vay vốn ngân hàng nhằm duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 đang kéo dài, khiến ngành du lịch đóng băng từ đầu năm đến nay.

Chia sẻ về việc đi “gõ cửa” các ngân hàng để thế chấp, ông Cường nói: Hàng năm, chúng tôi chuyển cho các ngân hàng thương mại hơn 100 tỷ đồng. Khi làm ăn, ngân hàng nào cũng muốn cho vay, đòi cho vay. Khi kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp (DN) cần tiếp cận vốn thì các ngân hàng từ chối với lý do ngành du lịch, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực du thuyền, rủi ro cao và không thể thế chấp tàu du lịch để vay vốn.

Hay ở lĩnh vực sản xuất, Nhà máy TL FOOD- HTX Tân Tiến Phát (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ) cần số vốn khá lớn để chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nguồn vốn tự có của HTX không thể đáp ứng, trong khi ngân hàng lại từ chối cho vay thêm.

Bà Nguyễn Thị Thạch - Giám đốc HTX cho biết: Tôi đã nhiều lần kiến nghị và mong muốn được ngân hàng cấp thêm hạn mức 5 tỷ đồng để làm vốn tái đầu tư nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư 01 về cơ cấu nợ, giãn nợ và giảm lãi cho các DN. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi dành riêng cho DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp cho biết vẫn rất khó để tiếp cận dòng vốn từ những gói vay này.

Các ngân hàng thương mại cũng có lý do riêng là phải “phòng thủ” nợ xấu trong tương lai, thậm chí có thể kéo dài hết năm sau. Đại diện NHNN đã nhiều lần lên tiếng về việc không thể hạ chuẩn cho vay, dù là lý do Covid-19.

Gỡ nút thắt

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc hỗ trợ cho DN là cần thiết, song phải chọn lựa đối tượng cụ thể để hỗ trợ sao cho đúng và trúng. Có như vậy mới thực sự hiệu quả. Tại Singapore, Ngân hàng Trung ương chỉ hỗ trợ việc vay vốn cho DN nhỏ và vừa (SME) chứ không có quy định tương tự cho các DN lớn, các tập đoàn.

Cũng giống như hầu hết các nước khác, tại Việt Nam, SME là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế. Trong khi đó, DN SME rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc kinh tế, lại hạn chế về tiềm lực tài chính và khả năng tiếp cận các nguồn vốn.

Do đó, cũng có ý kiến cho rằng, đối tượng cần hỗ trợ đầu tiên trong các “cơn bĩ cực kinh tế” phải là doanh nghiệp SME. Các DN lớn thì ngược lại, tuy vẫn có thể phải đối mặt với khó khăn trên thị trường nhưng thường không bị những hạn chế tương tự như của DN SME, nên sẽ có nhiều cơ hội “sống sót” hơn.

Để giải quyết nút thắt hiện nay, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc đề xuất thêm gói hỗ trợ mới trong giai đoạn này là rất cần thiết, vì dịch bệnh đang có nhiều yếu tố bất định, có thể kéo dài đến hết năm 2021. Do đó, cần tung thêm gói hỗ trợ với quy mô khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5% GDP, trong khi vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt gói hỗ trợ lần thứ nhất với tỷ lệ giải ngân còn lại khoảng 75%.

Gói hỗ trợ lần thứ hai cần xem xét bốn nội dung: Có nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tác động của chính sách đến DN và khả năng cân đối ngân sách nhà nước; hỗ trợ lực lượng lao động không chính thức bị mất việc làm, giảm thu nhập; chính sách riêng hỗ trợ DN vừa và nhỏ; tiếp tục hỗ trợ lãi suất.

Riêng về chính sách lãi suất, theo ông Lực, cần nghiên cứu kỹ mức hỗ trợ cho từng ngành nghề theo mức độ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh thay vì áp dụng một mức chung, như đề xuất của VNA về mức hỗ trợ lãi suất cho vay 4% so với mức cho vay trên thị trường là 8% - 9%/năm.

Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng với quy mô 3-3,5% tổng dư nợ cho vay hiện nay, tức khoảng 300.000 tỷ đồng để cho các DN đang khó khăn vì dịch bệnh tiếp cận.

Đây là khoản vay tín chấp, tức DN không cần phải có tài sản đảm bảo, với lãi suất 3-5%/năm, năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng 5 năm. Tuy nhiên, điều kiện vay phải là những DN còn có khả năng “sống sót” chứ không phải toàn bộ. Nghĩa là DN phải có vốn chủ sở hữu còn thực dương. DN có thể vay tối đa số tiền không vượt quá 3 lần giá trị thực dương của vốn điều lệ, hay vốn chủ sở hữu hoặc tùy điều kiện khác do “tổ hợp tín dụng” quy định.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước sẽ là đầu mối thiết lập tổ hợp nhưng phải có một ngân hàng thương mại đứng ra quản lý tổ hợp.

Tổ hợp cũng phải có một hội đồng tín dụng duyệt xét hồ sơ vay của các DN.

Khi hội đồng tín dụng thuận duyệt một tín dụng thì các ngân hàng sẽ cam kết giải ngân theo tỷ lệ tham gia vào tổ hợp tín dụng.

Đây sẽ là chính sách phù hợp để hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn còn dư địa về thanh khoản song Chính phủ không còn dư địa chính sách tiền tệ và tài khoá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan vay vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO