Gian nan xây dựng thương hiệu Việt

Thanh Giang 25/04/2017 10:00

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam không ngừng phát triển và lớn mạnh về số lượng. Tuy nhiên, một nghịch lý đáng buồn là lượng DN rất đông nhưng chất còn hạn chế. Kết quả, sản phẩm xây dựng được thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều sản phẩm Việt chưa chủ động xây dựng thương hiệu trước thách thức cạnh tranh thời hội nhập. Ảnh: S. Xanh.

Bất kỳ DN nào cũng hiểu rõ, thương hiệu là cam kết tuyệt đối về chất lượng, là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn sản phẩm của DN trong vô số hàng hóa cùng loại khác. Đặc biệt, thương hiệu sẽ gia tăng tính cạnh tranh trên thương trường đầy khốc liệt. Song, đến thời điểm này DN vẫn chưa thể xây dựng thương hiệu theo mong muốn, thậm chí là không biết xây dựng thương hiệu.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, sức tiêu thụ của thị trường hàng hóa giảm sút, nhiều DN nhỏ và vừa phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng do sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết tới, chưa có vốn đầu tư sản xuất, quảng bá thương hiệu, chưa mở rộng được kênh phân phối… Đặc biệt, DN gặp khó khăn nhiều về bài toán xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Nói về xây dựng thương hiệu ông Nguyễn Xuân Tồn - chủ cơ sở Cà phê Long Triều(Lâm Đồng) chia sẻ, trước đây khởi nghiệp với ngành sản xuất kinh doanh cà phê, nhưng trong thời gian dài người mua chỉ “tin tưởng” người bán chứ không nhận diện được sản phẩm. Qua đó, nhận thức được vấn đề xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, tuy nhiên để làm được thương hiệu DN phải chịu áp lực về giá cả, tiếp thị truyền thông, vốn...

Tương tự, ông Đỗ Mạnh Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Thái băn khoăn, mặc dù sống trong vùng sản xuất trà nổi tiếng của cả nước nhưng không biết xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn bao bì cho sản phẩm của mình ra sao. Để tồn tại, DN phải tự làm phong phú sản phẩm.

Nhìn vào khả năng phát triển của cộng đồng DN Việt, ông Stefano Mangini - chuyên gia Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư Châu Âu (EU – MUTRAP) cho rằng, từ trước đến giờ Việt Nam không biết làm thương hiệu mặc dù điều kiện phát triển khá thuận lợi. Đây là điểm yếu cố hữu đeo bám cộng đồng DN Việt.

Theo chuyên gia dự án EU – MUTRAP, điển hình như Marou - sản phẩm sôcôla nổi tiếng do công ty Marou Faiseurs de Chocolat (chuyên về sôcôla) gây dựng lên từ nguyên liệu ca cao Việt Nam. Chỉ sau vài năm thâm nhập thị trường sôcôla Marou “làm mưa, làm gió” trên thị trường thế giới. Bằng chứng về chất lượng thương hiệu sản phẩm được ghi nhận bởi Viện Hàn lâm Socola tại Anh.

Cùng với sôcôla, quế và tiêu Việt cũng “đình đám” ở các nước khi Công ty Pacific Basin Partnership (PBP) chủ động thu mua hương liệu Việt để “trình làng” người tiêu dùng nước ngoài. Cuối cùng PBP trở thành nhà cung cấp hương liệu quế, tiêu Việt Nam hàng đầu thế giới…

Thời gian qua cộng đồng DN không ngừng lớn mạnh về số lượng, dự định đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1 triệu DN. Con số trên được nhiều người kỳ vọng, tuy nhiên không ít người quan ngại về chất lượng DN và khả năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để đứng vững trên thị trường. Bởi vì, đến thời điểm hiện nay thương hiệu Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bàn về xây dựng thương hiệu Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu DN phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Chỉ khi nào người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận sản phẩm chất lượng của DN lúc đó DN mới thành công trong việc xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng thương hiệu. Đây là một hình thức nhỏ nhưng ý nghĩa lớn nhằm tạo động lực cho cộng đồng DN phát triển theo hướng bên vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan xây dựng thương hiệu Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO