Giáo dục cần nhân văn

Thu Hương 02/10/2017 09:30

Bên cạnh sức nóng của câu chuyện lạm thu đầu năm, ngành giáo dục những ngày gần đây đang diễn ra cuộc tranh luận xung quanh bảng nội quy với hàng loạt các điều cấm của một trường THPT tư thục ở Hà Nội.

Các quy định được đưa ra đều phải hướng tới giúp học sinh hoàn thiện hơn.

Xuất phát từ việc một phụ huynh có con từng học trường này có thư ngỏ trên facebook về cách giáo dục “hà khắc, không có tình người” của cô giáo chủ nhiệm khiến không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng cảm thấy bất an khi mỗi ngày đến trường của con không phải là một niềm vui.

Quy định “cứng” hay mềm?

Nhiều người cho rằng bảng nội quy của ngôi trường tư thục “vạn người mê” này thực chất là một rừng quy định cấm với rất nhiều quy định bắt buộc và chi tiết. Chẳng hạn như nam sinh không để tóc dài, nữ sinh không nhuộm tóc hay để kiểu thời trang. Khi ra vào trường, học sinh phải quẹt thẻ đúng quy định, nếu không thực hiện quá ba lần một học kỳ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm. Vào lớp muộn quá 5 phút (bất kỳ tiết học nào), học sinh không được học và phải lao động công ích suốt thời gian còn lại của tiết đó.

Ngay cả việc học sinh tham gia mạng xã hội, cụ thể là facebook cũng có “những điều cấm kỵ”. Học sinh không được văng bậy, kể cả bằng những từ viết tắt, phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt. Các em không được dùng facebook để nói xấu bất cứ ai, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc “status” (dòng trạng thái). Ngay cả việc ấn nút “like” (thích) cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi các em sẽ bị quy trách nhiệm với nội dung xấu hoặc không lành mạnh.

Điều đáng nói là bảng nội quy này được đưa ra đã từ nhiều năm nay, nghĩa là những gia đình có nguyện vọng cho con theo học ngôi trường này ít nhiều cũng biết đến “kỷ luật thép” này sẽ được áp dụng với con em mình chứ không phải chỉ khi xảy ra chuyện mới bất ngờ. Thậm chí, khi làn sóng tranh cãi đây là kỷ luật hà khắc hay nghiêm khắc còn chưa có dấu hiệu dừng lại thì ngôi trường này lại một lần nữa “nhấn mạnh” lại những quy định này khi cho đăng tải trên website của trường nội quy năm học 2017-2018.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, nội quy trường đưa ra không hề hà khắc mà là nghiêm minh để rèn học sinh nhưng cũng rất bao dung. Chẳng hạn với quy định, học sinh đi học không quẹt thẻ quá 3 buổi/ kỳ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của kỳ đó nghe có vẻ rất rắn nhưng trên thực tế 3-4 năm nay không có một học sinh nào bị hạ hạnh kiểm vì lý do này. Ông giải thích rằng học sinh không quẹt thẻ nghĩa là em trốn học, bỏ học và giáo viên có trách nhiệm phải báo cho phụ huynh được biết, còn học sinh không quẹt thẻ vì quên thẻ thì phải báo cáo lý do và không bị xử lý gì cả.

Ông cũng nhấn mạnh nhiều gia đình hiện nay quá chiều con, không cho con động tay động chân vào bất cứ việc gì nên khi biết con phải viết bản kiểm điểm, phải nhổ cỏ, quét sân là xót xa. Còn nhà trường có quan điểm, học trò mắc lỗi phải lao động công ích là để trẻ biết giá trị của lao động và ghi nhớ để không mắc lỗi lần sau.

Kỷ luật song hành khen thưởng

Trong bức tâm thư của người mẹ có con từng học ngôi trường này chia sẻ, thực ra điều khiến chị và gia đình bức xúc nhất có lẽ là cách giáo dục trực tiếp của cô giáo chủ nhiệm lớp con chị theo học chứ không hẳn là những quy định cứng nhắc của nhà trường.

Bản thân một bảng nội quy với rất nhiều gạch đầu dòng chi tiết như nhà trường ban hành và như giải thích của người đứng đầu nhà trường mang tính răn đe là chính chứ không phải với mục đích soi mói học sinh, với những cách áp dụng khác nhau hẳn sẽ đem lại cảm giác, hiệu quả khác nhau. Thậm chí, với từng học sinh phải có một cách tiếp cận khác nhau, nhất là với những học sinh đang trong độ tuổi tâm lý chưa ổn định.

Trong câu chuyện này, theo TS Vũ Thu Hương- giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người giáo viên đã thiếu sự chia sẻ với học sinh, nên việc giáo dục biến thành cuộc chiến dữ dội, mà thiệt hại lớn nhất là đứa trẻ. Việc sử dụng hình phạt không khéo không chỉ vô tác dụng mà còn lợi bất cập hại, đặc biệt nếu chỉ phạt mà không có lời chia sẻ tâm sự thì sẽ chỉ khiến học sinh sợ hãi, không phục thậm chí là kháng cự ngầm hoặc trực tiếp.

Vẫn theo TS Hương, có phạt thì phải có thưởng, phân mình và công bằng chứ không thể chỉ phạt, phạt và phạt. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải có sự hiểu biết, thấu hiểu về giới trẻ. Vẫn biết những yêu cầu này là cần thiết nhưng cũng cần sự thông cảm với người giáo viên bởi công việc chuyên môn nhiều, cuộc sống cũng nhiều áp lực… nên cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là vì thế.

Đây cũng là câu chuyện vừa xảy ra ở Trường Tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) khi một giáo viên phải nhập viện cấp cứu vì bị một nhóm đối tượng xông vào phòng học, lăng mạ, hành hung do trước đó đã dùng hình phạt đánh vào tay học sinh tái vi phạm nội quy trường học.

Cách giáo dục xâm phạm tới thân thể học sinh hiện nay không còn phù hợp nhưng cách hành xử thiếu chia sẻ của phụ huynh lại càng không thể chấp nhận được. Hành vi này không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, thân thể nhà giáo, mà còn làm môi trường học đường bị ảnh hưởng, tinh thần các nhà giáo bất an.

Xử phạt là cần thiết nhưng không được áp đặt. Càng cần hơn xử phạt nghiêm khắc là những thấu hiểu, chia sẻ của nhà giáo đối với những lỗi lầm của con trẻ bởi có ai nắm tay được cả ngày từ tối tới sáng? Con trẻ lại càng dễ mắc lỗi nên mới cần đến sự giáo dục của nhà trường, của thầy cô.

Phần nào chia sẻ quan điểm này, người đứng đầu ngôi trường bị tố “hà khắc với học sinh” cho rằng trường có thể thay đổi một vài điều về nội quy nhưng vẫn đảm bảo kỷ luật. Thêm vào đó, nhà trường sẽ tăng cường công tác khen thưởng, động viên học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục cần nhân văn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO