Giáo dục, răn đe và xử lý

Minh Thảo 27/08/2017 08:50

Mới đây, có xảy ra sự việc học sinh Trần Đức Q., SN 2003, học lớp 9C, Trường THCS Phú Lộc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) cầm điện thoại di động trong giờ ra chơi thì bị cô giáo chủ nhiệm lớp tịch thu và mời phụ huynh tới trường để làm việc. Trong khi giáo viên và phụ huynh đang làm việc thì em Q. nhảy từ tầng 3 của trường xuống đất dẫn đến bị gãy chân phải, cả hai chân đều bị vỡ xương gót chân phải nằm điều trị tại bện viện.

Theo gia đình em Q. , gia đình chưa trang bị điện thoại di động cho em Q., đấy là điện thoại của một bạn cùng lớp nhờ Q. cầm hộ trong giờ ra chơi. Khi bị cô giáo chủ nhiệm thu, em Q. cũng đã giải thích cho cô nhưng vẫn bị thu và gọi điện mời gia đình lên làm việc. Có thể do hoảng loạn và sợ bị bố mẹ la mắng, Q. đã nhảy từ tầng 3 của trường xuống đất. Hành động của em đã gây đau đớn cho chính bản thân và cả nỗi ân hận cho giáo viên và cha mẹ.

Trước sự việc trên, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra tranh luận. Có ý kiến chỉ trích giáo viên quá nghiêm khắc khiến học sinh lo sợ dẫn đến hoảng loạn mà hành động thiếu suy nghĩ. Cụ thể trong sự việc này, rất có thể em Q. sợ bố mẹ đánh mắng và người bạn trách móc, quy kết nên khi không xin được cô giáo, em đã nhảy lầu. Em Q rất có thể không hình dung hết sự nguy hiểm nhưng nó thể hiện sự căng thẳng thần kinh, ức chế đến tuyệt vọng khi người lớn không chịu nghe mình nói và không hiểu mình.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, giáo viên đã thực hiện đúng nội quy của nhà trường và sự việc xảy ra chỉ là điều đáng tiếc. Như chuyên gia tâm lý, giáo dục Vũ Thu Hương ( ĐH Sư phạm Hà Nội) thì đây không phải là sự bất mãn đến mức tuyệt vọng mà chỉ là gây sự để dọa cô.

Thực ra bà Hương rất có lý khi cho rằng cô giáo viên không làm sai (nội quy nhà trường nghiêm cấm mang theo điện thoại, tịch thu là đúng dù đó là điện thoại của ai) và Bộ GD&ĐT, sở ban ngành quản lý cần có tiếng nói bênh vực giáo viên, đồng thời cùng giáo viên đưa ra những biện pháp giáo dục hợp lí. Bên cạnh đó, đối với học sinh trên, sau điều trị chấn thương, em này cần được giáo dục nghiêm khắc và cẩn trọng hơn.

Những biện pháp giáo dục từ thuyết phục đến xử phạt cần được áp dụng mà bà Hương gợi ý với học sinh này có lẽ được hầu hết giáo viên và phụ huynh tán đồng. Nhưng cũng phải nhìn rộng hơn, ở góc độc học sinh, nhất là khi các em đang ở ngưỡng thay đổi mạnh về tâm sinh lý, thì những suy nghĩ và hành động của các em sẽ rất khó lường. Thậm chí các em có thể thiếu suy nghĩ mà có những hành động nghiêm trọng hơn cả việc nhảy lầu gây hậu quả nghiêm trọng thì chúng ta, không thể lý luận là đã làm đúng quy định để chối bỏ trách nhiệm.

Nhiều chuyên gia tâm lý đã khuyên: Đừng đẩy ai đến bờ vực. Vì thế, đôi khi cũng nên đặt mình vào vị trí của học sinh để có thể có phương pháp kết hợp hài hòa giữa giáo dục, răn đe và xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục, răn đe và xử lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO