Giáo dục trước ngưỡng cửa đổi mới

Vi Cầm 02/01/2023 07:00

Học sinh được miễn học phí; giáo viên được đề xuất tăng lương; những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người học từ bậc phổ thông tới đại học… đang được coi là những đổi thay về “chất” trong năm 2022 nói riêng và trong chiến lược phát triển giáo dục nói chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS từ năm học 2022 - 2023.

Nhiều địa phương miễn học phí cho học sinh

Tính đến hết học kỳ I của năm học 2022-2023, bên cạnh 8 tỉnh, thành trên cả nước đã thực hiện miễn/giảm học phí cho học sinh đầu năm học, có thêm 5 địa phương thông báo miễn hoặc giảm học phí cho học sinh phổ thông. Trước đó, nhiều địa phương quyết định miễn học phí một phần hoặc toàn phần cho học sinh các cấp.

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hải Phòng cho biết, từ cách đây 4 năm, HĐND thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 54 về miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp. Việc miễn học phí cho bậc mầm non và THCS bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 và học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021 - 2022. Như vậy, tính đến năm học này, 100% học sinh các cấp ở Hải Phòng được miễn học phí (trừ bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục). Mỗi năm, thành phố trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục.

Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương trước thềm năm học mới 2022 - 2023, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 - 2023. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 với toàn bộ các cấp học khác, cụ thể là lùi lộ trình tăng học phí các cấp học để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện.

Theo ước tính của Bộ GDĐT, với 5,5 triệu học sinh THCS và học phí bình quân 2 triệu đồng mỗi năm học, ngân sách sẽ cấp bù gần 11.200 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất, ngân sách nhà nước phải tăng thêm gần 25.200 tỷ đồng trong 3 năm (2022-2024). Trước đề xuất này, Thủ tướng đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan đến ngân sách, theo tinh thần cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn cho người dân và học sinh.

Đề xuất tăng lương, phụ cấp được nhiều giáo viên mong chờ.

Cấp bách tăng lương giáo viên

Liên quan đến việc tăng lương, phụ cấp cho giáo viên yên tâm công tác, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo.

Bộ trưởng Sơn phân tích, hiện nay mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5-4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong 2-3 năm đầu. Đối với giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn thì được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) sau 5 năm công tác lương có thể đạt 6 triệu đồng/1 tháng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó chưa tương xứng công sức.

Bộ GDĐT cũng minh chứng bằng những con số: Chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Con số này chiếm khoảng 1% lực lượng nhà giáo nói chung (gồm cả công và tư). Nhìn chiều cạnh khác, như vậy 99% nhà giáo trên khắp đất nước vẫn đang bám trường, bám lớp cùng học sinh. Đại bộ phận giáo viên vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, đổi mới, tự đổi mới, đương đầu với thách thức và yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học và kiểm tra đánh giá… Đây là điều cần ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cho thấy cần quan tâm hơn tới nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học, quan tâm hài hòa cả tới đội ngũ giáo viên cả hệ thống công và tư. Trong đó có đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.

Từ thực trạng nêu trên, Bộ GDĐT đã đề xuất điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%, nếu tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thời gian tới, Bộ sẽ bổ sung chính sách cho giáo viên mầm non, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao năng lực nghề nghiệp và giảm giờ làm việc, hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Loại bỏ các phương thức xét tuyển gây nhiễu

Trước quan tâm của người học về công tác tuyển sinh đại học, Bộ GDĐT cho hay mùa tuyển sinh năm 2023 sẽ hướng dẫn các trường rà soát, loại bỏ những phương thức không phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Kỳ thi xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 có 5 phương thức xét tuyển số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác. Cùng với đó, cũng có 5 phương thức xét tuyển với số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét tuyển qua phỏng vấn, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, thi văn hóa ở các trường.

Ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, Bộ thấy cần phải xem xét vì có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, để đảm bảo hiệu quả công bằng giữa các thí sinh trong quá trình tuyển sinh.

Ông Sơn nhấn mạnh, các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh trong năm 2023. Cố gắng làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh, để đến năm 2023 trên phần mềm thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức nữa, chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo. Cùng với đó là việc tăng cường một số giải phóng về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và hỗ trợ tốt hơn cho các thi sinh trong quá trình xét tuyển.

Điều chỉnh dạy - học môn Lịch sử

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, trước thềm năm học mới 2022 - 2023 Bộ GDĐT đã chính thức ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT (gọi tắt là Chương trình GDPT 2018). Trong đó đặc biệt nhấn mạnh về môn Lịch sử. Theo Bộ GDĐT, kể từ năm học 2022- 2023, môn Lịch sử sẽ tăng thời lượng lên 52 tiết/năm học (được điều chỉnh từ 70 tiết trước đó) và trở thành môn học bắt buộc trong chương trình THPT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục trước ngưỡng cửa đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO