Chậm tự chủ sẽ tụt hậu

Minh Quang 12/09/2019 07:00

Tọa đàm “Tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - thuận lợi và những khó khăn” vừa được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bộ Lao động-Thương binh và Xã  hội tổ chức tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị, tâm huyết, đồng thời cũng đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường, góp phần đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong các cơ sở GDNN trong thời gian tới; giúp cho Tổng cục GDNN cùng với các cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện thành công chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Dẫu thế từ thực tế đào tạo thời gian qua, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cùng có chung quan điểm rằng, tự chủ GDNN không chỉ là việc của trường nghề. Hợp tác doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chính là điểm mấu chốt của tự chủ.

GS.TS Gebhard Hafer - Hiệu trưởng Trường BBW University of Applied Science (Đức) chia sẻ: Ở Đức hiện có hơn 60% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi vào học nghề. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các cơ sở GDNN phải thường xuyên cập nhật những yêu cầu về năng lực mà doanh nghiệp đòi hỏi. Có 4 trụ cột quyết định sự thành công của GDNN mà vai trò dẫn đầu là chính phủ. Tại Đức, chính phủ đóng vai trò cấp ngân sách cho các cơ sở GDNN. Thứ đến là các công ty, doanh nghiệp, hiệp hội đóng góp 30% nguồn lực cho GDNN. Ông cũng cho hay, tại Đức, GDNN được coi là xương sống của nền kinh tế và được ưu tiên hàng đầu. Chính phủ Đức luôn chú trọng các hoạt động đẩy mạnh GDNN như: Ngày mở trường, ngày dành cho học sinh…; Thường xuyên tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, cung cấp thông tin cụ thể về nghề nghiệp như: Mức lương dự kiến của từng nghề, tổ chức tư vấn hướng nghiệp, lộ trình phát triển nghề nghiệp cho học sinh. Theo định hướng đó, các doanh nghiệp mời học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp. Đồng thời cung cấp các cơ hội đào tạo cho các em ngay khi còn đang học phổ thông.

Kinh nghiệm GDNN ở nhiều nước cho thấy, các công ty thường đưa ra quyết định về những nghề mà họ cần và tuyển dụng nhân lực đạt được những yêu cầu kỹ năng cần thiết của công việc, từ đó tư vấn lộ trình phát triển cho người học. Vì vậy, theo GS.TS Gebhard Hafer để thúc đẩy tự chủ GDNN tại Việt Nam, cần có một cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp và nhà trường phối hợp với nhau một cách linh hoạt trong các quy trình về xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra…Từ chính phủ, doanh nghiệp, đến nhà trường đều chủ động tham gia vào các khâu, nhằm đảm bảo có được nguồn nhân lực chất lượng tốt nhất.

Trong quá trình góp ý về quá trình tự chủ, lãnh đạo một số cơ sở GDNN cho rằng: Bất cập lớn trong tự chủ hiện nay là đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và vẫn phải có đầu tư và định hướng của Nhà nước. Bởi việc đào tạo vẫn phải đảm bảo nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội.

Vấn đề đặt ra lúc này là chúng ta có mạng lưới cơ sở GDNN bao phủ cả nước, nhưng còn thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, doanh nghiệp còn gặp khó trong tuyển dụng... Do đó, rất cần các nghiên cứu, tính toán để sớm đưa ra các giải pháp phù hợp, tiến tới hiện thực hóa tự chủ trong hệ thống GDNN như mong mỏi của nhiều lãnh đạo trường nghề, đồng thời để tránh để hoạt động GDNN Việt Nam tụt hậu so với xu thế chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm tự chủ sẽ tụt hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO