Dạy và học trong mùa dịch

Thu Hương 03/04/2020 10:00

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT, việc công nhận kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình… trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19 không phải vì thành tích mà vì quyền lợi của học sinh, vì chất lượng học tập.

Nếu nơi nào chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn… để học qua hình thức này, hoặc một số học sinh chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu này thì khi quay trở lại trường, nhà trường phải tổ chức cho các con ôn tập, rà soát lại để giúp các em thể theo kịp bài học. Làm sao để các em không bị bỏ rơi trong quá trình học sau này.

Dạy và học trong mùa dịch

Học trực tuyến thời dịch Covid-19.

Phải đảm bảo đủ điều kiện

Trong công văn hướng dẫn về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, Bộ GDĐT yêu cầu Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường nếu có điều kiện sử dụng phương thức dạy học qua internet. Trong đó, phải sử dụng các công cụ đảm bảo chất lượng dạy và học. Cụ thể, bài học thầy cô phải chuẩn bị. Hai là việc tổ chức dạy học thì giáo viên có tài khoản, học sinh có tài khoản để có thể tiếp nhận nhiệm vụ học tập và tổ chức hoạt động học. Thầy cô cũng theo dõi được quá trình học tập của học sinh xem có đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận, vận dụng kiến thức, mà chúng ta gọi là trả bài. Trong trường hợp đó, Bộ đã có hướng dẫn là chúng ta đáp ứng được yêu cầu đó rồi thì sẽ công nhận kết quả học tập của học sinh đối với bài học qua internet đó.

Khi đi học trở lại, nhà trường phải kế thừa nội dung này để đảm bảo thời gian còn lại của năm học, xây dựng được kế hoạch học tập để đáp ứng yêu cầu thời lượng của năm học. Đối với những địa phương mà nhà trường chưa thực hiện tốt được việc dạy học thì Bộ cũng có hướng dẫn các địa phương này học trên truyền hình. Việc dạy trên truyền hình cũng phải đảm bảo chất lượng. Muốn đảm bảo chất lượng, Bộ GDĐT cũng có hướng dẫn về việc chọn thầy cô để thiết kế bài học đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thứ hai, phải chọn được khung giờ phát sóng phù hợp với lứa tuổi học sinh đảm bảo có sự phối hợp giữa thầy cô và cha mẹ học sinh trong việc tổ chức hoạt động học tập cho con.

So với việc tổ chức học online, việc dạy học trên truyền hình có hạn chế hơn đó là thầy cô nói trên truyền hình không nhìn thấy học trò, là truyền thụ kiến thức một chiều. Thứ hai, với đối tượng học sinh rộng lớn, không chuyên biệt trong một trường, hoặc một lớp hoặc thậm chí là một nhóm nhỏ như hình thức học online nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà trường . Theo đó, khung thời gian phát sóng phải phù hợp với từng độ tuổi, chẳng hạn với lứa tuổi tiểu học, ở các lớp nhỏ có thể chọn giờ phát sóng khi bố mẹ đi làm về… để các bậc phụ huynh có thể cùng học với con.

Đối với các thầy cô giáo phải bám sát nội dung dạy học này để sau đó giao bài cho học sinh.Học sinh xem bài học trên truyền hình, cô giáo giao bài tập, các em làm và gửi kết quả để thầy cô dạy trên lớp có thể kiểm tra đánh giá được.

“Khi đảm bảo được các điều kiện như vậy thì Bộ sẽ công nhận kết quả học tập của các con khi học online, học trực tuyến. Đến khi quay lại trường, các nhà trường kế thừa kết quả học tập này, không học lại để tiết kiệm thì giờ còn lại của năm học để hoàn thành chương trình”-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định.

Không vì thành tích

Liên quan đến việc rà soát, kiểm tra đánh giá sau khi học sinh đi học trở lại. Nhiều ý kiến cho rằng tại sao chúng ta không rà soát, đánh giá ngay khi các em học online, học qua truyền hình để nâng cao ý thức tự giác học tập của các em? Bởi trên thực tế, đã có những trường tổ chức thử nghiệm làm bài đánh giá giữa học kỳ 2 qua hình thức online và cho kết quả khả quan trong điều kiện dạy học có những khó khăn đặc thù hiện nay. Trong khi đó, việc dạy học qua truyền hình hay internet, bằng cách này hay cách khác các thầy cô giáo của các em cũng tìm cách để kiểm tra được quá trình học tập của học trò, qua đó nhằm hỗ trợ các em tiếp cận kiến thức tốt hơn. Việc học, dù với bất kỳ hình thức nào cũng phải đáp ứng được yêu cầu nên ngay cả khi học qua truyền hình cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ để làm thế nào trả bài cho các thầy cô kiểm soát chứ không phải chỉ dạy mà không có kiểm tra.

Tuy nhiên, trong văn bản hướng dẫn của Bộ lưu ý các trường không tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả việc học trên trực tuyến. Với cả hai hình thức học này, giáo viên phải giao nhiệm vụ cho học sinh và các em sẽ phải làm báo cáo, thu hoạch, bài tập... PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cũng khẳng định hiện nay trên thực tế hệ thống của chúng ta cũng chưa đủ để kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá qua hình thức online. Vì vậy, khi học sinh quay trở lại, trường phải tổ chức ôn tập và kiểm tra, đánh giá để công nhận kết quả để đảm bảo học sinh nắm được kiến thức. Trong quá trình ôn tập đó, nếu thấy học sinh hổng chỗ nào, giáo viên phải tổ chức ôn tập hoặc yêu cầu học sinh ôn tập.

Khẳng định Bộ GDĐT không thể đi khắp cả nước để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá việc học online, học qua truyền hình của thầy và trò, ông Thành cho rằng chúng ta có một hệ thống quản lý giáo dục từ Bộ, Sở GDĐT, các phòng giáo dục đối với cấp tiểu học, THCS… Việc công nhận kết quả học trực tuyến hay học trên truyền hình nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh, vì chất lượng học tập chứ không vì thành tích này. Khi đó các em học tập, kiểm soát được quá trình học đó thì mới công nhận kết quả chứ không công nhận tràn lan.

Tinh giản kiến thức theo hướng nào?

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GDĐT tỉnh Nghệ An, với một địa bàn đặc thù như Nghệ An rất rộng và còn nhiều vùng khó khăn, việc công nhận kết quả học tập qua hình thức trực tuyến nếu như không có những quy định chung thì mỗi trường sẽ có một chương trình triển khai khác nhau, nhìn chung sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em. Đây cũng là băn khoăn không chỉ riêng của Nghệ An mà nhiều địa phương trên cả nước, không phải nơi nào cũng có điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu học tập trực tuyến, thậm chí là học qua truyền hình. Đó là chưa kể không phải mọi học sinh đều có năng lực tự học trong khi các bậc phụ huynh không có thời gian, điều kiện kèm cặp các em. Chính vì vậy, việc công nhận kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình trên thực tế sẽ vẫn là một thách thức lớn với ngành giáo dục nước nhà trong điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về việc tinh giản chương trình sắp tới của Bộ GDĐT khi đi học trở lại liệu có căn cứ vào các phần, nội dung đã giảng dạy online, học qua truyền hình? Bởi như vậy có thể tạo ra độ vênh khi nơi này thực hiện được, nơi kia không làm được khiến học sinh bị thiệt thòi.

Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng về việc đồng bộ phân phối chương trình từ nhiều năm nay chúng ta đã không áp dụng rồi. Bộ đã dần dần giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch học tập. Việc tinh giản kiến thức, ngoài tận dụng lượng kiến thức dạy qua truyền hình, học online, Bộ cũng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là rà soát tinh giản nội dung dạy học để đảm bảo cho thời gian đi học lại đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo kết quả đầu ra của chương trình. Dự kiến trong tháng 3 Bộ sẽ hoàn thành công bố phương án giảm tải để áp dụng khi nhà trường mở cửa trở lại khi dịch bệnh được đẩy lùi. Trong đó, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung trong văn bản đó như thế nào, để đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc, không phải phụ thuộc vào từng trường như trước kia.

Chia sẻ thêm, ông Thành cho biết điều kiện ở mỗi nơi mỗi khác nhưng đối với việc dạy trên truyền hình, chúng tôi mong muốn các địa phương đều nỗ lực để giúp các học sinh duy trì được việc học và thực hiện. Có những nơi truyền hình không tới được, thầy cô có những hình thức rất sáng tạo. Qua báo cáo của các Sở, khi không có điều kiện học qua truyền hình thì cô giáo giao bài bằng hình thức chuyển bản cứng, bố mẹ nhận bài để con làm, sau đó đem kết quả đến trường để các thầy các cô xem xét đánh giá cho các con.

Theo Vụ trưởng Vụ Trung học Phổ thông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GDĐT không thể đi khắp cả nước để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá việc học online, học qua truyền hình của thầy và trò. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng chúng ta có một hệ thống quản lý giáo dục từ Bộ, Sở GDĐT, các phòng giáo dục đối với cấp tiểu học, THCS… Việc công nhận kết quả học trực tuyến hay học trên truyền hình nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh, vì chất lượng học tập chứ không vì thành tích này. Khi đó các em học tập, kiểm soát được quá trình học đó thì mới công nhận kết quả chứ không công nhận tràn lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy và học trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO