Đổi mới phương pháp ôn thi

Hà Phương 24/05/2020 08:00

Vài năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT áp dụng kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, hình thức luyện thi tại trung tâm dường như không còn đất sống. Nhiều phương thức ôn thi mới hiệu quả hơn đã được các thí sinh áp dụng.

Đổi mới phương pháp ôn thi

Những trung tâm ôn thi như thế này không còn nhiều.

Ảm đạm trung tâm luyện thi

Trung tâm luyện thi ĐH Bách khoa Hà Nội từng phát triển mạnh với rất nhiều địa điểm và thí sinh chen chúc từ sáng đến đêm khuya. Nhưng đến nay, theo quan sát thực tế, khu vực này chỉ còn lác đác điểm dạy với rất ít lớp. Tại một trung tâm luyện thi còn tồn tại, người phụ trách trung tâm cho biết hiện nay trung tâm chỉ còn vài ba lớp, với khoảng 200 học sinh ôn luyện, bằng một phần rất nhỏ của ngày xưa.

Các trung tâm xung quanh Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn hay Đại học ngoại ngữ cũng tương tự. Hỏi chuyện các vị phụ trách những trung tâm còn sót lại, hầu hết đều chia sẻ trước đây, mỗi đợt cuối năm học, học sinh các tỉnh đổ về ôn thi cấp tốc không chứa xuể. Vài năm nay, học sinh đến ôn luyện chỉ còn lác đác. Trong đó, chủ yếu là ở các lớp học toán, lý, hóa, sinh.

Tại TP Hồ Chí Minh, ở các trung tâm luyện thi nổi tiếng một thời cũng rơi vào tình trạng cũng tương tự. Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Danh, nguyên Tổ trưởng Tổ Sinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), chia sẻ: Tình hình luyện thi trước đây so với bây giờ đúng là khác nhau quá xa. Thời trước, một ngày tôi dạy luyện thi cả 3 buổi sáng, chiều, tối. Có lớp lên đến khoảng 200 học sinh. Bây giờ ít nhu cầu luyện thi.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Tổ trưởng Tổ vật lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng cho biết trước đây luyện thi ĐH đông, phải thường xuyên giãn các phòng ra thành hội trường. Bây giờ học sinh chủ yếu học ở nhà hoặc online. Cấu trúc đề là 60% học sinh có thể đạt điểm trung bình, còn 40% khó dành cho xét ĐH, CĐ, áp lực luyện thi vì thế cũng không nặng như trước.

Bắt đầu từ năm 2015 đến nay, Bộ GD-ĐT cho các trường ĐH lập đề án tuyển sinh riêng, mở rộng các phương thức tuyển sinh bên cạnh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều trường đều xét tuyển từ kết quả học bạ THPT. Phương thức này giúp học sinh vào ĐH, CĐ không quá khó như trước kia nên số lượng người ôn thi vì thế mà giảm.

Ôn thi tại trường đỡ vất vả, bớt tốn kém

Thay vì tìm tới các trung tâm luyện thi bên ngoài trường, năm nay hầu hết HS lớp 12 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… chọn cách ôn thi tại trường. Theo nhiều học sinh, nguyên nhân ít tham gia luyện thi tại các trung tâm vì hầu hết các môn đều thi trắc nghiệm, cách ra đề cũng bớt khó hơn trước, thời gian dành cho việc ôn tập sau khi kết thúc chương trình phổ thông ngắn nên việc tìm tới trung tâm luyện thi sẽ không đạt được hiệu quả bằng ôn thi ngay tại trường. Việc này còn giảm được cả vất vả trong việc đi lại và chi phí.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhà trường đã hướng dẫn học sinh lớp 12 đăng ký khối thi, ngoài ba môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và Ngoại ngữ, mỗi em sẽ chọn một trong hai tổ hợp môn thi Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Công dân) để xét tốt nghiệp. Đồng thời, học sinh được hướng dẫn đăng ký nguyện vọng mà các em sử dụng chính để xét tuyển Đại học hoặc thi đánh giá năng lực đối với một số trường đại học. Trên cơ sở đó, trường chia lớp theo tổ hợp, sau khi hoàn thành kiểm tra học kỳ 2, học sinh sẽ chuyển sang giai đoạn ôn tập theo lớp đã chia để đạt hiệu quả cao nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào Đại học.

Em Thanh Huyền, HS Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết: Trong lớp hầu hết các bạn chọn cách ôn thi ngay tại trường vì kiến thức chỉ là ôn lại thôi, hơn nữa các thầy cô dạy cuối cấp cũng đều là những giáo viên có kinh nghiệm, hoàn toàn yên tâm. Còn em Kiều Trang, học sinh Trường Việt Đức thì cho biết, kế hoạch ôn tập được nhà trường chuẩn bị rất cụ thể theo hướng dẫn sát sao của giáo viên bộ môn. Với hình thức thi trắc nghiệm như năm nay em thấy khá nhẹ nhàng nên cũng không quá lo lắng phải đi học thêm ở trung tâm.

Ôn thi linh hoạt

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, về chương trình dạy học, Trường THPT Nguyễn Du đã thực hiện dạy trực tuyến từ ngày 3/2 cho đến ngày 2/5 dưới nhiều hình thức: E-Learning, zoom, web trường nhưng tỉ lệ tham gia của học sinh thay đổi liên tục. Trong tháng 2, học sinh học trực tuyến là 90%, tháng 3 giảm xuống còn 70%; đến tháng 4, nhà trường siết mạnh việc điểm danh và mời phụ huynh, số học sinh học trực tuyến đạt 96%.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, những con số trên chưa phản ánh đúng thực tế do có rất nhiều học sinh lên hệ thống trực tuyến điểm danh rồi đi ngủ, giáo viên rất khó kiểm soát hết. Mặt khác, vào thời điểm đó, cả nước đều tiến hành học online khiến đường truyền internet bị quá tải, nhiều học sinh không đăng nhập được nên không hứng thú với việc học trực tuyến. Các giáo viên nhận định, hiệu quả truyền đạt và tiếp thu kiến thức qua dạy học trực tuyến không cao vì nhiều lý do khác nhau.

Chính vì vậy, khi đi học trở lại, nhà trường triển khai công tác vừa học kiến thức mới, vừa ôn kiến thức cũ để kết thúc chương trình đúng thời gian quy định. Đối với học sinh lớp 12, nhà trường đang sắp xếp để các em hoàn tất các bài kiểm tra định kỳ và kiểm tra thường xuyên theo quy định. Các giáo viên tiến hành kiểm dò lại toàn bộ kiến thức đã học, kết hợp với phần tinh giản chương trình mà Bộ GD- ĐT đã công bố để giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức của từng môn.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, trường đã tổ chức dạy học hai buổi/ngày và sắp xếp bán trú để học sinh tập trung học tập trong giai đoạn nước rút, tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con em đến trường. Công việc trọng tâm được nhà trường và giáo viên tập trung trong những tuần đầu dạy học trở lại là khảo sát hiệu quả dạy học trực tuyến. Trường có thuận lợi là 100% học sinh đều tham gia học trực tuyến. Hầu hết học sinh của trường có khả năng tự học và tiếp thu kiến thức khá tốt.

Tuy nhiên, thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đánh giá: So với học tập trung tại trường, mức độ tiếp thu kiến thức qua dạy học trực tuyến của học sinh được giáo viên đánh giá chỉ đạt từ 60 -70%. Nguyên nhân là do việc học nhiều tiết liên tục trên máy tính khiến sức khỏe và sự tập trung của học sinh giảm dần. Chưa kể, học trực tuyến cũng hạn chế về mặt tương tác, nhắc nhở trực tiếp từ giáo viên và sự thi đua giữa các học sinh với nhau khiến các em mất động lực học tập. Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy có độ vênh nhất định về mức độ tiếp thu kiến thức giữa các nhóm học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới phương pháp ôn thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO