Giáo dục đại học: Tín hiệu vui từ các bảng xếp hạng

Lam Nhi 02/11/2019 07:00

Tổ chức Nature Index vừa xướng danh top 10 các trường đại học (ĐH), viện nghiên cứu, trong danh sách này, Việt Nam dẫn đầu về số lượng các công bố quốc tế. Đây tiếp tục là những tín hiệu lạc quan cho thấy chất lượng giáo dục ĐH trong nước đang có những thay đổi tích cực.

Lạc quan tình hình phát triển

Bảng xếp hạng Nature Index công bố mỗi năm phản ánh về quy mô công bố và mức độ sự hợp tác nghiên cứu chất lượng cao ở cấp cơ sở giáo dục ĐH/nghiên cứu, cấp quốc gia và khu vực. Nature Index chọn lọc ra 82 tạp chí hàng đầu thế giới từ hàng chục nghìn tạp chí quốc tế uy tín như: Nature, Cell, Science, Nano Letters, Geophysical Research Letters, Journal of The American Chemical Society, Macromolecules… để đưa vào đánh giá xếp hạng, thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, sự sống và khoa học Trái đất. Thời gian các công bố được tính là từ ngày 1/8/2018 đến ngày 31/7/2019.

Giáo dục đại học: Tín hiệu vui từ các bảng xếp hạng

ĐHQG Hà Nội thuộc top 1000+ cơ sở giáo dục ĐH nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH và các viện nghiên cứu của Việt Nam có tên trong top 10 của Bảng xếp hạng này bao gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường ĐH Phenikaa; Trường ĐH Duy Tân; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐHQG Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (tại Việt Nam); Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và phân tử (thuộc ĐHQG TPHCM).

Kết quả xếp hạng Nature Index về công bố của quốc gia, tổ chức nghiên cứu và các cơ sở giáo dục ĐH được tính bằng hai tiêu chí:
Số bài viết (Article Count, AC): Được tính cho quốc gia hoặc tổ chức nghiên cứu nếu bài báo đó do một hoặc nhiều tác giả đến từ quốc gia đó hoặc tổ chức đó thực hiện, bất kể có bao nhiêu đồng tác giả đến từ bên ngoài tổ chức hoặc quốc gia đó.

Tỷ lệ công bố (Fractional Count, FC): Là tỷ lệ phần trăm tính theo công thức số tác giả của cơ sở giáo dục ĐH (hoặc quốc gia) và số cơ sở giáo dục ĐH chủ quản của các tác giả đó trên một bài viết. Để tính toán FC, tất cả các tác giả được coi là đóng góp như nhau cho một bài viết. Mỗi bài viết có chỉ số FC kết hợp tối đa là 1.0.

Công bố khoa học được xem là một trong những thước đo trình độ phát triển khoa học công nghệ và sức cạnh tranh của một quốc gia. Do đó, đầu tư cho KH&CN là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam đã tăng gần 5 lần, từ 1.764 bài công kì bố vào năm 2009, lên đến 8.234 bài năm 2018.

Trước đó, theo tin từ ĐHQG Hà Nội, vừa qua, Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu - Best Global Universities. Lần đầu tiên, Việt Nam có 2 trường ĐH lọt bảng xếp hạng này, vị trí cao nhất là ĐHQG Hà Nội.

Cụ thể ĐHQG Hà Nội có thứ hạng 1059, số 1 Việt Nam, tiếp theo là ĐHQG TPHCM có thứ hạng 1176. Ngoài ra, Việt Nam còn có Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng được đánh giá nhưng chưa có thứ hạng.

Cũng ở bảng xếp hạng này, ngành Vật lý của ĐHQG Hà Nội đã tăng 30 bậc so với bảng xếp hạng năm trước là 502, năm nay là 472 của thế giới.

Xếp hạng theo khu vực châu Á, ĐHQG Hà Nội xếp thứ 275 và ĐH Quốc gia TPHCM xếp thứ 322. Trong khu vực, ĐHQG Singapore đứng thứ nhất châu Á, ĐH Tsinghua (Trung Quốc) đứng thứ hai, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) đứng thứ 3, ĐH King Abdulaziz (Ả Rập Xê Út) đứng thứ 4, ĐH Peking (Trung Quốc) đứng thứ 5...

Đây là lần thứ 6 Tạp chí US News & World Report công bố thứ hạng của Bảng xếp hạng này. Trước đó, đã hơn 30 năm, Tạp chí US News & World Report tập trung vào xếp hạng các trường ĐH, cao đẳng của Hoa Kỳ.

Năm nay, có 1.599 trường ĐH, thuộc 81 quốc gia, được đưa vào đánh giá, trong đó có 1.500 trường được xếp hạng. Best Global Universities đánh giá và xếp hạng các trường ĐH dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu khoa học do Tập đoàn Clarivate Analytics InCites cung cấp. Như vậy, với thứ hạng 1059, có thể nói, ĐHQG Hà Nội thuộc top 1000+ cơ sở giáo dục ĐH nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Về phương pháp xếp hạng, Best Global Universities đánh giá các trường ĐH bằng 13 tiêu chí khách quan và tập trung vào uy tín nghiên cứu (qua khảo sát) và chất lượng nghiên cứu qua phân tích dữ liệu khoa học được công bố trong cơ sở dữ liệu của Clarivate Analytics InCites.

Cần có bảng xếp hạng riêng của Việt Nam

Thực hiện Chiến lược đầu tư cho giáo dục ĐH của Đảng và Nhà nước, ngành giáo dục đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ. Mỗi năm các trường lại nhích hơn một chút thứ tự trên bảng xếp hạng do các tổ chức uy tín trên thế giới đưa ra dựa theo các tiêu chí riêng của họ. Không thể phủ nhận sự nỗ lực của chính các trường khi tham gia vào sân chơi toàn cầu với các yêu cầu khác nhau nếu muốn được “xướng tên” trên bảng vàng khu vực và thế giới. Và không chỉ có các ĐH này, còn nhiều trường khác năng động và có tiềm năng chưa tham gia vào các bảng xếp hạng. Đặc biệt, có những trường có năng lực nghiên cứu tốt như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Học viện Bưu chính Viễn thông... khi mỗi trường đều công bố nhiều bài báo trong cơ sở dữ liệu Scopus.

Trước mắt, lựa chọn các bảng xếp hạng phù hợp để tham gia là quan điểm của nhiều trường. Ông Lê Văn Út- Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, việc lựa chọn tổ chức nào để đưa vào xếp hạng nên xem xét cẩn thận vì sẽ đánh giá không đồng đều. Thậm chí, ông Út cũng cảnh báo cần hết sức cảnh giác khi tham gia xếp hạng theo chuẩn quốc tế vì có thể sẽ dẫn tới thương mại hóa trong giáo dục.

Chia sẻ quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng trong điều kiện Việt Nam hiện nay cũng cần cân nhắc kỹ lựa chọn tổ chức xếp hạng vì chất lượng. Khi tham gia mạng lưới giáo dục toàn cầu thì chúng ta phải chia sẻ để biết mình đang ở đâu và lựa chọn tổ chức xếp hạng.

“Phải có thước đo để thực hiện chất lượng đó. Khi đã tham gia thị trường dịch vụ ĐH thì phải có nguyên tắc xếp hạng, phải đảm bảo minh bạch, kiểm định chất lượng. Đây là công cụ quan trọng để kiểm soát chất lượng ĐH. Đây cũng là biện pháp bắt buộc đối với cơ sở giáo dục”- ông Khuyến nói.

Tuy nhiên, ông Khuyến cũng không quên nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của ĐH là chất lượng và đảm bảo quyền lợi chính đáng người học và bên liên quan chứ không phải mục tiêu ĐH là xếp hạng. Đây chỉ là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục ĐH là phải tiếp cận xếp hạng một cách minh bạch theo chuẩn quốc tế. Tới đây, Việt Nam cũng cần có bộ tiêu chí xếp hạng riêng, được xây dựng trên cơ sở tiếp cận kiểm định chất lượng giáo dục và hệ thống tiêu chí của các bảng xếp hạng quốc tế do mỗi quốc gia có đặc thù phát triển riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục đại học: Tín hiệu vui từ các bảng xếp hạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO