Hạn chế lao động trẻ em

Khanh Lê 24/04/2019 07:00

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 - 17 tuổi là lao động trẻ em. Lao động trẻ em vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%), tiếp đến là ngành dịch vụ (chiếm 17,1%), trong khi 11,9% lao động trẻ em làm việc trong ngành công nghiệp.

Hạn chế lao động trẻ em

Trẻ em cần được dạy các kĩ năng tự bảo vệ mình.

Nhiều trẻ em phải nghỉ học làm việc

Thông tin tại hội thảo Quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên nhi đồng Quốc hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội cho biết: Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em thực hiện năm 2012 cho thấy có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em tại Việt Nam, trong đó hơn 32% làm việc trên 42 giờ một tuần. Trong số 1,75 triệu lao động trẻ em, 85% sống ở nông thôn. Số lao động trẻ em lớn nhất rơi vào nhóm 15-17 tuổi chiếm 58%, tiếp theo là nhóm 12-14 tuổi và 5 đến 11 tuổi. Phần lớn trẻ em lao động trong khu vực nông nghiệp. Các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và dịch vụ thu hút hàng trăm nghìn lao động trẻ em.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua khảo sát, hiện có khoảng 2 triệu trẻ em tham gia lao động, rất nhiều trẻ em là con công nhân lao động đang làm việc ở các khu chế xuất, công nghiệp. Nhiều gia đình công nhân ở nông thôn phải mang con theo đi làm ở thành phố hoặc gửi cho ông bà chăm sóc trong điều kiện sinh hoạt, học tập rất khó khăn.

Còn khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ LĐTBXH cho thấy, hơn 7% hộ gia đình có người từ 5-17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Gần 2% hộ gia đình có thành viên từ 5-17 tuổi tham gia công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thực tế, hiện lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra lao động, ở những nơi công đoàn và các tổ chức của người sử dụng lao động thường rất mỏng hoặc không có.

Cần quy định rõ ràng độ tuổi lao động

Từ những hạn chế trên, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm hơn, đặc biệt là vấn đề lao động trẻ em. Do đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính các em, gia đình, cộng đồng và của cả doanh nghiệp.

Đặc biệt để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Bộ luật Lao động sửa đổi cần quy định rõ ràng độ tuổi lao động, làm việc tối thiểu và các trường hợp ngoại lệ như: Độ tuổi tối thiểu chung là 15 tuổi, nên nghiêm cấm việc tuyển dụng hoặc nhận những người chưa đủ 15 tuổi trừ một số trường hơp ngoại lệ; trường hợp độ tuổi tối thiểu để thực hiện công việc nhẹ; nghiêm cấm những người chưa đủ 18 tuổi thực hiện các công việc nguy hiểm kể cả trong nền kinh tế phi chính thức hoặc là công việc trong khu vực nông nghiệp, đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý vi phạm đối với các hành vi liên quan đến lao động trẻ em.

“Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 138 và quy định 15 tuổi là độ tuổi tối thiểu, Bộ luật Lao động nên nghiêm cấm việc tuyển dụng hoặc nhận vào làm việc bất kỳ trẻ em nào khi chưa đủ 15 tuổi, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ được quy định trong Bộ luật. Đặc biệt cần phải thực thi nghiêm các biện pháp xử lý vi phạm khi có hành vi sử dụng lao động trẻ em” – đại diện ILO tại Việt Nam đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn chế lao động trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO