Khi học sinh bị phạt

Tố Quyên 24/12/2017 06:00

Theo xác nhận của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa thì thông tin một nam sinh Trường THCS Minh Khai (phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa) không mang khăn quàng đỏ đến trường đã bị cô giáo phạt ngồi học dưới đất gây xôn xao dư luận những ngày qua là có thật.

Khi học sinh bị phạt
Phạt thế nào để có tác dụng dạy dỗ, răn đe mà không coi thường nhân phẩm của học sinh. Ảnh: Zing.vn.

Theo đó, sự việc nêu trên xảy ra tại lớp 6G, Trường THCS Minh Khai. Một nam sinh quên đeo khăn quàng đỏ đến lớp đã bị cô giáo chủ nhiệm phạt, yêu cầu nam sinh này phải mua 10 chiếc khăn quàng đỏ để nộp phạt vì hành vi quên đeo khăn quàng đỏ. Vì không có tiền để mua khăn quàng đỏ, nam sinh có ý định tiết kiệm tiền ăn sáng để mua khăn quàng đỏ nộp cho cô giáo. Tuy nhiên, khi nam sinh chưa kịp dành đủ tiền mua khăn quàng đỏ nộp phạt thì bị cô giáo phạt bằng hình thức phải ngồi học dưới đất.

Qua hình ảnh được chia sẻ trên mạng thì nam sinh phải ngồi học dưới nền nhà ở cuối lớp học, lấy ghế nhựa làm bàn học. Trong khi đó các bạn cùng lớp thì ngồi học trên bàn. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước hành động phạt học sinh của cô giáo.

Được biết, sau khi xảy ra sự việc, gia đình có ý kiến, nhà trường cũng đã điện thoại cho gia đình và yêu cầu cô giáo đến để xin lỗi gia đình học sinh. Nhà trường cũng đã yêu cầu cô giáo viết bản tường trình và họp Hội đồng và phê bình cô giáo trước Hội đồng nhà trường.

Đọc thông tin này, một đồng nghiệp của tôi đã chia sẻ, con chị học ở một trường THCS giữa thủ đô Hà Nội cũng từng bị cô giáo chủ nhiệm áp dụng những hình phạt oái oăm tương tự. Ví dụ, không đi dép quai hậu đến trường thì cô giáo thu dép hoặc vứt dép vào sọt rác trước mặt các bạn khác, học sinh phải đi bộ chân trần về nhà trong khi những rủi ro như không may dẫm vào vật sắc nhọn gây đứt chân chảy máu hoặc dẫm phải những kim tiêm nhiễm bệnh trên đường …thì ai chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, nếu mắc bất cứ lỗi gì mà bị ghi tên vào sổ đầu bài là học sinh phải nộp 1 quyển vở, 10 lỗi 10 quyển. Nếu không nộp đủ vở thì cô giáo cho đứng ngoài hành lang học (còn bạn học sinh kia thì được ngồi cuối lớp học). Con chị và nhiều bạn trong lớp gần như ngày nào cũng phải mang vở đến nộp cho lớp trưởng.

Tập vở 50 cuốn chị mua dự trù cho cả năm học mới gần hết học kỳ một đã không còn quyển nào. Chị băn khoăn hỏi con thì được biết số vở đó đã được con mang đi nộp. Khi nhà không còn vở dự trữ thì con nhịn ăn sáng để mua vở nộp cho cô. Hôm nào không xoay sở được thì bị cô cho đứng hành lang nhìn vào lớp học…

Phụ huynh biết chuyện đã phản ánh và chất vấn cô giáo và cả ban giám hiệu về hình thức phạt ấy. Và nếu không có tiền ăn sáng mà vẫn phải cần vở để nộp cho cô thì học sinh rất dễ phải vi phạm những tội lớn hơn cả nói chuyện trong lớp đó là có thể phải trộm cắp tiền của bố mẹ để mua vở nộp cho cô… Vậy khuyết điểm này xuất phát từ hình phạt oái oăm của cô giáo, cô có phải chịu trách nhiệm không? …

Ban giám hiệu nhà trường khi nhận được thông tin phản ánh đã ngay lập tức kiểm tra và phản hồi với phụ huynh rằng những thông tin phản ánh là sự thật, từ đó đã họp hội đồng nhà trường phê bình cô giáo và yêu cầu trả lại toàn bộ số vở đã thu của học sinh.

Lẽ ra mỗi hành động, lời nói của giáo viên đều phải là chuẩn mực để học sinh học tập và noi theo thì đâu đó trong môi trường giáo dục của chúng ta vẫn còn những hạt sạn lớn, nhỏ thế này. Phạt thế nào để có tác dụng dạy dỗ, răn đe mà không coi thường nhân phẩm của các em xem ra cũng khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi học sinh bị phạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO