Năm 2021 sẽ thay đổi kỳ thi THPT

H.Vũ 19/07/2019 08:00

Ngày 18/7, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác khoa giáo Đảng 6 tháng đầu năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị.

Năm 2021 sẽ thay đổi kỳ thi THPT

Kỳ thi 2 trong 1 sẽ ổn định đến năm 2020 theo đúng lộ trình Ảnh: Quang Vinh.

Sẽ có mã số định danh cho giáo viên

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 đạt mục tiêu đề ra, 273 các trường đã bày tỏ tin cậy kết quả thi để các trường đại học xét tuyển, các địa phương cũng có trách nhiệm trong quá trình tham gia. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời cho biết kỳ thi 2 trong 1 sẽ ổn định đến năm 2020 theo đúng lộ trình đã công bố, sau đó Bộ sẽ có lộ trình đảm bảo sự ổn định và cải tiến kỳ thi tốt hơn, nhẹ nhàng hơn. Năm nay sẽ tuyên bố lộ trình 2021-2024 trước khi đổi mới sách giáo khoa để từng bước có kế hoạch thực hiện tốt.

Liên quan đến đổi mới giáo dục và sách giáo khoa, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, sau 5 năm triển khai và đến nay đổi mới chương trình sách giáo khoa đang thực hiện các bước đã được Quốc hội thông qua. Thứ nhất là đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giáo viên hiện có để đáp ứng ngay đổi mới trong đó có ưu tiên các cấp, trước hết là đội ngũ quản lý để đột phá quản lý, đổi mới tư duy. Thứ hai là cán bộ quản lý các trường, hiệu trưởng, hiệu phó vì đây là nhóm cần phải đổi mới để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên. Thứ ba là nhóm giáo viên trực tiếp đứng lớp, giáo viên sư phạm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thông tin, đến nay Bộ đã nhận được 5 bộ sách do các nhà xuất bản gửi đến, tổ chức tập huấn để những người tham gia thẩm định sách giáo khoa am hiểu chuyên môn và thống nhất trong thẩm định công bằng, khách quan để có sách tốt nhất.

Đề cập đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ ưu tiên quy hoạch mạng lưới cơ sở trường lớp từ mầm non cho đến đại học, thậm chí giáo dục thường xuyên cũng phải quy hoạch. Hướng dẫn địa phương các quy chuẩn để sắp xếp theo lộ trình ưu tiên giải quyết căn bản vấn đề bức xúc, như giáo viên thừa thiếu cục bộ. “Lần đầu tiên sẽ có cơ sở phần mềm để chiết xuất được số lượng giáo viên thực tế ở các trường, địa phương. Trước năm học, Bộ sẽ chiết xuất thông báo cho các địa phương số lượng giáo viên thừa thiếu đến tận môn học. Dần dần sẽ có mã số định danh giáo viên và kê khai thực hiện để có thông tin thật về thừa thiếu, tiến tới sắp xếp các trường sư phạm gắn với nhu cầu sử dụng của các địa phương, nâng cao chất lượng thông qua chuẩn giáo viên, nâng cao trách nhiệm các trường sư phạm trong bồi dưỡng đào tạo giáo viên, gắn trường với địa phương”-Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

2 thành phố lớn lo... rác thải

Tại Hội nghị vấn đề ô nhiễm môi trường cũng nhận được rất nhiều ý kiến. Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, rác thải ở Hà Nội không đơn thuần chỉ là vấn đề môi trường, kinh tế - xã hội mà thực chất chính là vấn đề an ninh. Cho nên cần phải có những giải pháp tổng thể, và đây hiện đang là vấn đề ở đâu cũng vướng chứ không riêng Hà Nội.

Từng 5 năm làm Bí thư huyện Sóc Sơn, nơi có bãi rác Nam Sơn lớn nhất của Thủ đô, ông Phong cho biết, có những chính sách đã 25 năm nhưng chưa giải quyết xong cho dân vì thế người dân quan ngại là điều dễ hiểu. Đáng chú ý trong đó có trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Nếu chúng ta không giải quyết, từ vấn đề môi trường sẽ thành vấn đề an ninh, tạo ra hệ hụy lớn và trở thành tiền lệ liên quan đến các vấn đề khác khi người dân sẽ phản ứng.

Cùng chung lo ngại, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Chí Minh cho biết trong vấn đề rác thải, thành phố có cuộc vận động kêu gọi người dân không xả rác ra đường, cần quan tâm phân loại rác tại địa phương, hạn chế rác thải nhựa, nhưng khó khăn trong thực hiện vì ý thức của người dân đã thành thói quen. Vì thế cần tuyên truyền, tác động, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước với giải pháp thiết thực cho người dân.

Phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, lĩnh vực khoa giáo vốn rất rộng, và đây là vấn đề Đảng rất quan tâm. Thời gian qua trong quá trình thực hiện đã đem lại nhiều hiệu quả, song bên cạnh đó cũng có cái chưa được phát huy. Do đó cần quan tâm, tham mưu cho Ban Bí thư để sơ kết, tổng kết về các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Ban Bí thư trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát, tuyên truyền tốt để xã hội có thể biết đến những thành quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức. Bên cạnh đó, báo chí cần chú trọng trong tuyên truyền, đừng để thông tin trở thành “mồi nhậu” cho mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2021 sẽ thay đổi kỳ thi THPT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO