Người học ngày càng quan tâm tới đầu ra

Linh Nga 17/08/2019 08:00

Mùa tuyển sinh 2019, trong khi nhiều trường đại học (ĐH) đồng loạt hạ điểm sàn kịch đáy để “vét” thí sinh; đồng thời với đó dù chưa hết đợt tuyển sinh đầu tiên, nhưng nhiều trường ĐH đã công bố tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu…đang khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng đầu vào cũng như sức hút của hệ ĐH hiện nay.

Người học ngày càng quan tâm tới đầu ra

Đào tạo nhân lực ngành quản trị du lịch.

Song điều đáng lưu ý, trong vài năm năm trở lại đây số người tham gia học nghề ngày càng tăng. Theo lý giải từ phía người học, những ngành nghề có tính thực hành cao, hứa hẹn ổn định đầu ra đang trở nên hấp dẫn hơn.

Học đi liền với thực hành

Cụ thể, năm 2019 thống kê của Bộ GDĐT cho thấy cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, nhưng có đến hơn 233.000 em không đăng ký xét tuyển ĐH mà chỉ dự thi để xét tốt nghiệp. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong công tác phân luồng, hướng nghiệp với học sinh phổ thông.

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết không chỉ các trường ĐH thiên về ứng dụng mới chú trọng thực hành mà hiện tất cả các trường bây giờ đều phải chú trọng khâu này. Cụ thể là gắn đào tạo với hoạt động của các doanh nghiệp, thị trường lao động. TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội chia sẻ, trong quá trình học thời gian đào tạo thực hành là 70%, lý thuyết chỉ 30%. Phần lý thuyết không mang tính hàn lâm mà chỉ tập trung để sinh viên có tư duy, hiểu biết, tạo thêm thuận lợi khi thực hành.

Ông Đồng Văn Ngọc cho biết thêm, năm nay thí sinh chọn học CĐ nghề có xu hướng tăng mạnh. Trong đó có sự tác động của truyền thông đến định hướng xã hội về phân luồng; người dân đều thấy nhiều sinh viên thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành đã học; thị trường lao động, vị trí việc làm, nhu cầu nhân lực chủ yếu có nhu cầu nhân lực học ở bậc học CĐ, trung cấp; học nghề xong đa phần sinh viên có việc làm ngay. Cùng với đó, thời gian qua các trường CĐ nghề cũng đã có sự chủ động, linh hoạt, năng động trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, nhiều trường cam kết việc làm cho sinh viên, hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đào tạo và việc làm cho sinh viên ngay khi còn đang học tập tại trường.

Đơn cử riêng với Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, năm nay không ít ngành nghề của trường tuyển sinh kèm tuyển dụng. Trước khi nhà trường tuyển sinh đã ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp. Mục đích là tuyển đầu vào và tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Gắn kết doanh nghiệp với nhà trường

Phân tích về độ “hot” của ngành nghề hiện nay, GS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho rằng, ngành du lịch - khách sạn đang rất “hot” bởi nhu cầu nhân lực đang rộng mở. Thực tế nhiều trường đào tạo ngành du lịch hiện rất chú trọng công tác đào tạo liên quan đến tổ chức các tour du lịch như việc ký nhiều hợp đồng với các tập đoàn lớn liên quan đến phát triển đào tạo. Sinh viên vào học sẽ được đào tạo 50% tại trường và 50% tại doanh nghiệp. Trong thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, các em sẽ được trả lương.

Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN- Bộ LĐTBXH) khẳng định ngành du lịch là lĩnh vực đang được nhà nước đặc biệt ưu tiên. Ở khối trường nghề, ngành này đang có lợi thế với mô hình đào tạo gắn với thực hành 70%, chỉ 30% dành cho lý thuyết. Hiện nay, với hệ giáo dục nghề nghiệp, ngành đào tạo du lịch - khách sạn đang thí điểm đào tạo theo chương trình của Australia để cuối năm nay sẽ có khóa đầu tiên được cấp bằng. Ngoài ra, cũng đã có thêm chương trình đào tạo theo mô hình của Đức và học viên có thể theo học trình độ CĐ tại chương trình này. Khi tốt nghiệp, các em sẽ có nhiều cơ hội luân chuyển việc làm ở trong và ngoài nước.

Đại diện Bộ LĐTBXH cũng cho hay giờ đây việc phấn đấu để số người học nhiều hơn, chất lượng đào tạo được nâng lên, người học ra trường có việc làm và tạo được sự ủng hộ của xã hội trong lĩnh vực GDNN đang được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Về tuyển sinh, nếu trước đây chỉ đạt 60% kế hoạch đặt ra thì 2 năm qua tuyển sinh học nghề đều vượt kế hoạch, đặc biệt năm 2018 đạt 107%; hết tháng 6/2019 tỉ lệ tuyển sinh nghề đã vượt 15% so với cùng kỳ 2018. Nhiều trường đến nay đã tuyển sinh xong chỉ tiêu và đáng mừng là điểm đầu vào của nhiều trường nghề đạt 14-15 điểm.

Hiện công tác gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường cũng được triển khai quyết liệt, hầu hết các trường hiện nay đều tổ chức ký kết với doanh nghiệp và đặt hàng đầu ra. Theo dự kiến tháng 9 tới, sẽ có một diễn đàn rất lớn quy mô quốc gia liên quan đến việc nâng tầm kỳ năng nghề nghiệp cho lao động Việt Nam.

Theo thống kê từ Tổng cục GDNN, thời gian qua chất lượng, hiệu quả đào tạo có chuyển biến rõ rệt, kết quả tốt nghiệp năm 2018 qua kiểm tra đánh giá cho thấy, 85% số học sinh của trường nghề ra trường có việc làm, tăng 5% so với năm 2017, thu nhập ở nhiều ngành nghề cũng rất tốt. Đáng lưu ý là nhiều mô hình “trường nghề trong doanh nghiệp” đã ra đời nhằm đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Những ưu thế này đã khiến cho nhiều thí sinh trong những năm gần đây thay đổi quan niệm về học nghề.Việc nhiều thí sinh có học lực khá, giỏi đăng kí học nghề mùa tuyển sinh năm 2019 cho thấy tín hiệu khởi sắc khi việc chọn ngành, nghề đã thực chất hơn, nhất là khi tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm người có trình độ ĐH đang tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người học ngày càng quan tâm tới đầu ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO