Như hình thức của một vở kịch

Phương Linh 21/10/2018 10:00

Theo các chuyên gia giáo dục, dự giờ, thao giảng là hoạt động nhằm kiểm tra đánh giá GV, HS. Nhưng khi gắn với xếp loại, đánh giá thì sẽ biến những tiết dự giờ nặng về hình thức, không phản ánh đúng thực tế.

Một phụ huynh có con đang học lớp 5 ở một trường tiểu học thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kể: Hôm nay, con tôi nói lớp có các thầy cô khác dự giờ học. Để có buổi dự giờ hôm nay, cô giáo và các con đã luyện tập khá kỹ từ nhiều tuần trước, đến nỗi không có thời gian để cô giáo chấm bài. Và chỉ một già nửa lớp tham gia buổi dự giờ, với các em có học lực tốt. Các học sinh này được dặn dò kỹ phải học thuộc và trả lời câu hỏi như thế nào.

Nhiều giáo viên thì cho biết theo quy định hằng năm mỗi giáo viên đều phải thực hiện những tiết dạy để trường dự giờ, qua đó đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá giáo viên trong suốt cả năm học. Tiết dự giờ thường được báo trước nên vì vậy, hầu hết giáo viên khá chăm chút cho những giờ dạy này. Cả thày và trò cùng tập dượt kỹ lưỡng trước làm cho tiết dự giờ khác xa với những tiết học bình thường.

Chia sẻ về tiết dự giờ, một giáo viên mầm non tại TP HCM, cho hay: “Trước khi đăng ký đề tài, bài giảng đương nhiên là phải khảo sát, nếu trên 50% số trẻ nắm bắt được nội dung thì mới lựa chọn. Và trong quá trình khảo sát học sinh cần phải lưu ý trò nào ổn nhất để gọi phát biểu khi thao giảng”. Tuy nhiên, theo GV trên, cách làm này khá mất thời gian và dễ không như ý nên tốt nhất là dạy trước, chọn từ 3 - 5 HS nhanh nhẹn, dặn dò khi cô hỏi thế này thì bạn A trả lời, khi cô nói cô cần cái gì thì bạn B chạy đi lấy cho cô, ai sẽ chạy lên dán hình cho cô… Đến khi vào tiết, những HS còn lại chỉ việc ngồi trật tự, chăm chú lắng nghe”.

Một cựu hiệu trưởng trường THCS chia sẻ, nói chung giáo viên rất thích những lối mòn quen thuộc, họ lựa chọn và thao tác theo khuôn mẫu mà không cần biết điều đó có phù hợp, có hiệu quả hay không. Nhiều người dốc sức làm cho tiết dạy vuông vắn nghiêm túc nhưng lại không cần biết mình làm như vậy được gì? Học trò được thụ hưởng như thế nào? Cần làm gì để tốt hơn? Khi họ máy móc thì cũng dễ quên đi mục tiêu quan trọng nhất trong giáo dục là họ trò cần được tin tưởng, được trao nhiệm vụ để thể hiện khả năng, năng lực. Dự giờ được báo trước, ai phát biểu trước và nói thế nào... đang khiến tiết dạy đánh giá giáo viên trở thành hình thức của một vở kịch.

Thật lạ, một tiết dạy đánh giá năng lực dạy học của giáo viên thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh bỗng biến thành một tiết dạy khả năng diễn xuất ư? Sự tương tác giữa thày và trò trong quá trình học là vô cùng quan trọng. Một tiết dạy thành công là ở đó có sự sảng khoái trong quá trình tìm tòi, phân tích và sáng tạo của cả thày và trò…

Theo các chuyên gia giáo dục, dự giờ, thao giảng là hoạt động nhằm kiểm tra đánh giá GV, HS. Nhưng khi gắn với xếp loại, đánh giá thì sẽ biến những tiết dự giờ nặng về hình thức, không phản ánh đúng thực tế. Hãy dự giờ đột xuất, để tìm ra những thầy giỏi, nhiệt huyết thực sự. Cùng với đó phát hiện những giáo viên yếu kém năng lực, phẩm chất để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Như hình thức của một vở kịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO