Tái diễn nghịch lý tuyển sinh

Dung Hòa 12/08/2019 08:00

Ở thời điểm này, hơn 300 trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia. Theo phân tích từ các chuyên gia, bên cạnh những điểm sáng thì vẫn còn những gam màu tối trong bức tranh tuyển sinh năm nay.

Đăc biệt nghịch lý tuyển sinh lại tiếp tục tái diễn, khi có một số trường buộc phải đẩy điểm chuẩn quá cao để đánh rớt thí sinh (TS). Tình trạng “trắng” TS này đã xuất hiện từ mùa tuyển sinh 2018 ở một số trường ĐH địa phương, nhưng năm nay trở nên phổ biến hơn.

Tái diễn nghịch lý tuyển sinh

Sinh viên trường ĐHSP Hà Nội.

Nâng điểm chuẩn để… đánh trượt thí sinh

Đơn cử vì có quá ít TS trúng tuyển trường ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh đành nâng điểm chuẩn hai ngành Công nghệ sau thu hoạch và Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng để đánh rớt thí sinh. Trước đó, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Đáng chú ý, trong số 11 ngành đào tạo của trường thì 9 ngành có điểm chuẩn là 14; 2 ngành còn lại là Công nghệ sau thu hoạch và Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng có điểm chuẩn khá cao khi lần lượt là 22 và 20 điểm. Điều này đã khiến nhiều TS nhầm tưởng điểm chuẩn của hai ngành trên là cao, nhưng thực tế việc nâng điểm chuẩn cao là do quá ít TS nộp hồ sơ, nhà trường đành nâng điểm chuẩn để đánh trượt những TS còn lại.

Thống kê từ bộ phận tuyển sinh của nhà trường cho thấy, ngành Công nghệ sau thu hoạch có 2 TS xét tuyển; ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng chỉ có 1 TS xét tuyển. Và trong danh sách công bố TS trúng tuyển ngay sau đó cũng chỉ có 9/11 ngành có TS trúng tuyển. Riêng 2 ngành nâng điểm chuẩn không có trong danh sách công bố.

Tương tự với lý do trên, Trường ĐH Đồng Nai cũng nâng điểm chuẩn 9 ngành trong đó có 4 ngành thuộc hệ ĐH và 5 ngành thuộc hệ CĐ để đánh trượt TS. Cụ thể, trong thông báo điểm chuẩn và TS trúng tuyển trên website của trường cho thấy, trong số 22 ngành của bậc ĐH và CĐ, trường có gần 2.000 TS trúng tuyển tất cả các nguyện vọng. Riêng bậc ĐH trường có tới 4 ngành không có TS nào trúng tuyển gồm: Sư phạm vật lý, Sư phạm sinh học, Sư phạm lịch sử và Quản lý đất đai. Dù không có TS trúng tuyển, nhưng điểm chuẩn vẫn ở mức rất cao so với các ngành khác. Cụ thể, ngành Sư phạm vật lý 24,7; Sư phạm lịch sử 22,6; Sư phạm sinh học 18,5 điểm; Quản lý đất đai 20,8. Đồng thời, trong số 8 ngành cao đẳng (CĐ) sư phạm của trường ĐH Đồng Nai, cũng chỉ có ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có TS trúng tuyển (điểm chuẩn 16), 5 ngành còn lại đều có điểm chuẩn ở mức rất cao (16 - 19,8) mà không có TS nào trúng tuyển.

Lý do trường cố tình đẩy điểm chuẩn lên cao, bởi những ngành này có quá ít TS trúng tuyển. Trường không thể mở lớp nên đánh trượt để TS tìm cơ hội vào trường khác. PGS.TS Lê Kính Thắng- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đồng Nai cho hay: Lý do là các ngành này chỉ có một vài TS trúng tuyển, nhiều nhất cũng chừng 5 em nên không đủ mở lớp. Trường cũng tính đến phương án cho TS chuyển ngành nhưng không được do sự khác biệt về tổ hợp xét tuyển và chênh lệch điểm chuẩn.

Nỗi lo tuyển sinh sư phạm

Đáng chú ý là nghịch lý tuyển sinh ngành sư phạm. Trong khi Bộ GDĐT quyết tâm nâng chất lượng đầu vào ngành sư phạm từ năm 2018 bằng điểm sàn riêng, Năm nay, điểm sàn ngành sư phạm lần lượt là: ĐH, 18 điểm; CĐ, 16 điểm; trung cấp, 14 điểm. Mức điểm này tăng 1 điểm so với năm trước. Theo quy định của Bộ GDĐT, các ngưỡng điểm này áp dụng cho tất cả tổ hợp 3 môn thi, bài thi và không nhân hệ số, không tính ưu tiên khu vực. TS dưới ngưỡng này sẽ bị loại khỏi danh sách xét tuyển.

Về thực tế tuyển sinh ngành sư phạm tại Trường ĐH Đồng Nai, theo PGS.TS Lê Kính Thắng, nguyên nhân chủ yếu là do điểm sàn với các ngành sư phạm năm nay quá cao… Ông cũng cho rằng, với cách tuyển sinh như hiện nay, dù có tuyển bổ sung cũng không còn nhiều TS. Năm 2018, nhà trường chỉ tuyển bổ sung được mấy chục người học cho tất cả các ngành vì TS gần như đã trúng tuyển hết ở đợt 1.

Theo chia sẻ từ một số trường ĐH địa phương, các trường cũng đang rất khó khăn trong tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên. Bởi năm 2018, điểm sàn ngành sư phạm đã cao, năm nay còn cao hơn. Các chuyên gia phân tích rằng do tình trạng không có việc làm của sinh viên tốt nghiệp sư phạm cũng tác động đến tâm lý chọn ngành học của TS. Một số ý kiến cho rằng, nên chăng năm tới các ngành sư phạm có điểm sàn riêng cho trường ĐH trọng điểm và trường địa phương.

Như thế nghịch lý tuyển sinh năm 2018 tại Trường CĐ Sư phạm Gia Lai đã không còn là hiện tượng cá biệt. Trước thềm mùa tuyển sinh 2019, nhiều băn khoăn về việc thiếu nguồn tuyển ngành sư phạm cũng đã được đặt ra: Số chỉ tiêu 46.000 cho ngành sư phạm năm 2019 so với nhu cầu chỉ khoảng bằng 70%. Vậy việc thiếu giáo viên sư phạm trong tương lai được giải quyết thế nào khi 2 năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đều thấp hơn dự báo nhu cầu thực tiễn?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT): Năm 2019, tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo giáo viên theo nhu cầu của các địa phương, Bộ GDĐT đã tổng hợp nhu cầu đào tạo giáo viên do các địa phương đề nghị. Bộ cũng quán triệt tinh thần, không nên vì số lượng mà hạ thấp chất lượng với tuyển sinh sư phạm. Năm vừa rồi điểm tuyển sinh ngành sư phạm khá cao, năm nay quan điểm của Bộ vẫn như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái diễn nghịch lý tuyển sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO