Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Hướng tới đào tạo theo nhu cầu xã hội

Mạnh Dũng 09/01/2018 09:35

Có những ngành học lần đầu tiên tuyển sinh như Khoa học chế biến món ăn; Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị… còn khối sư phạm có thêm một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc... Đây chính là những ngành đào tạo mới mở trong mùa tuyển sinh 2018, nằm trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH mới được Bộ GD&ĐT ban hành.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Hướng tới đào tạo theo nhu cầu xã hội

Một số trường mở thêm ngành mới thu hút sinh viên. (Ảnh minh họa).

Mở ngành học theo nhu cầu xã hội

Theo danh mục vừa ban hành nói trên, hiện bậc ĐH có 366 ngành đào tạo (tăng thêm 105 ngành so với danh mục được ban hành năm 2010). Trong đó, sự thay đổi tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: an ninh quốc phòng, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, khoa học xã hội và hành vi. Đáng lưu ý, ngành đào tạo giáo viên lần đầu tiên có rất nhiều ngành mới, như có một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như tiếng Khmer, Jrai, X’đăng... bên cạnh các ngành sư phạm ngoại ngữ truyền thống khác.

Ngoài sự thay đổi về mã ngành còn có thay đổi về thành phần trong các nhóm ngành, nhiều ngành mới xuất hiện; có những ngành mang tính chuyên môn hóa cao mà trước đây là chuyên ngành. Đơn cử như ngành quản lý hoạt động bay trước đây thuộc nhóm ngành quản lý công nghiệp, thì nay thuộc nhóm ngành khai thác vận tải. Còn nhóm ngành máy tính có các ngành khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật máy tính; nhóm ngành công nghệ thông tin có ngành công nghệ thông tin và ngành an toàn thông tin, trong đó ngành an toàn thông tin là ngành học rất mới, được đào tạo đầu tiên tại 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin, bao gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng và Học viện An ninh nhân dân…

Nếu mã ngành theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ CĐ, ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 14 ngày 27/4/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (gọi chung là danh mục 2010) có 8 chữ số, thì mã ngành theo danh mục đào tạo ĐH vừa mới ban hành là chuỗi số liên tục gồm 7 chữ số.

Ở các kỳ tuyển sinh trước đó, để thu hút thí sinh, các trường ĐH kể cả công lập và tư thục đã mở thêm nhiều ngành học mới. Cho dù lãnh đạo các trường thừa nhận, có ngành rất ít người học nhưng lại khó đóng cửa vì lo ngại ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Do đó, việc bổ sung vào danh mục những ngành đào tạo mới năm 2018, đa phần là những ngành nghề mà xã hội đang cần sẽ mở ra nhiều cơ hội để người học có thể chọn ngành học phù hợp hơn, và cơ sở giáo dục có thể triển khai chương trình đào tạo đúng với kỳ vọng ban đầu khi mở ngành. Đồng thời giúp các trường có thể giải quyết vấn đề thiếu người học và đào tạo theo những gì xã hội cần, thay vì nhà trường có.

Kỳ vọng đổi thay đào tạo sư phạm

Mùa tuyển sinh 2018, nhằm khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên và nâng cao chất lượng ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu sư phạm theo cơ chế đặt hàng, việc đào tạo sư phạm sẽ gắn chặt với nhu cầu sử dụng thực tế. Theo ông Hoàng Đức Minh- cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), nhu cầu này được xác định trên cơ sở rà soát đội ngũ của từng địa phương, từ đó đưa ra con số chính xác về nhu cầu sử dụng, tuyển dụng giáo viên trong tương lai.

Theo đó, đây không phải là việc riêng của ngành giáo dục mà các địa phương cũng sẽ vào cuộc. Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở GD&ĐT cùng phối hợp sở nội vụ rà soát, tính toán nhu cầu đội ngũ giáo viên theo môn học, theo cấp học phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình phổ thông mới. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo sư phạm, đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng có công văn gửi các trường sư phạm cùng phối hợp với các sở GD&ĐT để xác định chỉ tiêu theo đúng yêu cầu của chương trình phổ thông mới.

Theo ông Minh, khi siết chỉ tiêu đào tạo sư phạm, chỉ tiêu sư phạm tổng thể nói chung cũng như của từng cơ sở đào tạo sư phạm có sự thay đổi lớn so với trước. Có trường sẽ gặp khó khăn vì chỉ tiêu tuyển sinh bị sụt giảm nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, đã đến lúc các trường sư phạm phải tự điều tiết các mục tiêu, vừa thu hút thí sinh ở đầu vào, vừa nâng cao chất lượng đầu ra, đồng thời chuyển đổi mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ hiện có.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ để các địa phương đặt hàng các trường đào tạo, đồng thời thu hút nguồn nhân lực giáo viên từ các địa phương khác. Cùng với đó, để tránh lãng phí, giảm dần sự mất cân đối cung cầu giữa đào tạo sư phạm và nhu cầu tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, nên sớm tính toán tăng suất đầu tư trên từng sinh viên sư phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Hướng tới đào tạo theo nhu cầu xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO