Giao lưu 'ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay'

Thanh Tình 21/04/2023 16:29

Tại buổi giao lưu với chủ đề “ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay” vừa được tổ chức trong khuôn khổ Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4) tại Công trường Công xã Paris, TP HCM, nhiều đại diện giới trẻ tỏ ra khá thân thiện và thích nghi nhanh với trí tuệ nhân tạo, nhất là ứng dụng ChatGPT vốn đang rất "hot" thời gian gần đây.

Diễn đàn xoay quanh về trí tuệ nhân tạo ChatGPT (Chat Generative Pre-traning Transformer), trong đó nhiều diễn giả như PGS.TS Đinh Điền, ThS Nguyễn Minh Huấn, doanh nhân Lê Đăng Khoa, ông Lê Hoàng Thạch đã có những chia sẻ về tính năng, lợi ích, ưu, nhược điểm và trả lời các câu hỏi của khách mời về nền tảng ChatGPT với việc viết sách, viết văn.

Trả lời cho vấn đề quan tâm của giới trẻ về: Cùng là thành quả của trí tuệ nhân tạo, nhưng tại sao ChatGPT lại gây ra “cú sốt” lớn?, PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc trung tâm ngôn ngữ học tính toán, ĐH Quốc gia TP HCM cho biết, vì ChatGPT liên quan đến ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất của loài người, mọi hoạt động của chúng ta đều liên quan đến ngôn ngữ, trong đó có cả vấn đề xuất bản. Đó là lý do tại sao ChatGPT gây được tiếng vang với công chúng.

Các diễn giả tại buổi giao lưu chủ đề "ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay".

Theo PGS.TS Đinh Điền, ChatGPT được học hàng trăm thứ tiếng và hàng trăm triệu cuốn sách nên ứng dụng này được coi là tri thức của nhân loại. Đây là điểm mạnh lớn nhất của ChatGPT. Còn về mặt hạn chế, chuyên gia nghiên cứu cho rằng các tác phẩm văn học Việt Nam trước kia có sử dụng chữ Nôm nên ChatGPT sẽ không nhận dạng ra được, do đó sẽ không cho ra kết quả đúng và sẽ gây nên nhầm lẫn.

Một bạn đọc trẻ đặt câu hỏi với các diễn giả tại sự kiện.

Đối với doanh nhân Lê Đăng Khoa chia sẻ, ChatGPT chỉ mới ra mắt cách đây 7 tháng nhưng lại gây được tiếng vang lớn đến cộng đồng, ChatGPT dựa trên Bigdata để tổng hợp lại những lượng kiến thức một cách nhanh nhất mà không cá nhân hay tổ chức nào có thể làm. Bên cạnh đó, ChatGPT giúp cho các doanh nghiệp, công ty làm việc hiệu quả, năng xuất, tiết kiệm chi phí hơn.

"Hiện nay, mọi người đang phải chạy đua kiến thức cá nhân với những nền tảng công nghệ mới và nhanh nhưng không biết các nguồn gốc thông tin, bản quyền có chứng thực không. Vì nền tảng ChatGPT quá mới nên vẫn chưa có hàng rào bảo vệ cho vấn đề tác quyền, NXB hay cá nhân tạo nên content. Đây là mặt hạn chế với ứng dụng ChatGPT", doanh nhân Lê Đăng Khoa đánh giá.

Ở góc độ tác động về kinh tế - xã hội, ông Khoa cũng cho rằng, ChatGPT là một công cụ hữu ích giúp mọi người có thể tận dụng cho việc học, sáng tác và làm việc. Quan trọng người dùng có trách nhiệm sử dụng ChatGPT như thế nào.

Theo nhà văn Phương Huyền, ChatGPT rất hữu ích cho các nhà văn trẻ, nhà sáng tạo nội dung nhưng ứng dụng sẽ có thể bào mòn tư duy của người dùng vì chỉ có những cảm xúc, trải nghiệm thực tế mới viết nên được những điều thú vị. Chị khẳng định nhà văn vẫn luôn có chỗ đứng và vẫn sẽ sử dụng ứng dụng ChatGPT để mở rộng tư duy sáng tạo.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng cảm từ bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TP HCM, khi cho rằng với kinh nghiệm tiếp xúc các bản thảo sơ khởi cho rằng ChatGPT không thể thay thế phong cách, nét riêng của tác giả. “Chỉ có lao động sáng tạo cá nhân mới khẳng định được tên tuổi người viết” - bà Thanh Thủy đưa ra nhận định.

Chia sẻ tại diễn đàn nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE - Voiz FM thì kỳ vọng, ChatGPT là hướng ứng dụng, khi một ngày nào đó bạn đọc không chỉ học được các thuật toán đề xuất quyển sách hay nữa mà còn có phần mềm tương tác phân tích lý do vì sao chọn quyển sách đó cho bạn đọc.

Nhà văn Phương Huyền khuyên các bạn trẻ nên sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ, vì trải nghiệm thực tế của tác giả mới quyết định sức hút của tác phẩm.

“Hiện tại, chúng tôi chỉ giới hạn sử dụng ứng dụng giọng đọc trí tuệ nhân tạo cho các mẩu tin ngắn (tối đa 1 phút). Còn lại dung lượng dài hơn hoặc sách văn học vẫn phải do người đọc. Trí tuệ nhân tạo hiện vẫn chưa thể thay thế con người, đặc biệt là cảm xúc”, ông Thạch dẫn chứng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Voiz FM.

Đánh giá tổng thể về việc sử dụng ChatGPT để viết văn, PGS.TS Đinh Điền nhấn mạnh, muốn đi sâu thì cần có rất nhiều vấn đề phải giải quyết như khía cạnh phân tích về mặt ngôn ngữ, bình đẳng giới khi viết nội dung, sáng tác câu chuyện, phỏng vấn,... ChatGPT sẽ là công cụ hỗ trợ người dùng có thể kiểm tra xem thông tin có vi phạm về mặt văn hóa, giới tính, tôn giáo, chính trị. Tiếp đó, ứng dụng giúp người dùng có thể tìm những từ ngữ đắt giá trong sáng tác mà không thể tra từ điển.

"Dù vậy, con đường ngắn nhất đến thành công là đi đến nhà sách, nhà sách ở đây có thể là trên youtube, sách nói hay các bậc tiền nhân đi trước có kinh nghiệm dày dặn,... Khi chúng ta đi đến được những nhà sách vĩ đại đó để học hỏi, nghiên cứu và tổng hợp lại thì thành công sẽ đến dễ dàng hơn", oanh nhân Lê Đăng Khoa đưa ra góp ý với các bạn đọc trẻ tại cuối buổi giao lưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao lưu 'ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO