Giao lưu gắn bó

Trần Hữu Thăng 07/07/2021 09:00

Con người ta từ khi chào đời đến khi tạm biệt cõi đời này đều cần đến kỹ năng giao lưu, gắn bó để tồn tại trong cuộc sống nhân sinh.

Lúc đến, đơn độc, cô đơn.

Lúc đi, đơn độc, cô đơn.

Chỉ còn đoạn giữa, hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại, phong lưu hay vất vả, tất cả đều nhờ cả vào kỹ năng sống biết giao lưu, gắn bó.

Từ một cá nhân đơn lẻ, ta nhờ cha mẹ mà lớn lên. Nhờ xã hội mà được ăn học thành người. Rồi lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái ta có gia đình nhỏ trong đại gia đình. Nhiều gia đình thành xã hội. Tất cả, tất cả đều nhờ có “chất keo giao lưu, gắn bó”. Ai thiếu chất keo sinh mạng này thì không biết cuộc sống sẽ ra sao. Chắc sẽ là từ vất vả, khó nhọc trở lên.

Ở nước ta, cách đây gần 100 năm, trong cuốn sách dạy làm người “Luân lý giáo khoa thư” có viết một bài học về giao lưu gắn bó rất đơn giản, dễ hiểu, ai đã đọc một lần sẽ nhớ mãi, nhớ suốt đời. Bài học đó là: Có một người cha thấy các con trong gia đình hay cãi nhau, ghen tỵ, chia rẽ, nên ông đã tập họp các con lại và đưa cho mỗi người một chiếc đũa tre, bảo họ bẻ đi. Ai cũng bẻ gẫy đũa một cách dễ dàng. Người cha lại lấy đũa bó lại thành một bó 6 chiếc rồi đưa cho các con xem ai có thể bẻ gẫy 6 chiếc đũa đã thành bó đó. Chịu, không ai đủ sức bẻ nổi. Người cha kết luận: “Các con cũng như những chiếc đũa, chia rẽ thì rất dễ bị bẻ gẫy, còn gắn bó lại thì chả ai làm gì được các con”. Bài học ấy đã đưa ra một câu thành ngữ để đời: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Giao lưu là có sự tiếp xúc và trao đổi qua lại giữa hai dòng, hai luồng khác nhau. Thí dụ: Giao lưu văn hóa Đông-Tây. Giao lưu giữa nghệ sỹ và khán giả. Giao du là đi lại, có quan hệ bạn bè quen biết với nhau. Thí dụ: Giao du với nhiều hạng người. Giao du rộng. Giao thiệp là tiếp xúc, có quan hệ xã hội với người nào đó, thường là trong công việc làm ăn. Thí dụ: Giao thiệp rộng”.

Vậy mục đích của giao lưu, giao du, giao thiệp là gì? Rõ ràng là muốn kết thân, kết bạn, gắn bó với đối tác, đối tượng mà ta quan tâm theo đuổi, muốn kết bạn, muốn làm quen vì những mục đích khác nhau.

Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Gắn là: 1/ Làm cho hai khối dính chặt vào nhau. 2/ Làm cho cố định ở một vị trí nhất định. 3/ Để cài, dính vào nhau. 4/ Làm cho có quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau. Gắn bó là có quan hệ hoặc làm cho có quan hệ về tinh thần, về tình cảm khó tách rời nhau. Thí dụ: Gắn bó với quê hương. Tình yêu gắn bó họ với nhau”.

Như vậy, con người từ cô độc, đơn lẻ, nhờ có giao lưu gắn bó mà ta có thêm bạn, thêm người thân thích. Triết gia Jacques Délille (1738 – 1813) đã nói rất đúng: “Vận may tạo nên cha mẹ chúng ta, nhưng chỉ nhờ có sự lựa chọn ta mới có được bè bạn”.

Rõ ràng phải có kỹ năng giao lưu, gắn bó, kỹ năng lựa chọn. Sự lựa chọn này dựa vào lý trí của con người, đôi khi cũng phải nhờ đến trái tim mách bảo. Chả thế mà tác giả Pierre Lecomte du Nouy (1883 – 1947) đã hướng dẫn: “Trong cuộc sống hàng ngày, khi giao lưu với đồng loại, con người phải sử dụng lý trí của mình, nhưng nếu họ biết nghe theo con tim thì họ sẽ phạm ít lỗi lầm hơn”. Theo lời dạy bảo của Nouy, ta phải biết dùng lý trí để có một tư duy phản biện trong giao lưu gắn bó. Nhưng vì ta và bạn ta, đối tác của ta cũng đều là con người bằng xương bằng thịt, nên thế nào cũng có lúc lầm lỗi hay có dấu vết của tham, sân, si. Trái tim sẽ dạy ta cách bao dung, cách “làm bạn thiệt mình” để duy trì cái lớn lao hơn cho cuộc đời mình. Rồi dần dần người bạn cũng tỉnh ngộ ra, hiểu ra. Lúc đó tình bạn càng thêm sắt son, gắn bó và khó bị đổ vỡ.

Triết gia Paul de Kock (1793 – 1871) đã dạy chúng ta một kỹ năng, một cách thức để duy trì tình bạn lâu dài, đó là: “Cái cách hay nhất để duy trì tình bạn là không bao giờ để họ nợ một tý gì và cũng chẳng bao giờ mình phải nợ họ”. Đây chính là cách nhìn minh bạch để soi thấu mọi ngõ ngách của giao lưu gắn bó. Cái gì cũng nên công khai, sòng phẳng, có lý có tình thì sẽ duy trì được mọi mối quan hệ. Nói theo cách dân gian là “Tiền nong sòng phẳng, ái tình phân minh”. Nếu được như thế thì quá tốt, dẫu có lúc phải chia tay thì cũng minh bạch, trong sáng. Ở các nước phương Tây, sau các vụ ly hôn, người đàn ông và đàn bà không hận thù gì nhau nếu kinh tế của mỗi bên đều được công khai, minh bạch trước khi cưới. Phần lớn do phân chia tài sản không minh bạch, có bên chịu thiệt thòi nặng nên việc kiện tụng mới kéo dài, có khi gây nên cả vụ án hình sự. Phân tích qua như thế mới thấy rõ lời dạy của Paul de Kock có ý nghĩa thực tế, rất thiết thực cho ta áp dụng công thức sòng phẳng minh bạch trong mọi mối giao lưu gắn bó.

Trong kỹ năng giao lưu gắn bó để lựa chọn bạn bè, đối tác dù ngắn ngày hay dài ngày cũng nên tham khảo ý kiến rất chuẩn sau đây của nhà triết học Mỹ - Benjamin Franklin (1706 – 1790): “Khi chọn bạn hãy từ từ, khi thay bạn càng phải từ từ hơn”. Đây quả thực là một lời căn dặn đầy lý thú và đầy tính thực tiễn. Cả hai mục đích chọn bạn và bỏ bạn đều cần hết sức thận trọng, tránh bốc đồng, tránh “phổi bò” mà phải lãnh hậu quả tai hại. Vồ vập quá lúc ban đầu để rồi lại lạnh lẽo quá lúc chia tay, rồi lại ân hận, thành ra trước khi hành xử phương án nào trong “giao lưu gắn bó” ta đều phải tự hỏi mình 3 lần cho mỗi câu hỏi: Đã nên kết thân chưa? Đã nên chia tay chưa? Nếu thấy chưa thỏa đáng, đừng làm gì vội. Nhớ kỹ lời người Pháp cổ dặn dò: “Uốn lưỡi 7 lần rồi hãy nói”.

Cũng tương đồng với cách suy nghĩ của Franklin, nhà triết học danh tiếng Thomas Fuller (1608 – 1661) cũng đã cảnh báo chúng ta: “Sự quen biết đột ngột đem lại sự hối hận về sau”. Chúng ta đang sống trong thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, nhưng lời dạy của các tiền nhân vẫn còn nguyên giá trị thời sự của nó. Chúng ta định “giao lưu gắn bó” trên online, vừa nhanh, vừa tiện, vừa đỡ mất thì giờ tiếp xúc. Nhưng kết quả của những vụ lừa đảo, lừa tình, lừa tiền trên online là có thật. Có người phải tự sát, có người bị giết, có người tan cửa nát nhà từ tỷ phú phút chốc ra vỉa hè chỉ vì tin vào những thông tin trên mạng viễn thông mà quên mất những hệ lụy, những mặt trái của những “trí tuệ nhân tạo” này mang lại.

Tất cả những diễn giải ở trên cho thấy lợi ích to lớn của giao lưu, gắn bó trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt, cần thận trọng, khôn khéo trong giao lưu gắn bó để tránh những hệ lụy về sau.

Khép lại bài viết, nhớ tóm tắt lời dặn dễ hiểu của Tinh hoa cổ học phương Đông: “Hoa chẳng kết trái thì đừng trồng vô ích/ Người bạn vô nghĩa thì đừng nên kết giao” (Bất kết tử hoa hưu yếu chủng/ Vô nghĩa chi bằng thiết mạc giao).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao lưu gắn bó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO