Giáo sư Ca Văn Thỉnh: Nhà trí thức cách mạng uyên thâm và đức độ

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 15/02/2018 14:00

Giáo sư Ca Văn Thỉnh là thủ lĩnh của Đoàn Thanh niên Tiền Phong – thành viên của Mặt trận Việt Minh, là Ủy viên Ủy ban Liên Việt toàn quốc, là đại diện của Mặt trận Việt Minh – Liên Việt Trung ương tại miền Nam Trung bộ, là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 1955 khi tổ chức này mới được thành lập; là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam sau khi thống nhất ba tổ chức Mặt trận năm 1977.

Giáo sư Ca Văn Thỉnh: Nhà trí thức cách mạng uyên thâm và đức độ

Giáo sư Ca Văn Thỉnh.

Về chính quyền, giáo sư là Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946), là thế hệ cán bộ ngoại giao đầu tiên của nước ta.Ca Văn Thỉnh sinh ngày 21/3/1902 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Thành Hóa, nay là xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cầy Bắc, tỉnh Bến Tre. Ông là con thứ tư trong một gia đình đông con.

Năm 17 tuổi, do thông minh và chăm học, ông thi đậu bằng thành chung và được cấp học bổng lên Sài Gòn học trường trung cấp sư phạm.

Là một thanh niên thích hoạt động xã hội, trong những năm học ở Sài Gòn, ông tham gia phong trào thanh niên Cao Vọng, nhờ đó có điều kiện được nghe, tiếp xúc và đọc những bài của chí sĩ Nguyễn An Ninh viết trên báo “Tiếng Chuông rè” (La Cloche Fê Lêe). Sự kiện đó đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của ông sau này.

Những năm 1925 – 1927, Ca Văn Thỉnh theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương ở Hà Nội, cùng khóa với Đặng Thái Mai, Phạm Thiều, Tôn Quang Phiệt v.v… và cùng tham gia các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên.

Vốn say mê văn học và có khiếu về lĩnh vực này, trong thời gian học, ông viết bài cho nhiều tờ báo trong đó có vở cải lương “Bầu nhiệt huyết” nói lên tài năng và lòng yêu nước của danh nhân, nhà văn hóa Nguyễn Trãi, song bị thực dân Pháp ra lệnh cấm diễn.

Năm 1928 tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ông trở về quê hương và được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Bến Tre.

Từ 1928 đến 1945 ông sống tại Bến Tre, vừa dạy học, vừa tham gia các phong trào yêu nước, vừa đi sâu nghiên cứu văn hóa, văn học Nam Bộ.

Ông đặc biệt quan tâm đến lịch sử con người Nam bộ, trong đó có những nhân vật tiêu biểu như: Võ Trường Toản, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu v.v… Giỏi tiếng Pháp, thạo Hán Nôm, ông có điều kiện đi sâu khảo sát các tài liệu cổ ở trong nước cũng như ở Trung Hoa, ở Pháp. Nhờ đó, những bài viết của ông được giới trí thức đánh giá cao.

Tuy chưa có điều kiện để trực tiếp đến với cách mạng, với Đảng lãnh đạo, song ông dứt khoát không hợp tác với kẻ thù.

Tháng 3/1945 khi Nhật – Pháp bắn nhau, được đọc bài “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” trên tờ Cứu Quốc, ông vội lên Sài Gòn gặp gỡ Thủ lĩnh thanh niên Tiền Phong của các tỉnh về dự Lễ Tuyên thệ ở Vườn Ông Thượng (nay là Vườn hoa Tao Đàn) do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chủ trì.

Tháng 6/1945 với sự giới thiệu của hai đồng chí Phạm Ngọc Thạch và Kha Vạn Cân, Ca Văn Thỉnh được cử làm Thủ lĩnh thanh niên Tiền Phong – thành viên nòng cốt của Mặt trận Việt Minh.

Ngày 25/8/1945, Ca Văn Thỉnh huy động Đoàn thanh niên Tiền phong cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền về tay mình ở Bến Tre. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh kiêm Ủy viên Ủy ban Liên Việt Nam bộ.

Ngày 20/3/1946 ông được lãnh đạo khu 8 cử tham gia đoàn đại biểu Nam bộ ra Hà Nội báo cáo tình hình miền Nam và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đoàn do đồng chí Đào Văn Trường – Trưởng khu 8 – nguyên là cán bộ khởi nghĩa Bắc Sơn được Trung ương bổ sung cho Nam bộ làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn có: Ca Văn Thỉnh - Ủy viên Ủy ban kháng chiến – hành chính Bến Tre; Lê Thị Tài – giáo viên dạy tiếng Pháp tại trường trung học tỉnh, Hội trưởng Hội phụ nữ cứu quốc tỉnh, người bạn đời của Ca Văn Thỉnh; Nguyễn Thị Định – người trẻ nhất trong Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh; bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và một cán bộ của Ủy ban tỉnh là đồng chí Tư Minh.

Đoàn xuất phát từ cửa biển Bến Tre ra Phú Yên bằng tàu đánh cá nghi trang. Đi được nửa đường thì đồng chí Lê Thị Tài bị bệnh tim, buộc phải ghé vào Phan Rang để đồng chí ở lại đó, còn đoàn tiếp tục lên đường. Đến Phú Yên, Đoàn được tướng Nguyễn Sơn tiếp đón và bố trí để Đoàn ra Hà Nội bằng tàu hỏa…

Đến Hà Nội đoàn được Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận quan tâm chăm sóc, đặc biệt được Bác Hồ tiếp đón ân cần.

Do yêu cầu, Trung ương giữ đồng chí Ca Văn Thỉnh và đồng chí Trần Hữu Nghiệp ở lại miền Bắc và phân công đồng chí Trần Hữu Nghiệp cùng bác sĩ Vũ Văn Cẩn lo xây dựng ngành quân y, còn đồng chí Ca Văn Thỉnh sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, được phong hàm giáo sư cùng với các đồng chí Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh v.v…

Tháng 12/1946 toàn quốc kháng chiến. Giáo sư Ca Văn Thỉnh tha thiết xin Trung ương cho trở lại miền Nam chiến đấu. Được Trung ương cho phép, ông về Phú Yên và được bổ nhiệm làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến miền Nam. Sau đó, ông được điều động đến Bình Thuận với tư cách đại diện của Mặt trận Việt Minh – Liên Việt Trung ương tại miền Trung kiêm Hiệu trưởng trường kháng chiến Thái Văn Lung.

Năm 1952, giáo sư chuyển về Nam bộ đảm nhận chức Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ kiêm Ủy viên Ủy ban Liên Việt Nam bộ.

Sau Hiệp định Giơnevơ, ông tập kết ra Bắc và được phân công về Bộ Ngoại giao, được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á. Năm 1956 ông được cử làm Tổng lãnh sự của nước ta tại Indonesia. Tháng 7-1959 làm đại diện thương mại của Chính phủ tại Campuchia. Sau một thời gian nâng lên làm Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Campuchia.

Ngày 14/10/1966, ông được giao nhiệm vụ tiếp quản Viện Viễn Đông Bác Cổ, giám đốc Thư viện Khoa học Trung ương.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ở tuổi 73 song rất “trí tuệ”, giáo sư được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Khoa học xã hội miền Nam, đại diện Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, ông có mặt khá sớm: Là thành viên của Mặt trận Việt Minh, ngay từ những ngày chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, là Ủy viên Ủy ban Liên Việt toàn quốc, là đại diện của Việt Minh – Liên Việt Trung ương tại miền Trung.

Khi đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tập kết ra Bắc, Giáo sư tham gia vào Ban vận động thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trở thành Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1955).

Sau 1975, tại Đại hội thống nhất ba tổ chức Mặt trận của hai miền: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc – dân chủ và hòa bình Việt Nam thành một tổ chức duy nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo sư lại được cử vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong những năm qua, đã có nhiều bài báo của các nhân vật có tên tuổi thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực viết về Giáo sư Ca Văn Thỉnh; Mặt trận Trung ương cũng từng tổ chức tọa đàm trong các Hội đồng tư vấn về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Mọi người đều thống nhất với nhận định: “Cả cuộc đời vì dân, vì nước của một trí thức cách mạng uyên thâm và đức độ”.

Ông là trí thức cách mạng mẫu mực, một đảng viên cộng sản kiên trung với ý thức tổ chức cao, nghiêm chỉnh chấp hành vô điều kiện mọi sự phân công của Đảng.

Ông là một nhà giáo đầy tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Như ông đã từng tâm sự: Làm giáo dục thời Pháp thuộc rất khó cho dù mình muốn khơi dậy lòng yêu nước trong học sinh. Sau Cách mạng tháng Tám, tham gia vào ngành giáo dục, ông mới có điều kiện thực hiện những ấp ủ của mình về sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

Giáo sư còn là nhà Nam bộ học hàng đầu của Việt Nam, là một trong những người đầu tiên đi sâu nghiên cứu dòng văn hóa yêu nước Nam bộ với những hiểu biết sâu sắc về văn học, văn hóa và con người Nam bộ. Nhiều nhà sử học lớn của Việt Nam đánh giá và đưa ông vào danh sách những nhà sử học danh tiếng nhất của Việt Nam.

Tuy quyền cao, chức trọng, danh tiếng lớn, song cả đời Giáo sư đã sống một cuộc sống thanh bạch, để lại một gương sáng về “trung với nước, hiếu với dân”, về “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư” như Hồ Chủ tịch đã căn dặn.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, giáo sư đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện: Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết, Thành công, Thành công, Đại thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư Ca Văn Thỉnh: Nhà trí thức cách mạng uyên thâm và đức độ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO