Giáo sư Phong Lê: Đọc, đi, nghĩ, viết

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện) 16/07/2021 16:09

Một buổi sáng mùa hạ, GS Phong Lê - chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại, tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng nhỏ ngập tràn sách báo ở làng Võng Thị, ven Hồ Tây (Hà Nội).

GS Phong Lê.

Thi thoảng, tôi vẫn gặp GS Phong Lê trong một số sinh hoạt văn nghệ ở Hà Nội. Lần nào nghe ông phát biểu, cũng nhận ra đó là một trái tim ấm nóng, luôn đồng hành và rung động với những thăng trầm của nền văn học Việt Nam hiện đại. Dù biết, GS Phong Lê sinh năm 1938, nghĩa là năm nay ông đã bước qua tuổi bát tuần. Cái tuổi ấy, người ta có quyền nghỉ ngơi. Nhưng trời cho ông còn sức khỏe, còn minh mẫn, vì thế, vẫn thấy ông đăng đàn ở nơi này, nơi khác, nhất là ông vẫn đảm đương được nhiệm vụ Chủ tịch Hội Kiều học. Đặc biệt, trong những sự kiện kỷ niệm 100 năm sinh của các nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng làm nên một “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam được tổ chức thời gian gần đây, thì những báo cáo đề dẫn của GS Phong Lê bao giờ cũng gây sự chú ý, vì nó vừa tình cảm, vừa góp phần dựng lại một cách sắc sảo, sống động những chân dung văn hóa ấy. Nghĩ về ông, tôi luôn nhớ đến hình ảnh một người cả đời lao động chữ nghĩa cặm cụi, miệt mài, đầy trách nhiệm.

Thấu hiểu bài học nhân sinh qua chân dung văn hóa

PV:Thưa GS Phong Lê, hôm qua, trước khi gọi điện thoại cho ông, tôi cũng khá băn khoăn vì không biết ở tuổi 83 sức khỏe ông thế nào, nhất là vào những ngày thời tiết thay đổi thế này, lại là khi dịch bệnh bủa vây. Nhưng rất vui là vẫn được nghe giọng nói hào sảng của ông, đặc biệt, ông không từ chối tham gia cuộc trò chuyện này…

GS Phong Lê: Đúng là thời tiết cũng có ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là với những người già. Vì thế, tôi cũng hẹn anh tới buổi sáng, cho mát mẻ hơn. Chứ buổi chiều, phòng làm việc của tôi nóng lắm, khó mà ngồi để trò chuyện được. Tôi cũng xác định, đến tuổi này, sống thêm ngày nào “lãi” ngày đó, làm được việc gì thì làm ngay, không chần chừ. Mấy hôm nay tôi đang hứng thú và cảm động vì cuốn sách “90 chân dung văn hóa, văn chương Việt” vừa được NXB Trẻ ấn hành rất trang trọng. Tôi nghĩ, đây là một trong vài cuốn sách cuối đời của tôi. (Cười).

Vâng, tôi cũng có nghe nói đến cuốn sách này, nó được ví như một cuộc tổng duyệt về các chân dung văn hóa Việt Nam. Tôi cứ tò mò, vì sao ông chốt chọn 90 gương mặt?

- Tôi có hai bậc thầy, cũng là hai nhà phê bình lớn, đồng thời là bậc tiền bối của tôi ở Viện Văn học. Đó là nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan và nhà phê bình Hoài Thanh. Hai bậc thầy này, người viết “Nhà văn hiện đại” chọn 79 nhà văn, một người viết “Thi nhân Việt Nam” chọn 45 nhà thơ. Còn tôi, ở sách này, tôi chọn 90 nhà văn, nhà văn hóa là đối tượng tôi có hạnh phúc được đọc, được khảo sát, được chiêm nghiệm trong suốt hành trình nghề nghiệp, kể từ năm 1960 là năm tôi vào nghề, ở Viện Văn học.

Con số 90, nó vừa thể hiện sự hứng thú riêng, nhưng cũng bộc lộ sự giới hạn của tôi: chỉ có thể đến với 90 tên tuổi. Còn nhiều, rất nhiều tên tuổi khác cũng rất tiêu biểu, rất sáng giá, rất đáng tôn vinh nhưng tôi đành… lỡ hẹn.

GS Phong Lê cho rằng, ông viết các chân dung nhà văn, nhà văn hóa Việt Nam không phải để muốn xưng tụng, mà qua mỗi tác giả để thấu hiểu những bài học nhân sinh và nghề nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình.

Thưa GS, có thể là ông chưa viết thôi, chứ ông vẫn dẻo dai và thông tuệ lắm. Tôi nghĩ, là một chuyên gia nghiên cứu văn học đương đại, chắc chắn ông cũng đã đọc, hoặc có quan tâm đến một số tác giả xuất hiện, gây dư vang trong vài ba chục năm gần đây?

- Đúng vây! Tôi vẫn đọc, và rất ấn tượng với một số tác phẩm của các nhà văn: Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư… Trong cuộc “tổng duyệt” như anh vừa nói, tôi cũng nhận ra sự bất cập của mình, khi tôi chưa thể ôm xuể những tên tuổi tiêu biểu như Đỗ Chu, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy… trong văn; Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Anh Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu… trong thơ. Đồng thời cũng đành phải để trống rất nhiều tên tuổi hiện đang đóng vai trò chủ lực làm nên gương mặt văn chương Việt Nam thời Đổi mới và hội nhập như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều… thuộc thế hệ 5X; Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Y Ban… thuộc thế hệ 6X.

Con số 90, 95, hoặc 100, hoặc 150 gương mặt tiêu biểu của văn hóa, văn chương - học thuật Việt Nam, đó là điều tùy thuộc vào quan niệm và cách chọn của mỗi người. Đây chỉ là cách chọn phù hợp với cái vốn đọc, vốn nghĩ, vốn hiểu, sự yêu mến, và cả những hạn chế của riêng tôi. Qua 90 chân dung, tôi đều có chủ ý hoặc mong muốn khai thác cho được một hoặc vài khía cạnh có ý nghĩa, trước hết đối với bản thân mình, nhằm qua họ mà thấu hiểu những bài học nhân sinh và nghề nghiệp trước các yêu cầu và thử thách của hoàn cảnh. Tôi viết không phải để muốn xưng tụng, mà qua mỗi tác giả để nói về cuộc đời.

Cố gắng viết hết khả năng của mình

Thưa GS Phong Lê, năm 2020, cũng như năm nay 2021, có nhiều nhà văn, nhà văn hóa được kỷ niệm 100 năm Ngày sinh. Năm ngoái, là các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Xuân Sanh… Năm nay có nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Tế Hanh, nhà văn Trần Đăng… Tôi cũng gặp trong công trình của ông, những tên tuổi góp phần quan trọng làm nên một “thế hệ vàng” của văn chương Việt Nam thế kỷ XX. GS có thể đưa ra một vài đánh giá, hay kỷ niệm về một số nhà văn mà ông đã có dịp nghiên cứu sâu? Liệu ông có một nhận định nào mới chăng, về một trong những gương mặt mà năm nay, chúng ta sẽ tưởng nhớ?

- Mấy chục năm qua, ở nhiều khúc, nhiều đoạn, tôi đã dành ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và viết bài nhân các hội thảo, lễ tưởng niệm các nhà văn, nhà văn hóa làm nên một “thế hệ vàng” của văn chương, văn hóa Việt Nam. Trong thời gian tôi làm Viện trưởng Viện Văn học (1989-1995), có tới 25 hội thảo tôi chủ trì, và được viết bài về cuộc đời, sự nghiệp của các bậc đi trước. Đó là Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng… Và gần đây, như anh vừa nhắc, đó là Tô Hoài, Kim Lân, Võ Quảng, Quang Dũng, Tế Hanh… Mỗi người, khi viết, tôi cố gắng viết hết khả năng và những tri kiến của mình.

Ông có kỷ niệm gì với nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Quang Dũng không ạ?

- Tôi không có kỷ niệm với nhà thơ Tế Hanh và nhà thơ Quang Dũng, vì tôi nghiên cứu văn xuôi nhiều hơn. Tôi biết và đọc nhà thơ Quang Dũng rất nhiều. Nhưng kỷ niệm sâu sắc thì cũng không có. Khi viết về Quang Dũng, tôi viết bằng tất cả sự thương cảm của tôi. Đó là một thân phận thơ rất tài năng và gặp nhiều trắc trở…

Thường ông viết bằng sự nghiên cứu văn bản học của mình hay nảy ra cảm hứng từ những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc bên ngoài?

- Có những nhà văn, thậm chí thế hệ nhà văn, mình gần gũi, thân thiết. Chẳng hạn như nhà văn Hoàng Trung Thông. Tôi được làm việc cùng ông trong 10 năm ở Viện Văn học và ngót 50 năm biết Hoàng Trung Thông vì ông là đồng hương xứ Nghệ. Đấy là một nhà thơ nổi tiếng mà từ tuổi học trò, tôi đã thuộc bài thơ “Bao giờ trở lại” và “Bài ca vỡ đất”. Hay nhà văn Ma Văn Kháng cũng là người tôi vô cùng thân thiết, ít nhất là trong vòng gần 30 năm nay. Nhưng khi viết, thì bao giờ tôi cũng bắt đầu bằng sự đọc. Không chỉ đọc tác phẩm, mà đọc tất cả những gì liên quan đến tác giả đó…

Thưa ông, tôi hỏi ông điều ấy, cũng là để muốn ông lý giải rõ hơn, cái sự gặp gỡ tương giao với các nhà văn, nhà văn hóa, và trường hợp không gặp gỡ, thì có ảnh hưởng, tác động gì đến thao tác viết nghiên cứu của ông không?

- Có chứ. Sự gặp gỡ tương giao quan trọng lắm. Chất lượng trí tuệ, cảm xúc trong bài viết là sự hội tụ của nhiều yếu tố. Trước hết là đọc. Càng đọc khi còn trẻ, thì càng nhớ rất lâu. Văn chương Nam Cao, Thạch Lam tôi đọc từ trẻ. Sau này có những người mình có duyên hạnh ngộ, có những kỷ niệm sống, thì nó bồi đắp cho bài viết rất nhiều. Những kỷ niệm sống, kỷ niệm viết sẽ tụ lại thành một văn bản, mang dấu ấn riêng của anh.

Nói thật với GS, đôi khi, tôi có những băn khoăn, không biết sự gần gũi, thân quen ấy có chi phối việc nhà nghiên cứu đưa ra những nhận định, thậm chí ý kiến phản biện, thì liệu họ có bị giới hạn gì không ạ?

- Tôi nghĩ là có, nhưng ít thôi. Mình cứ mạnh mẽ đưa ra quan điểm của mình. Nhưng đừng nghĩ rằng quan điểm của mình sẽ được tất cả mọi người đồng ý. Trong phê bình thường nhật, tôi có lúc cũng vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng khi viết về 90 chân dung văn hóa, văn chương Việt Nam, thì tôi chưa thấy có ý kiến phản đối. Khi viết, tôi cố gắng tìm một “đại lộ chung”. Cứ sử dụng hết khả năng của mình, và tôi cũng không ngại va chạm với ai cả. Tôi từng nêu nhận định thế này: “Đọc Nam Cao, thấy tiểu thuyết cứ như là tự truyện. Đọc Tô Hoài, lại thấy tự truyện cứ như tiểu thuyết”.

Ông vừa nhắc đến nhà văn Nam Cao - tác giả mà ông đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu. Ở thời điểm này, GS Phong Lê đánh giá như thế nào về sự nghiệp văn học của Nam Cao?

- Trong tất cả các tác giả trước năm 1945, tôi đặc biệt tâm đắc và đánh giá cao Nam Cao. Nam Cao là nhà văn sống một cách rất nghiêm túc và có những suy nghĩ sâu sắc. Từ 2 tiểu thuyết, 2 áng văn bất hủ của Nam Cao là “Chí phèo” và “Sống mòn”, Nam Cao đã khái quát rất giỏi về thân phận những con người. Một là số phận của người nông dân bị tha hóa, thứ hai là bi kịch của một anh trí thức sống mòn. Những bài viết đầu tiên của tôi hồi mới về Viện Văn học là về Nam Cao. Sau đó, đến năm 2014 thì tôi hoàn thiện cuốn “Nam Cao, sự nghiệp và chân dung”. Tôi gắn bó với Nam Cao, bởi qua Nam Cao, tôi chiêm nghiệm được nhiều điều ở đời.

Thế còn về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì sao, thưa ông?

- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa mất hồi tháng 3 năm nay, đám tang ông rất đông bạn bè ở các giới, trong đó có nhiều bạn bè văn nghệ. Điều đó cho thấy phần nào sức ảnh hưởng của ông với nền đời sống đương đại, trong đó có văn học. Đánh giá đời văn Nguyễn Huy Thiệp thật khó để nói ngắn gọn. Vì ông không chỉ có truyện ngắn mà còn có tiểu thuyết, tiểu luận, kịch…

Tôi vẫn cho rằng, Nguyễn Huy Thiệp là một người viết vẫn còn nhiều “bí ẩn” nhưng không dễ khám phá… Nhưng Nguyễn Huy Thiệp không phải là “ca” được tất cả chấp nhận. Bản thân tôi, tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp có những mặt rất được, nhưng có mặt thì còn chạm phải cái lương tri con người. Gần đây có rất nhiều bài viết đề cao Nguyễn Huy Thiệp, nhưng cũng còn cả những ý kiến khác…

Cần một đội ngũ phê bình sống được bằng nghề

Thưa GS Phong Lê, trước khi dấn sâu vào con đường nghên cứu văn học, ông có thời gian làm công tác phê bình văn học. Từ quan sát của mình, ông bình luận thế nào trước ý kiến cho rằng, trong phê bình văn nghệ hiện nay, có dòng phê bình “dĩ hòa vĩ quý”, “phê bình thù tạc”?

- Tôi không dám nhận mình là nhà phê bình. Tôi là người làm nghiên cứu kết hợp phê bình, và có tới 40 năm đi giảng dạy nữa. Tôi chỉ xuất hiện với tư cách nhà phê bình trên báo chí khoảng 30-40 năm trước. Về sau này, tôi muốn có một quãng lùi. Bây giờ, tôi muốn tổng hợp lại để nghiên cứu, tức là cái chạm mặt với phê bình hiện nay thì tôi không làm được nữa. Mỗi người, có một cái thời của người ta mà thôi, không ai “bao sân” được.

Nhưng tôi muốn nói điều này, thời trước, thế hệ chúng tôi chỉ có 4 nơi để công bố bài viết của mình. Đó là tuần báo Văn học, tạp chí Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Văn học… Bây giờ, trời ơi, quá nhiều báo chí, chưa kể là rất nhiều trang mạng có thể đăng tải, công bố. Do đó, mặc niên phê bình báo chí được đưa lên hàng đầu. Nhưng là báo chí nên bài vở thường phải ngắn, và nội dung được đề cập chủ yếu là những vấn đề thích hợp với đời sống chính trị, xã hội nhiều hơn là đời sống văn chương. Việc bàn thảo chung quanh một tác phẩm hay, hoặc có chuyện để bàn, thường rất hiếm - kể cả trên các báo của các hội nghề nghiệp, hoặc các viên nghiên cứu. Theo tôi, đó chính là nguyên cớ cho sự im ắng, tẻ nhạt của đời sống phê bình.

Bây giờ, trong số những nhà nghiên cứu phê bình trẻ, ông nhận thấy gương mặt nào có thể quan tâm, kỳ vọng?

- (Lắc đầu) Tôi không trả lời được câu hỏi này.

Chắc là ông ngại đụng chạm thôi chứ tôi biết, hàng ngày ông vẫn đọc sách báo và đọc rất nhiều nguồn thông tin khác. Ông vẫn sử dụng email, sử dụng iPad để cập nhật thời sự và đời sống văn nghệ mà?

- Thật ra mà nói, tôi cũng không dám nhắc đến tên ai, vì như tôi đã nói, ai cũng có thời của mình. Thời của tôi đã “xong”, nhiều người đã về thiên cổ. Trong tư cách của mình, tôi chỉ có thể nhắc đến những gương mặt cùng thời của mình, đó là GS Phan Cự Đệ, GS Hà Minh Đức, GS Phương Lựu, GS Trần Đình Sử…

Nhưng quả thực, trước câu hỏi của anh, thì tôi cũng phải thành thật thế này: Tôi chưa thấy những tấm gương nào theo kiểu ngày xưa tôi nhìn thấy ở nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan, hay Hoài Thanh để tôi ngưỡng mộ. Điều này không có nghĩa tôi phủ định phong trào đâu nhé. Xin tránh cho tôi sự chê bai. Nhưng sự tiếp cận thời sự của tôi có phần hạn chế. (Cười).

Chứ không phải do đội ngũ phê bình của chúng ta yếu và thiếu, thưa ông?

- Không phải. Ý tôi muốn nói, bây giờ là thời của phê bình báo chí. Phê bình báo chí đang có gương mặt chủ đạo. Nhưng phê bình chuyên nghiệp là ai, và ở đâu thì quả thật cũng rất khó tìm. Vẫn có một lực lượng viết phê bình của các viện nghiên cứu, các khoa văn, khoa văn hóa, khoa học xã hội, rồi của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhưng sự xuất hiện của họ còn lẻ tẻ, rời rạc, vì họ vẫn còn nhiều việc khác phải làm, để làm. Như thế, cái gọi là phê bình chuyên nghiệp rất đang hồ nghi.

Muốn chấn hưng cho phê bình trở về với tính chuyên nghiệp của nó, theo tôi, cần một đội ngũ yêu nghề, tinh thông về nghề và sống được bằng nghề.

Đời ai mà suôn sẻ được

Thưa GS Phong Lê, mỗi người đều có niềm vui và nỗi buồn riêng của mình. Nhất là khi tuổi đời càng cao, chứng kiến càng nhiều. Tôi muốn biết phương châm sống của ông là gì?

- Năm nay tôi sắp bước vào tuổi 84 rồi, nhưng cố gắng thực hiện “3 quên”: Quên bệnh tật, quên thù giận và quên tuổi tác. Tiếp đó là quên hận thù, và không thù giận. Tôi cố gắng sống tử tế và thân thiện với mọi người, và như anh thấy, tôi cố gắng tránh đưa ra những nhận xét, phán xét người khác. Vì biết rằng, bên cạnh mặt được, cố nhiên ai cũng có mặt chưa được. Bản thân tôi, tôi cũng thấy mình còn nhiều hạn chế. Và, cái quên thứ ba, đó là quên thời gian, quên tuổi tác. Đây là cái vô cùng khó.

Phương châm sống của tôi luôn luôn là: Đọc, đi, nghĩ, viết. Tôi đọc, rồi tôi phải đi, dù đi không nhiều lắm so với nhiều người, nhưng nghĩ là chính. Rồi viết và viết. Sau này còn nói nữa - nói tức là đi giảng.

Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng là bậc thầy của tôi. Ông có câu mà tôi rất tâm đắc, đại ý thế này: Muốn nắm hiểu một vấn đề gì thì phải viết về nó. Vì thế, tôi cứ cắm cúi viết. Tôi đang viết hồi ký “Tôi chọn nghiệp viết”. Tôi muốn kể lại cuộc đời viết có vinh có nhục của mình. Đời ai mà suôn sẻ được. (Cười).

Khi ngồi lại viết hồi ký, ông có ân hận về một đoạn dấn thân nào của mình không?

- Tôi không có ân hận nào. Về mọi phương diện. Tôi có cảm giác mình gặp may nhiều hơn. Nhưng rất vất vả. Tôi tuổi Dần (1938), tuổi ấy vất vả. Lấy công làm lãi. Không ít “lên bờ xuống ruộng” nhưng không đánh mất bản thân để luôn mình được là mình. Tôi không dám chắc có ai chịu được nghề vất vả như tôi đã trải. cứ cắm cúi, cắm mặt suốt ngày. Viết và viết. Sao lãng, làm tội vợ con. May mà tôi có gia đình như thế, thì mới làm được.

Trân trọng cảm ơn GS Phong Lê!

Tôi nghĩ thế hệ sau sẽ đề cao cái tôi cá nhân. Mình là cá biệt, mình là độc đáo. Nhưng riêng tôi, tôi luôn có những bậc thầy của mình. Đó là Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan... Mặc dù mỗi người có những trầm luân của họ. Nhưng tôi rất tôn trọng cách tìm đường của họ- GS Phong Lê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư Phong Lê: Đọc, đi, nghĩ, viết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO