Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng: Một trí thức Việt Nam tiêu biểu

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam) 01/11/2017 17:15

“Giáo sư Nguyễn Văn hưởng là thầy thuốc, là chiến sĩ, nhà bác học, người tiêu biểu cho giới trí thức miền Nam. An nhàn, phú quý nào cũng không thể vướng chân, người trí thức xông thẳng vào hy sinh, gian khổ, quyết tâm đi theo Cụ Hồ về hướng giành độc lập, tự do, đất nước giàu mạnh, đồng bào hạnh phúc” (Lời phát biểu của giáo sư Trần Văn Giàu nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ tại buổi họp mặt chúc mừng sinh nhật lần thứ 85 của giáo sư Nguyễn Văn Hưởng).

Nguyễn Văn Hưởng sinh ngày 22/12/1906 tại xã Mỹ Chánh (nay là xã Mỹ Hiệp) huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang) trong một gia đình Nho giáo. Lên 5 tuổi, mẹ mất vì bệnh dịch tả, 10 ngày sau đến ông nội, rồi bà nội lần lượt qua đời cũng vì căn bệnh quái ác trên.
Cha lại đi làm ăn xa nên từ 10 tuổi, Hưởng đã phải sống cuộc đời tự lập.

Lúc nhỏ, anh trọ học ở Cần Thơ. Lớn lên, anh học trung học ở Mỹ Tho (Tiền Giang) rồi lên Sài Gòn học tú tài toàn phần tại trường Chasseloup Laubat.

Năm 1927, anh thi đỗ vào trường đại học y khoa Hà Nội. Ở Hà Nội học xong 4 năm, anh được chuyển tiếp học thêm hai năm ở Paris –Thủ đô hoa lệ của nước Pháp và năm 1932 anh bảo vệ thành công luận án bác sĩ.

Năm 1933, Nguyễn Văn Hưởng về nước và vào làm việc tại Viện Pasteur Sài Gòn. Sau 6 năm làm việc tại Viện, năm 1939, do bất bình trước thái độ phân biệt đối xử của Giám đốc người Pháp, ông thôi việc, ra mở phòng mạch có phòng xét nghiệm tư. Đây là phòng khám có kèm phòng xét nghiệm đầu tiên ở Sài Gòn và cũng là đầu tiên ở nước ta.

Cũng từ năm đó, ông tham gia hoạt động trong các hội quần chúng và sau đó là các hội cứu quốc do Việt Minh tổ chức.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử làm thành viên của Hội đồng cố vấn Ủy ban nhân dân Nam bộ Kiêm trưởng ban y tế và bào chế của Sở y tế Nam bộ.

Sau ngày 29/3/1945, ngày Nam bộ kháng chiến, ông cùng gia đình tản cư về An Giang. Tháng 10/1945 theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, ông trở lại Mỹ Tho nhận nhiệm vụ. Tại đây, ông cùng các đồng nghiệp chế tạo thành công huyết thanh chống uốn ván và nhiều loại vắc-xin phòng bệnh, những thứ đang rất cần cho chiến khu và các vùng giải phóng.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc ngày 6/1/1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội tại Long Xuyên.

Sau Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, theo sự phân công của tổ chức, ông trở về Sài Gòn mở phòng mạch và làm nhiệm vụ cung cấp thuốc men và dụng cụ y tế cho chiến khu và cứu chữa cán bộ, chiến sĩ bị thương khi hoạt động tại Sài gòn.

Đầu năm 1947, theo chủ trương của Trung ương, Nam bộ tiến hành Đại hội thành lập Ủy ban Mặt trận Việt Minh Nam bộ để chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ. Tham dự lễ thành lập có đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Đảng dân chủ, các Hội cứu quốc của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, đại biểu các tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng được mời dự vào sự kiện trọng đại đó. Đại hội đã bầu đồng chí Hà Huy Giáp làm Chủ nhiệm, đồng chí Trần Bạch Đằng làm Tổng Thư ký, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là Ủy viên Thư ký.

Nhân Đại hội, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ ra Lời kêu gọi viên chức, trí thức đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, sẵn sàng rời bỏ bộ máy ngụy quyền ra bưng biền tham gia kháng chiến.

Thượng tuần tháng 4/1947, Cao ủy Pháp là Bô-la đọc diễn văn tại thị xã Hà Đông, không công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngày 19/4/1947, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa ra Tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn và thương lượng với Pháp nhưng Pháp làm ngơ vì đang chuẩn bị đưa Bảo Đại về lập chính phủ quốc gia. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, để tỏ rõ sự ủng hộ của mình với kháng chiến, 2 luật sư Vương Quang Nhường và Trịnh Đình Thảo nhận nhiệm vụ thảo bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trong đó khẳng định: “Dân tộc Việt Nam đã tồn tại từ lâu đời, có quyền hưởng độc lập và tự do.

Chính phủ Hồ Chí Minh do nhân dân Việt nam bầu ra trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là Chính phủ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân Việt Nam…”

Bản Tuyên ngôn kêu gọi Chính phủ Pháp mở lại các cuộc thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để chấm dứt chiến tranh.


Có một quỹ học bổng mang tên Nguyễn Văn Hưởng được thành lập nhằm giúp đỡ cho sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, cán bộ y tế tình nguyện phục vụ vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: e-News).

Đúng dịp kỷ niệm lần thứ 57 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Luật sư Vương Quang Nhường, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng cùng một số nhân sĩ, trí thức tiêu biểu trao tận tay Cao ủy Pháp ở Đông Dương E. Bô-la tuyên ngôn trên với trên 400 chữ ký của trí thức Sài gòn. Khi tuyên ngôn không được đáp ứng, nhiều trí thức rời bỏ Sài Gòn ra bưng biền chiến đấu. Đốc phủ xứ Phan Văn Chương – Đô trưởng Sài gòn ra Đồng Tháp làm Đổng lý Văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng được điều lên chiến khu nhận nhiệm vụ Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ kiêm Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam bộ.
Ngày 3/7/1953, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Ông tập kết ra Bắc và lần lượt được giao các trọng trách:

Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Nam bộ đi dự Hội nghị Châu Á tại New Dehli, Giám đốc Bệnh viện 303, Giám đốc Viện Vi trùng học, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông y kiêm Vụ trưởng Vụ Đông y, Chủ nhiệm bộ môn Đông y nay là khoa y học cổ tuyền Đại học Y khoa Hà Nội.

Trong bản tham luận đầu tiên đọc trước Quốc hội năm 1956, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đề xuất Chính phủ cần khẩn trương lập bệnh viện Đông y, mở trường đại học Đông y, tổ chức bào chế thuốc Nam, nghiên cứu thuốc Nam và thành lập Hội Đông y. Những kiến nghị của ông được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận và dần dần trở thành hiện thực. Và ông là người có công lớn trong việc thực hiện phương châm Đông – Tây y kết hợp.

Tháng 1/1957, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa I, ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội Khóa II (1960-1964) và Khóa III (1964-1971)

Tháng 3/1964, ông được Quốc hội bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế thay Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ngoài chiến trường. Năm 1971, do bị tai biến mạch máu não trong lúc đang đi công tác, ông phải nghỉ việc để điều trị, bác sĩ Vũ Văn Cẩn thay ông làm Quyền Bộ trưởng. Bệnh tình của ông lúc đó là khá nặng: liệt nửa người, cấm khẩu. Với nghị lực phi thường, do kiên trì luyện tập kết hợp phương pháp chữa bệnh cổ truyền với y học hiện đại, sau 3 năm ông đã phục hồi sức khỏe hầu như hoàn toàn và được tổ chức phân công làm cố vấn cho Bộ trưởng mới về y học cổ truyền dân tộc từ năm 1975 đến năm 1983.

Với kinh nghiệm đã có trong quá trình tự rèn luyện, tự điều trị, ông tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Phương pháp dưỡng sinh, tổ chức ứng dụng cho hàng vạn người cao tuổi, trở thành nội dung quan trọng trong cuộc vận động “Người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội” kéo dài suốt 20 năm.

Công trình “Phương pháp dưỡng sinh” đã được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996) và được Bộ Y tế dùng làm sách giáo khoa giảng tại các trường Đại học y khoa, các trường trung cấp y tế và các khóa điều dưỡng viên.

Đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc ông là Ủy viên Ủy ban Liên Việt toàn quốc từ ngày thành lập 29/5/1946 và tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 10/9/1955, ông được bầu làm Ủy viên Ban thường trực Ủy ban TWMTTQ VN.

Sau Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận tháng 2/1977, giáo sư Nguyễn Văn Hưởng được cử vào Đoàn Chủ tịch. Ông còn là Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á – Phi của Việt Nam.

Giáo sư bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là một trí thức lỗi lạc, tiêu biểu của đất nước. Cả cuộc đời tận tụy với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, nhân dân. Ông đã được phong Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1)…

Ông ra đi ngày 4/8/1998 thọ 93 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng: Một trí thức Việt Nam tiêu biểu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO