Giấy báo tử ghi 'hy sinh' nhưng không được công nhận liệt sỹ?

Tùng Duy 21/07/2022 09:01

Trung đội trưởng Lê Hữu Tuân (quê Phú Lộc, Phù Ninh, Phú Thọ) được xác nhận hy sinh năm 1950 trong kháng chiến chống Pháp, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sỹ.

Ông Lê Văn Huân (em trai của “Liệt sỹ Lê Hữu Tuân”) nay đã cao tuổi, vẫn đau đáu hy vọng người anh trai đã hy sinh sẽ được công nhận là liệt sỹ.

Quân nhân Lê Hữu Tuân sinh năm 1922, quê ở Phú Thọ, nhập ngũ tháng 7/1946 vào chiến khu Việt Bắc. Trong 1 lần bị địch phục kích, ông Tuân và một số đồng đội đã hy sinh. Gia đình sau đó nhận được Giấy báo tử trận và thư chia buồn của Tỉnh đội Yên Bái. Giấy báo tử trận ghi rõ: “Quân nhân Lê Hữu Tuân hy sinh ngày 15/12/1950. Chức vụ Trung đội trưởng. Nơi hy sinh và chôn cất tại Mường Kim - Than Uyên - Yên Bái. Lý do hy sinh: Bị địch đánh úp”.

Ông Lê Văn Huân (sinh năm 1949) - em trai của quân nhân Lê Hữu Tuân cho biết, khi Nhà nước bắt đầu thực hiện đãi ngộ với người có công, lúc đó mẹ của quân nhân Lê Hữu Tuân còn sống và vẫn nhận tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước đến khi bà mất. Gia đình vẫn nghĩ rằng ông Lê Hữu Tuân là liệt sỹ. Hàng năm vào dịp 27/7, địa phương vẫn đến thăm hỏi, động viên… Nhưng sau này gia đình làm đề nghị hưởng trợ cấp thờ cúng hàng năm thì mới biết ông Tuân không phải là liệt sỹ?

Sau nhiều năm tìm hỏi, đơn thư, gõ cửa nhiều cơ quan, và được chính quyền địa phương hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục liệt sỹ, năm 2018, gia đình nhận được văn bản trả lời của Phòng Chính sách - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ: “Ông Lê Hữu Tuân đã được xác định là quân nhân từ trần nên không đủ điều kiện đề nghị xác nhận liệt sỹ. Lý do là trong sổ theo dõi quân nhân từ trần do Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Phú Thọ đang quản lý có tên ông Lê Hữu Tuân và các thông tin cá nhân đều trùng khớp. Theo đó, căn cứ vào Nghị định 31/2013 của Chính Phủ quy định không xem xét xác nhận liệt sỹ đối với những trường hợp chết từ ngày 31/12/1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động”. Bộ Chỉ huy Quân sự (Bộ CHQS) tỉnh Phú Thọ cũng ra nhiều văn bản trả lời công dân và giữ nguyên quan điểm “Trường hợp của ông Lê Hữu Tuân không đủ điều kiện đề nghị xác nhận là liệt sỹ”.

Tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết được biết, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ đã cung cấp cuốn sổ theo dõi quân nhân từ trần do Sở đang quản lý. Sổ có tên ông Lê Hữu Tuân, ghi rõ quê quán, ngày nhập ngũ, ngày từ trần, và tên của mẹ ông Tuân. Tuy nhiên đây là cuốn sổ ghi chép theo dõi nên không có chữ ký, con dấu xác nhận của cơ quan chức năng nào. Sở đã đề nghị Cục Người có công - Bộ LĐTBXH tra cứu hồ sơ. Ngày 26/11/2020, Cục có văn bản trả lời: “Qua tra cứu danh sách liệt sĩ đang lưu tại Cục Người có công không có tên Liệt sỹ Lê Hữu Tuân”.

Ngoài cuốn “Sổ theo dõi quân nhân từ trần” có tên ông Lê Hữu Tuân, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ không có giấy tờ, văn bản nào khác chứng minh ông Tuân là quân nhân từ trần. Còn Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ lại cho rằng trong sổ này có tên ông Lê Hữu Tuân thì đây là cơ sở pháp lý xác định ông Lê Hữu Tuân là quân nhân từ trần.

Mộ phần của “Liệt sỹ Lê Hữu Tuân” tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Phú Lộc, Phù Ninh, Phú Thọ.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, gia đình ông Lê Văn Huân thể hiện không nhất trí với cơ sở pháp lý nói trên, và cho rằng nếu ông Tuân là quân nhân từ trần thì phải có quyết định bằng văn bản của cơ quan chức năng có thẩm quyền. “Sổ ghi chép quân nhân từ trần là cái có sau, giấy báo tử và thư chia buồn của Tỉnh đội Yên Bái là cái có trước. Gia đình tôi cũng đã cung cấp những giấy tờ này, thể hiện rõ anh trai tôi đã hy sinh, đã có công với đất nước” - ông Lê Văn Huân bức xúc.

Được biết, Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tra cứu hồ sơ lưu trữ. Ngày 26/4/2019, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái có công văn trả lời: “Qua kiểm tra danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, không có thông tin về ông Lê Hữu Tuân. Mặt khác, do thời gian đã lâu và qua sáp nhập, chia tách tỉnh nhiều lần nên các hồ sơ, tài liệu cũng như danh sách quân nhân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp không còn được lưu giữ đầy đủ”.

Ban chính sách - Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ và Cục Chính trị QK2 đã vào cuộc xác minh một lần nữa. Ngày 7/3/2022, Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị BQP đã có văn bản (số 410/CS-TBLS) trả lời: “Về trường hợp quân nhân Lê Hữu Tuân, giấy báo tử do Tỉnh đội Yên Bái cấp ngày 11/2/1951 không ghi nhận là “liệt sỹ” theo quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư số 202/2013/TT-BQP của Bộ Quốc phòng nên chưa đủ điều kiện đề nghị báo tử xác nhận liệt sỹ”.

Giấy báo tử không ghi là “liệt sỹ”, chỉ ghi là “hy sinh”, thì quân nhân tử trận không được coi là “liệt sỹ”? Liệt sỹ là danh hiệu nhà nước vinh danh nhằm tri ân những người đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Đó cũng là vinh dự và là niềm tự hào của mỗi gia đình thân nhân liệt sỹ. Giấy báo tử trận và thư chia buồn của Tỉnh đội Yên Bái gửi về cho gia đình quân nhân này, nên chăng là một cơ sở pháp lý để chứng minh trường hợp đã hy sinh vì Tổ quốc...

Liệt sỹ được xác nhận hay không, chúng tôi vẫn thắp hương tri ân

Sau bài viết phản ánh hành trình mòn mỏi gần 50 năm của một gia đình ở Phú Thọ đi kêu đề nghị xác nhận danh hiệu liệt sỹ cho trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Lượng hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Sau lễ truy điệu, thi hài của quân nhân Nguyễn Văn Lượng được đơn vị (E4-F324) bàn giao và an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Trường hợp quân nhân này không được công nhận là liệt sỹ vì “Sổ tuất quân nhân một lần” hiện lưu trữ tại Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ có ghi đã chi trả chế độ một lần (270.000đ) cho thân nhân gia đình. Tuy nhiên gia đình nói chưa hề ký nhận khoản tiền này. Phía Sở cũng không thể cho biết số tiền đã được trao như thế nào, trao cho ai, trao bao giờ, có ai ký nhận không...

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Bạch Thị Bích - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) nhấn mạnh: “Mộ phần đã ở trong nghĩa trang liệt sỹ thì đương nhiên chúng tôi coi đó là mộ liệt sỹ, và thường xuyên coi sóc, thắp hương tri ân”.

Còn bà Vũ Thị Thu Thiện - Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc (huyện Phù Ninh, Phú Thọ, nơi đặt mộ phần của “Liệt sỹ Lê Hữu Tuân”) cho biết: “Không chỉ cố gắng chăm lo, thăm hỏi những gia đình có công, gia đình thương binh, liệt sỹ, nhất là vào dịp 27/7, chúng tôi cũng luôn chu đáo coi sóc nghĩa trang liệt sỹ. Tất cả mộ phần trong nghĩa trang liệt sỹ là nơi an nghỉ của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, chúng tôi không phân biệt trong đó mộ nào là vô danh, có danh, có hài cốt hay không hài cốt, tất cả đều được thắp hương tri ân, kính trọng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấy báo tử ghi 'hy sinh' nhưng không được công nhận liệt sỹ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO