Giây phút đoàn viên của 3 thuyền viên từng bị cướp biển giữ

Hạnh Nguyên - Bắc Vũ 27/10/2016 11:20

“Mọi người đừng khóc, xin đừng khóc, con đã trở về mạnh khỏe, mong mọi người hãy vui lên…!”, đó là câu động viên được anh Nguyễn Văn Xuân (trú tại tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhắc đi nhắc lại khi gia đình, người thân đón anh trở về từ cõi chết.

Anh Nguyễn Văn Hạ trở về trong vòng tay của gia đình và người thân.

Chiều ngày 26/10, nghe tin hai thuyền viên Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Xuân (đều ở huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) trở về nhà sau 4 năm bị cướp biển Somalia bắt giữ, rất đông người dân địa phương đến chia vui cùng gia đình.

Đúng 19h chiếc xe chở thuyền viên về đến huyện Kỳ Anh. Có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn Hạ (trú tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) lúc này, chứng kiến niềm vui đoàn tụ của gia đình anh Hạ, nhóm PV chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.

Rất đông người dân đến đón anh Hạ trở về.

Anh Hạ bước xuống xe, trên tay bế đứa con trai út, rất đông người thân ùa đến ôm chầm lấy anh. Dường như ai cũng muốn được nhìn thấy và được ôm con người bằng xương bằng thịt vừa trở về từ cõi chết. Không chỉ người thân mà nhiều bạn bè, làng xóm đã bật khóc trước giây phút đoàn viên ấy.

Kìm nén sự xúc động, anh Hạ bước vào nhà thắp nén nhang cho tổ tiên và đứa cháu vừa mất cách đây ít tháng. “Suốt 4 năm, tôi luôn mong chờ giây phút này, được trở về nhà thực sự rất vui, rất hạnh phúc. Cảm ơn tất cả!”, anh Hạ bật khóc.

Bà Lê Thị Hòa không tin vào mắt mình, khi đứng trước bà là đứa con trai tưởng như đã chết.

Chị Bùi Thị Lệ (vợ anh Hạ) chia sẻ: “Mấy năm trời gia đình chúng tôi đứng ngồi không yên, lo lắng cho anh ấy rất nhiều. Giờ chồng tôi được trở về nhà đoàn tụ với gia đình, thật sự đến giờ tôi vẫn không thể tin...”.

Anh Hạ là con thứ 2 trong một gia đình có 4 người con. Cách đây hơn 6 năm chị gái anh Hạ đã bị giết hại khi đi xuất khẩu lao động tại Angola. Gia đình phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới có tiền đưa được thi thể chị về quê an táng. Để có tiền trả nợ, anh lại tiếp tục vay mượn sang Đài Loan xuất khẩu lao động.

Thế nhưng, nợ chưa kịp trả thì gia đình hay tin anh bị cướp biển bắt giữ. Nợ chồng nợ khiến gia đình anh lâm vào cảnh khốn cùng. Người cha già vừa thương nhớ con lại nợ nần chồng chất khiến ông đổ bệnh. Trong thời gian bị bắt, anh chỉ được bọn cướp biển cho gọi về nhà 2 lần để yêu cầu đóng tiền chuộc. Kể từ đó, người nhà không biết anh còn sống hay đã chết cho đến ngày 22/10 mới hay tin anh được thả tự do.

Không ai có thể cầm được nước mắt.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (em trai anh Hạ) nghẹn ngào: Từ khi anh trai bị cướp biển Somali bắt cóc, gia đình tôi xảy ra nhất nhiều tai ương khiến cho bố kiệt sức mà đổ bệnh. Mấy ngày nay, nghe tin anh Hạ được thả trở về, ông mới bắt đầu vui lên, lúc nào cũng hỏi “khi mô thằng Hạ mới về nhà”. Giờ anh về thật rồi, dù anh gầy và đen hơn trước nhưng anh vẫn khỏe mạnh và lành lặn là tốt rồi”.

Nói về cuộc tấn công của cướp biển Somalia vào tàu FV Naham 3, anh Hạ vẫn nhớ như in, đó là ngày 26/3/2012, chiếc tàu FV Naham 3 chở 29 người đang đánh cá trên biển bất ngờ bị cướp biển Somalia tấn công. Chúng dùng thang đột nhập rồi trói và bịt mắt tất cả thuyền viên và bắt thuyền trưởng lái tàu chạy về đất liền Somalia, khi gần đến bờ thì mới được mở mắt.

Sau cuộc tấn công, thuyền trưởng tàu FV Naham 3 tử vong, còn 26 thuyền viên trên tàu bị những tên cướp biển bịt mắt đưa về một nơi hoang vắng giam giữ suốt hơn 4 năm. Các thuyền viên này đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam.

Hơn 4 năm ở xứ người là một kí ức kinh hoàng đối với anh Hạ và các thuyền viên. Trong suốt thời gian bị cướp biển giam hãm, mỗi ngày một thuyền viên chỉ được cho 1 lít nước, nếu uống thì thôi tắm giặt; rằng phải ốm không lết dậy được nữa bọn nó mới cho 1 viên thuốc; mỗi lần đi vệ sinh đều phải xin phép, nếu bọn nó cho đi thì mới được đi, còn không thì đành chịu. Ở đó bọn anh không có lấy một bộ quần áo tử tế, chỉ dám lấy đồ vứt đi của bọn cướp để chắp vá đủ kiểu để mặc.... Anh Hạ vẫn thường đùa với mọi người rằng chắc ở nhà mọi người tưởng anh đã chết, chắc giờ được bát hương to lắm rồi...

Còn bây giờ, anh Hạ đã được về quê hương, được ăn bát cơm nhà và ở bên những người thân yêu nhất. Anh kể rằng tên của vợ anh là những dòng nước mắt (chị Bùi Thị Lệ), đã đến lúc anh bù đắp cho vợ và gia đình mình.

Cách đó không xa, ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Nguyễn Văn Xuân (trú tại tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chật ních người đến chia vui. Rất đông anh em, bạn bè hay tin đã đến để tận mắt nhìn thấy và chào đón anh trở về. Những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt của người thân, bạn bè dành cho thủy thủ Xuân.

Đón thủy thủ Nguyễn Văn Xuân là hàng trăm người thân, gia đình, bạn bè, làng xóm...

“Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Cái chết luôn rình rập, súng đạn vô tình, tôi và các thuyền viên còn lại chưa bao giờ dám nghĩ đến ngày trở về”, anh Xuân cho hay.

Mọi người vỡ òa hạnh phúc.

Tại xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), hàng trăm người thân, gia đình, bạn bè, làng xóm của thuyền viên Phan Xuân Phương cũng vỡ òa trong niềm hân hoan.

Trên chiếc xe lăn (do bị tai biến) mẹ của thuyền viên Phương là bà Lê Thị Hòa không tin vào mắt mình, khi đứng trước bà là đứa con trai tưởng như đã chết.

Lặng người một lâu, hai mẹ con nước mắt đẫm lệ. Bà chia sẻ: “Từ khi nghe tin con được cướp biển trả tự do, tôi và gia đình như không ngủ được, ngày nào người thân và làng xóm cũng đến hỏi thăm chia sẻ cùng gia đình. Mấy đêm nay tôi có ngủ được đâu, tối nay tôi sẽ ngủ cùng nó để cho đỡ nhớ”.

Cũng giống như người thân của thuyền viên Phương, làng xóm hôm nay như ngày hội, mọi người tập trung chỉ để nhìn thấy anh bằng da thịt, rồi cũng rưng rưng khi chứng kiến cảnh người thân ôm chầm lấy nhau.

Thủy thủ Phan Xuân Phương sẽ dành thời gian để bù đắp cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Quý (hàng xóm) nói trong vui sướng: “Tôi thương Phương một thì thương ông Linh bà Hoa mười, tưởng chừng mất đi đứa con trai… Vậy mà hôm nay nó trở về, nhìn ông bà Linh Hòa như trẻ lại, khỏe lên nhiều”.

Chia sẻ về chuyến xuất ngoại định mệnh của mình, anh Phương kể: Chúng tôi 26 người được bọn cướp biển nhốt cùng một chỗ, nhưng chúng lại chia những thuyền viên ở mỗi quốc gia một phòng riêng. 3 người Việt Nam chúng tôi được nhốt tại một phòng, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Lúc thì chúng nhốt chúng tôi ở trên một chiếc tàu đánh cá đã cũ, lúc thì chúng lại đưa chúng tôi lên bờ giam tại ngôi nhà hoang. Một ngày bọn cướp biển cho chúng tôi ăn 2 buổi, lúc thì ăn bánh mỳ, lúc thì ăn cơm, nước uống họ cũng cấp cho chúng tôi đầy đủ... Trong hơn 4 năm bị bắt giữ những thuyền viên chúng tôi hầu như không phải lao động. Mọi việc đều do cướp biển chu cấp...

Anh Phương cho biết, hiện tại chưa có dự tính gì cho tương lai, trước mắt là dành thời gian cho gia đình để bù đắp những tháng ngày mà vì anh, cha mẹ già phải lo lắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giây phút đoàn viên của 3 thuyền viên từng bị cướp biển giữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO