Giọng riêng của văn trẻ

NGUYỄN VĂN HỌC 24/03/2023 06:56

Trên văn đàn đang có một lực lượng nữ nhà văn trẻ “dấn thân theo cách của họ”. Rất nhiều cây bút khẳng định bản thân mình bằng lối đi độc đáo, và chỉ như thế, họ mới thấy mình thật là mình. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp mỗi cây bút có thể đi xa trên con đường văn chương đầy nhọc nhằn.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên (bên phải) trong một buổi ra mắt sách.

Tạo dựng sự khác biệt

Trước hàng trăm tác giả xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, để tạo dựng nét riêng biệt, có cá tính, sắc cạnh với mỗi cây bút là điều chẳng hề đơn giản. Nhưng nếu nhìn quá trình sáng tác của các nữ nhà văn như: Nguyễn Thị Kim Hòa, Bùi Tiểu Quyên, Hiền Trang, Phạm Thu Hà, Lữ Mai, Phương Huyền, Trần Quỳnh Nga, Nguyệt Chu, Nguyễn Thu Hằng, Thèn Thị Hương, Vũ Thị Huyền Trang, Phùng Thị Hương Ly… chúng ta đều có thể nhận ra những chất giọng riêng của họ.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.

Tôi đọc, quan sát nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh năm 1984) và nhận thấy sự dấn thân cũng như sự trưởng thành rất nhanh của chị. Từ năm 2009, Kim Hòa xuất hiện bằng những tản văn trên tập san Áo trắng, nhưng sau đó rất nhanh, cô đã chinh phục những giải thưởng viết cho thiếu nhi. Rồi cũng rất nhanh, Hòa thoát khỏi tư duy “văn học trò” và giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 2013-2014).

Kim Hòa sinh ra ở vùng đất Ninh Thuận trong một gia đình nghèo và cô phải cố gắng vượt lên số phận, thể trạng yếu ớt để được học, rồi tập viết văn. Dù chỉ còn cánh tay hoạt động bình thường, mà Hòa vẫn hoàn thành chương trình phổ thông với kết quả 12 năm xuất sắc. Học xong Cao đẳng, ra trường, đi làm ở TP Hồ Chí Minh được hơn một năm, nhưng do hoàn cảnh gia đình bắt buộc, Hòa quay trở về quê, mở lớp dạy học cho những trẻ em quanh vùng, đồng thời tự khám phá khả năng của bản thân bằng văn chương.

Cô viết nhiều về vùng đất Ninh Thuận, về những số phận, sự trăn trở của một cá tính trước cuộc đời bằng giọng văn sâu sắc, thâm trầm. Nhiều độc giả cũng nhận ra, sáng tác của Hòa biểu đạt nỗi vất vả của cuộc nhận diện mình của cô gái trẻ gặp nhiều trắc trở. Hòa bảo rằng, điểm chung của điều cô viết ra là hy vọng. Cô tin sức mạnh của hy vọng, như luôn tin vào ánh sáng của thiện lương. Trong đa số sáng tác, Hòa gửi gắm hy vọng của chính cô: Hy vọng vượt thoát khó khăn và hy vọng về con người.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa vừa nhận giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022. Tôi hỏi, giải thưởng này có tạo áp lực gì? Hòa trả lời: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận tặng thưởng hay giải thưởng nhờ văn chương, nên "áp lực" chắc là không có rồi. Chỉ có điều, giải thưởng lần này hơi khác. Không phải dành cho tác phẩm mới, mà cho hành trình sáng tác và bản thân người viết. Đặc biệt, lại được nhận giải cùng dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan. Nên tôi rất vui. Tôi luôn khâm phục chị Bích Lan. Với tôi, chị lúc nào cũng như một người chị thân yêu, như ngọn lửa ấm nhắc tôi về nghị lực sống, về tinh thần sáng tác và cả trách nhiệm của người cầm bút”.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên (sinh năm 1985), hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc làm báo năng động, Tiểu Quyên vẫn dành một góc tâm hồn cho những trang văn. Miệt mài, bền bỉ nhiều năm qua, Tiểu Quyên đã ra mắt gần chục đầu sách truyện ngắn và tạp văn. Cô vẫn luôn đồng hành cùng nhịp đập của đô thị nơi cô làm việc; những trang viết của cô và đồng nghiệp đã góp phần bồi đắp cho tâm hồn mỗi con người nơi cô đang sống, cả những ngày bình yên và trong những ngày nhiều biến động.

Bùi Tiểu Quyên cũng vừa ra mắt bộ sách tranh “Trường Sa! Biển ấy là của mình” (dành cho bạn nhỏ dưới 10 tuổi). Với bộ sách tranh này, Quyên chỉ mong rằng có thể kể cho các bé một câu chuyện về nơi đầu sóng, cho các con được tiếp cận và có hình dung ban đầu về Trường Sa.

Bùi Tiểu Quyên tâm sự thêm: “Ngày tôi còn bé, khi đọc bài thơ “Những cánh buồm của nhà thơ Hoàng Trung Thông, có đoạn: “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa/ Sẽ có cây có cửa có nhà/ Vẫn là đất nước của ta…”. Thuở ấy tôi đã không biết nơi xa khơi ấy là nơi nào, như thế nào…Khi đã là một người trưởng thành, có cơ hội đặt chân đến những hòn đảo của Tổ quốc cũng như quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam, tôi muốn kể với trẻ thơ về những nơi xa ngoài biển cả vẫn là đất nước của ta ấy. Để từ những hiểu biết, ấn tượng ban đầu, mai này các bé sẽ tự mình tìm hiểu và sẽ ngày càng yêu hơn biển đảo Tổ quốc mình”.

Sau tập truyện “Cà Nóng chu du Trường Sa” (dành cho bạn đọc từ 11 tuổi trở lên, in cách đây vài năm) và “Trường Sa! Biển ấy là của mình”, Tiểu Quyên nghĩ mình đã hoàn thành tâm nguyện (và còn là trách nhiệm) viết về nơi đầu sóng của mình. Trường Sa nói riêng và biển đảo nói chung vẫn còn khá thiếu vắng trong văn học, trong sách tranh dành cho trẻ nhỏ.

Dấn thân và mong rằng các nhà văn sẽ tiếp tục có thêm nhiều sáng tác về đề tài này, nhưng Bùi Tiểu Quyên cũng chia sẻ, cô không đặt nặng vấn đề “giới” trong việc viết lách và cũng chưa từng nghĩ đến yếu tố “so sánh hơn” khi nhắc đến khái niệm dấn thân của người cầm bút. Cô cho rằng, dù là nhà văn nữ hay nam, già hay trẻ đều có riêng những cánh đồng cho họ canh tác, cày xới và tạo nên những vụ mùa, những quả ngọt với giá trị rất riêng. Tiểu Quyên tin mỗi nhà văn đều có những thuận lợi và thử thách khác nhau. Và họ có thể đi một con đường dài hoặc một quãng ngắn với văn chương-tùy vào lựa chọn của mỗi người.

Tiểu Quyên cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan khác, nhưng với văn chương, cô luôn có thời hạn cho bản thân, có kế hoạch rõ ràng cho mỗi tác phẩm. Nhờ vậy nên mọi việc đều theo một guồng quay chủ động mà cô luôn có thể cân đối, điều chỉnh được cho phù hợp với thời gian và cả sức khỏe.

Thực chất, sự dấn thân của nhà văn, với người này là lao vào khám phá đời sống, đi thực tế, lăn xả trong những hành trình đi tìm chất liệu sáng tác… Với người khác lại là trải nghiệm, quan sát, nghiên cứu tư liệu… Mỗi người cầm bút đều có cách tiếp cận riêng với đề tài mà họ ấp ủ, sáng tác. Cho nên, sự dấn thân quan trọng và cần thiết nhất – với cả nữ và nam trong nghiệp văn – sau tất cả, đều chính là dấn thân vào trang viết của mình, sống với nhân vật/câu chuyện của mình, viết ra được những điều mình trăn trở, yêu thương, tâm đắc…

Văn chương đã đem lại điều gì?

Nhà văn Hiền Trang.

Hiền Trang thuộc thế hệ viết 9X, là người cá tính và có chất giọng rất riêng trong sáng tạo. Cô luôn luôn trau dồi kiến thức để làm giàu có kho tàng văn chương của mình.

Với cô, khi có nhiều vốn kiến thức, người viết sẽ tạo nên màu sắc khác lạ cho ngôn từ, đưa bầu không khí văn chương tiến xa và đa dạng hơn. Với Hiền Trang, văn chương cho cô cảm giác làm chủ một thế giới, cảm giác rằng mọi thứ đều có thể, cảm giác mình có thể vén màn để liếc nhìn cái đẹp dẫu chỉ là một thoáng.

Cô cũng tham gia một số cuộc thi và đạt giải thưởng. Các cuộc thi này đem lại cho cô nhiều điều, quan trọng hơn nữa là có thêm độc giả. Một số nhà văn, nhà báo, trí thức gạo cội mà Hiền Trang kính trọng cũng thử đọc tác phẩm, và viết lời bình tích cực về nó. Đó là điều vô giá đối với cô. “Tôi nghĩ mình đã may mắn hơn rất nhiều thế hệ phụ nữ khác, những người hẳn là có rất nhiều điều muốn kể nhưng họ đành phải trông cậy vào những người đàn ông kể hộ cho họ, và họ không thể nào kiểm soát được cách những người đàn ông kể câu chuyện đó. Còn giờ thì tôi có thể kể câu chuyện mà tôi muốn”, Hiền Trang nhấn mạnh.

Như nhiều cây bút nữ, với Nguyễn Thị Kim Hòa, khi mới bắt đầu sáng tác, cô dùng văn chương như liều thuốc tinh thần. Cô muốn thoát khỏi bức tường tù túng của hoàn cảnh sống, khỏi những mệt mỏi, lo lắng thường trực về sức khỏe. Chỉ cần cầm bút viết, cô được văn chương giải phóng.

Thực tế, qua sự dấn thân, những tác phẩm văn chương của các cây bút nữ đương đại giàu nhiệt huyết và sức trẻ đã và đang “sống” trong dòng chảy cuộc sống. Những trang viết dẫn các nữ nhà văn đi qua bao nhiêu khoảng không gian, thời gian, qua biết bao phận người. Nhiều người đi cùng văn chương càng nhận ra, văn chương giúp mình trưởng thành, biết sống chậm hơn, trân trọng những điều bình thường và có thể góp phần làm đẹp cho cuộc sống này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giọng riêng của văn trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO