Giữ bản sắc tờ báo Mặt trận

Đăng Ngọc (nguyên Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) 16/06/2021 14:00

Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận phải làm gì để ngang tầm nhiệm vụ, phục vụ đắc lực cho công tác Mặt trận? Đó luôn là nỗi trăn trở của Ban biên tập và anh chị em làm báo Mặt trận.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (đứng giữa). Ảnh tư liệu.

Có rất nhiều cuộc trao đổi, tranh luận tại Tòa soạn cùng cộng tác viên xung quanh chủ đề: “Làm thế nào báo Đại Đoàn Kết vẫn giữ được bản sắc và xác định cho rõ đối tượng phản ánh của báo trong giai đoạn đất nước đổi mới toàn diện này”. Nhiều bạn đọc ngỏ ý báo nên mời Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ là chủ nhiệm.

Chức danh này xưa kia đã có ở một vài tờ báo của Việt Nam, nhưng từ sau năm 1954 cho tới năm 1988 không cơ quan báo chí nào ở niền Bắc có chức danh này, báo của Mặt trận nên có chức danh này, vì vị trí và đặc thù của nó. Báo nên ghi ngay dưới măng-sét: “Chủ nhiệm-Luật sư Nguyễn Hữu Thọ”. Một người chủ nhiệm với tài năng, đức độ, có uy tín trong nước, quốc tế như luật sư Nguyễn Hữu Thọ thì vị trí tờ báo cũng được nâng cao, thu hút thêm nhiều cộng tác viên có tên tuổi và được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc. Ý kiến này được Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thạch báo cáo lên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thư ký của Mặt trận. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ rất đắn đo, suy nghĩ, nhưng rồi Chủ tịch cũng nhận lời đề nghị của Ban biên tập.

Báo Đại Đoàn Kết số 14, ra ngày 3/4/1989 dưới măng-sét có dòng chữ: “Chủ nhiệm: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ”. Số báo mở đầu này có bài viết của Chủ tịch-Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Thọ với tựa đề: “Tuần báo Đại Đoàn Kết đứng trước trách nhiệm mới” và có đoạn viết: “Báo Đại Đoàn Kết phải trở thành diễn đàn cho mọi người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước, phát biểu, trao đổi những nguyện vọng, ý kiến có thể khác nhau nhưng cùng chung một lòng mong muốn dành lại cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý niềm tự hào vẻ vang như đã từng có trong một thế giới đầy chuyển biến, một Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Chủ nhiệm mong muốn báo Đại Đoàn Kết phải “sớm xóa bỏ bao cấp trong báo chí” và kêu gọi “sự ủng hộ, chăm sóc của mọi người Việt Nam sống ở trong, nước ngoài để tờ báo thực hiện được nhiệm vụ nặng nề mà bạn đọc mong đợi, hy vọng”.

Cũng từ số báo dưới măng-sét có tên Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Thọ báo có đổi mới về nội dung, hình thức. Kiểu chữ măng-sét Đại Đoàn Kết được họa sĩ thiết kế lại là chữ in, mập, chắc, chứ không phải chữ viết thường-trắng nổi lên trên hình chữ nhật màu đỏ hoặc xanh... vẫn thường đặt ở góc trái tờ báo như trước. Năm 1989 việc sử dụng máy vi tính cho báo chí chưa phổ biến, nhưng Ban biên tập quyết tâm đổi mới hình thức tờ báo. Ban thư ký Tòa soạn phải đi xa để thuê chế bản vi tính. Tôi nhớ Chủ nhiệm căn dặn khi chuẩn bị cho số báo cải tiến: “Nếu có gì lệch phải chỉnh ngay”.

Sau số báo số 14 ấy, nhiều bạn đọc gửi thư về khen ngợi, nhưng không ít thư chê về hình thức. Tất cả những ý kiến của bạn đọc đóng góp, chúng tôi đều báo cáo với Chủ nhiệm. Chủ nhiệm nói: “Chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng, đổi mới không có nghĩa là bỏ những gì đã cũ. Cái cũ mà vẫn tốt, vẫn đẹp, được bạn đọc yêu thích ta vẫn phải sử dụng, điều cốt lõi vẫn là nội dung”.

Măng-sét với kiểu chữ mới ra được 6 số thì dừng lại và dùng lại măng-sét cũ (kiểu chữ như hiện nay), nhưng là màu trắng nổi trên hình chữ nhật, màu sắc thay đổi theo từng số báo.

Cũng từ đó nhiều thư bạn đọc gửi về đều gửi tới Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Thọ. Mỗi lần có thư bạn đọc tôi hay được Tổng biên tập bảo chuyển tới Chủ tịch-Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Thọ và báo cáo với bác những vấn đề gay cấn đang diễn ra trong cuộc sống; có khi thì thông qua, xin ý kiến Chủ nhiệm kế hoạch bài vở, những đề tài mà báo cần tập trung trong thời gian tới. Thời gian đó báo viết về những vụ tiêu cực, sau khi nghe chúng tôi báo cáo diễn biến vụ việc và báo đã đề cập tới ở góc độ, mức độ nào, Chủ nhiệm nói: “Các anh cứ làm, cái chính là vụ việc đưa lên báo phải chính xác, chứng lý đầy đủ, đúng luật để không ai bắt bẻ được. Tôi nghĩ không có vùng cấm trong báo chí”.

Tôi nhớ nhất lần đến mừng sinh nhật lần thứ 80 của Chủ tịch-Chủ nhiệm, ngày 10/7/1990. Đó cũng là thời gian báo Đại Đoàn Kết cải tiến được hơn 1 năm. Buổi mừng sinh nhật ấy lại trở thành buổi trao đổi về báo chí. Chúng tôi báo cáo với Chủ nhiệm về nạn “cường hào mới” đang diễn ra ở nông thôn miền Bắc, tình trạng mất dân chủ, bất bình đẳng, đơn thư của người dân bị chuyển vòng vèo đang trở nên phổ biến, Chủ nhiệm nói: “Báo phải làm mạnh, làm tới vấn đề mất dân chủ. Những vấn đề liên quan tới quyền công dân thì báo phải đề cập. Đó chính là khía cạnh thể hiện bản sắc của tờ báo Mặt trận. Báo phải “đứng mũi chịu sào”. Còn đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, báo phải chọn vụ, chọn việc mà phê phán. Nhưng phải có chứng cứ rõ ràng, không ai bắt bẻ được; lời lẽ thì nhẹ nhàng, không đao to búa lớn. Vì đây là báo Đại Đoàn Kết…”. Những lời căn dặn của Chủ nhiệm, chúng tôi luôn nghi nhớ và cố gắng thể hiện trên từng trang báo. Bạn đọc có thư khen trang Bạn đọc-Dân chủ-Pháp luật của báo, chúng tôi thường coi đó là một thành tích, một món quà để báo cáo với Chủ nhiệm, rằng: anh chị em trong Tòa soạn luôn cố gắng thực hiện những lời chỉ dẫn, căn dặn của vị Chủ tịch Mặt trận - Chủ nhiệm báo và bước đầu có kết quả.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức lớn, rất có uy tín với kiều bào ta ở nước ngoài. Mỗi lần gặp gỡ xin ý kiến, Chủ nhiệm thường nhắc chúng tôi: “Phải chú ý tới đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài, phản ảnh tốt trên báo những vấn đề mà kiều bào quan tâm, nói lên tiếng nói đóng góp cho Tổ quốc của họ cũng là tạo ra nét đặc sắc của tờ báo”. Mỗi lần có kiều bào về nước tới thăm Chủ tịch và có lời khen, lời chê về báo Đại Đoàn Kết, Chủ nhiệm thường điện cho chúng tôi biết. Có lần nhận được tài liệu, thư từ gửi từ nước ngoài về Tòa soạn, chúng tôi mang tới báo cáo, xin ý kiến Chủ nhiệm, nghe xong Chủ nhiệm nói: “Ở trong nước và trên thế giới đang diễn ra những cuộc đấu tranh quyết liệt về kinh tế, chính trị, quân sự; giữa tiến bộ và lạc hậu; giữa dân chủ và phi dân chủ; giữa đoàn kết và chia rẽ. Trong bối cảnh như thế mặt trận đoàn kết toàn dân của chúng ta không chỉ có tiếng nói đồng tình mà có cả tiếng nói khác biệt, tiếng nói đa dạng. Vấn đề quan trọng của Mặt trận là biết tập hợp, tôn trọng những ý kiến khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu là động viên lòng yêu Tổ quốc, quê hương của mọi người Việt Nam góp sức xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước”. Tôi cứ thầm nghĩ mãi đó chính là những suy nghĩ định hướng cho tờ báo của Mặt trận.

Những năm sau vì tuổi cao, sức khỏe giảm sút Chủ nhiệm về sống ở TP Hồ Chí Minh nên chúng tôi ít có điều kiện trực tiếp xin ý kiến, mãi tới năm 1992 khi tôi vào làm Trưởng ban thường trú của báo tại TP Hồ Chí Minh mới tới thăm Chủ nhiệm. Sau cái ôm thắm thiết, vị Chủ nhiệm hỏi ngay:“Báo dạo này phát hành có khá không? Đời sống anh em ra sao?”. Chúng tôi trả lời trong niềm xúc động. “Thưa bác, báo có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, tăng số lượng phát hành trên cả nước. Báo đã hạch toán thu đủ chi, có thể nói là sống được bằng sản phẩm của mình”. Chủ nhiệm cười rất tươi và nhắc lại: “Thế là sau bao nhiêu năm trăn trở, tìm tòi báo đã thoát được cái cơ chế bao cấp. Nhưng anh em phải chú ý phát hành nhiều hơn nữa. Trong này đi tới Mặt trận Tổ quốc tỉnh nào người ta cũng khen báo Mặt trận, nhưng lại không tìm mua được ở sạp”.

Chúng tôi hứa với Chủ nhiệm sẽ đẩy mạnh công tác phát hành ở địa bàn phía Nam. Rồi thi thoảng ông Phạm Văn Uyển, thư ký của Chủ tịch lại gọi điện bảo tôi tới báo cáo tình hình của báo với Chủ nhiệm, có lần Chủ nhiệm bảo: “Các báo trong này làm công tác xã hội giỏi lắm, báo ta làm công tác này chưa mạnh. Báo Mặt trận phải chú ý khắc phục nhược điểm này”.

Và suốt cuộc đời làm báo những năm sau đó, tôi không bao giờ quên câu nói Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hay nhắc đi nhắc lại: “Trách nhiệm xã hội của người làm báo rất lớn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ bản sắc tờ báo Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO