Giữ chân người lao động cách nào?

THANH GIANG 02/11/2021 07:48

Sau 4 tháng căng thẳng do dịch Covid-19 kéo dài, phần lớn các công ty khó đưa ra được câu trả lời cụ thể rằng họ có thể tăng lương cho nhân viên vào năm 2022 được hay không. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết, đang tập trung hỗ trợ tinh thần, chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2021 thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm 2021. Theo đó, người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nhất, với mức thu nhập giảm 13,5% so với quý trước. Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân giảm 13,2% so với quý trước.

TS Phạm Khánh Nam (Trường Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động khủng khiếp đến sức khỏe cộng đồng, gây gián đoạn việc làm và sinh kế của người dân ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp (DN) khó đưa ra được câu trả lời cụ thể rằng, họ có thể tăng lương vào năm 2022 cho nhân viên hay không. Bà Hoa Nguyễn - chuyên gia cao cấp dịch vụ Tư vấn nhân sự và Khảo sát lương theo phương pháp Mercer, Talentnet Corporation thông tin, về lương thưởng, 3,4% DN nước ngoài và 2,2% DN Việt Nam dự kiến không tăng lương cho nhân viên.

Đại diện Talentnet Corporation cho rằng, dịch Covid-19 đã thúc đẩy các DN phải điều chỉnh các chính sách nguồn nhân lực. Trong đó, chính sách lương thưởng sẽ là một trong những trụ cột chính tạo nên lợi thế cạnh tranh cho DN trong bối cảnh bình thường mới. Song việc có tăng lương hay không được các DN cân nhắc kỹ do những tác động tiêu cực từ đại dịch.

Đề cập đến lương thưởng và chăm lo đời sống cho người lao động, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định: “Vốn dĩ bình thường DN đã phải chăm lo đến đời sống của công nhân: như thu nhập, trợ cấp,… Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh đòi hỏi DN phải công khai, công bố những chế độ ưu đãi. Tất nhiên chế độ chính sách này phải cao hơn bình thường. Ví dụ, tiền ăn ca cao hơn, đặc biệt nếu làm thêm giờ sẽ được hưởng 170%, thay vì 150% như trước đây, và các khoản hỗ trợ khác nữa”.

Ông Tiến cho rằng, DN cần phải có những chính sách thu hút, hấp dẫn người lao động. Về lâu về dài thì tiền lương, thu nhập phải cao hơn hiện nay. Vì ngoài trang trải cuộc sống, người lao động cũng cần có tích lũy, dư dả.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu như không thể tăng lương cho người lao động, DN cũng nên chăm lo đời sống tinh thần, phúc lợi xã hội, như vậy người lao động mới gắn bó lâu dài.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Sao Việt cho biết: “Đảm bảo và chăm lo cho đời sống nhân viên là một trong những vấn đề được công ty quan tâm đặc biệt. Ngoài lương cơ bản, hoa hồng từ thành quả kinh doanh, nhân viên còn nhận lương tháng 13, thưởng xuất sắc cuối năm, tham gia các hoạt động ngoại khoá như đi du lịch, tham quan… và được tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ”.

Tương tự, ngoài vấn đề lương thưởng, Công ty Schneider Electric Việt Nam chủ động gia tăng sự hiện diện của lãnh đạo và tăng cường kết nối với nhân viên thường xuyên hơn, kể cả khi khó khăn. Thay vì, chỉ khen ngợi và vinh danh thành tựu hàng quý, trong suốt mùa dịch, công ty thường xuyên tổ chức các buổi ghi nhận, khen thưởng và khích lệ những nhân viên đã đồng hành và có đóng góp vào sự phát triển của tổ chức.

Hay tại Nestlé Việt Nam, khi thấy nhân viên nhà thầu trong căng tin mệt sau tiêm vaccine, giám đốc nhà máy Đồng Nai cùng ban lãnh đạo xắn tay áo, tự mình vào bếp chuẩn bị bữa ăn cho hơn 400 nhân viên tại đây. Cũng nhờ sự sâu sát đó, Nestlé Việt Nam đã tổ chức được các hoạt động sản xuất tốt trong điều kiện phòng, chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ chân người lao động cách nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO