Giúp phụ nữ Khmer tự lực, tự chủ nâng cao chất lượng cuộc sống

T. Hợp 09/06/2023 07:00

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tân, Châu Thành (Sóc Trăng) đã chú trọng tập hợp phụ nữ dân tộc Khmer vào tổ chức hội cũng như triển khai hiệu quả các hoạt động của Hội, nhằm tạo điều kiện giúp phụ nữ Khmer xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mô hình chăn nuôi bò đã giúp đời sống nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc Khmer nâng cao thu nhập.
Mô hình chăn nuôi bò đã giúp đời sống nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc Khmer nâng cao thu nhập.

Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện nhiều cách làm hay và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm huy động sức mạnh cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia hoạt động hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), chăm lo an sinh xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong đó, Phú Tân là xã có đông đồng bào Khmer, chiếm gần 80% dân số. Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng ủy, sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền, các ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của hội cấp trên, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực tham gia vào các phong trào phụ nữ và hoạt động hội. Tuy đa số phụ nữ địa phương không phải là lao động chính trong gia đình nhưng hầu hết chị em đều có vai trò quan trọng, bao quát toàn bộ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình. Do đó, hội chú trọng đến công tác tập hợp phát triển hội viên ngày càng đông về số, mạnh về chất. Thông qua các hoạt động họp tổ, họp nhóm, tổ chức họp mặt, tọa đàm... Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tạo nhiều phong trào vui tươi, sôi nổi, phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tập hợp hội viên.

Hiện toàn xã có 1.621 hội viên, trong đó, có 1.265 hội viên người Khmer, đạt 78,03%, số hội viên thường xuyên sinh hoạt đạt 85%. Từng chi hội chọn lựa những nội dung sinh hoạt ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và tâm lý của chị em, đa số các chi hội đều tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng (Việt và Khmer), giúp chị em dễ hiểu, từ đó đã thu hút được đông đảo phụ nữ tham gia.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tân còn triển khai các mô hình cho vay vốn, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Hội phát động phụ nữ Khmer phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ngay trên phần đất của gia đình. Những cách làm này không chỉ giúp chị em dân tộc Khmer áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước mở rộng các hình thức sản xuất mới, nâng cao thu nhập gia đình mà còn giúp chị em được tiếp thu nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tân tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự tự giác thực hiện của toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ để xây dựng, giữ vững và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM tại địa phương. Trong đó, phấn đấu đưa 100% chị em trong độ tuổi vào tổ chức hội, đa dạng hóa các hình thức hoạt động, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động để có nhiều kênh thông tin giúp chị em nâng cao nhận thức, tự chủ, tự lực, tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, đời sống và vận động gia đình tham gia vào các phong trào của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp phụ nữ Khmer tự lực, tự chủ nâng cao chất lượng cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO