Gỡ điểm nghẽn logistics cho nông sản

THANH GIANG 20/12/2022 06:40

Logistics yếu kém đang cản trở tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung - cầu lệch nhau, khó khăn trong tiêu thụ, phân phối sản phẩm.

Các chợ đầu mối nhập hàng hóa từ các tỉnh vào TPHCM. Ảnh: Thanh Thanh.

Liên kết yếu khiến cung - cầu khó gặp nhau

TPHCM hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu nông sản của người dân thành phố, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Tính riêng thời điểm Tết Nguyên đán 2023, TPHCM có nhu cầu tiêu thụ 370.000 tấn rau củ quả, 450.000 tấn thủy sản, 230.000 con heo... Tuy nhiên, thành phố tự đáp ứng khoảng 20% sản lượng rau củ quả, còn lại nhập từ các tỉnh, nhiều nhất là Lâm Đồng với sản lượng đến 60%. Với mặt hàng thủy sản, thành phố cũng tự đáp ứng khoảng 15%, còn lại nhập từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Còn với mặt hàng thịt heo, thành phố tự đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu, 40% do Đồng Nai cung ứng, còn lại là các tỉnh Tây Ninh, Long An. Bên cạnh đó, rất nhiều mặt hàng khác như gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm... TPHCM cũng phụ thuộc vào nguồn cung của các tỉnh lân cận.

Thực tế cho thấy, việc cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm của các địa phương có thế mạnh về sản xuất nguyên liệu và TPHCM không theo một chuỗi liên kết. Các địa phương tự sản xuất những sản phẩm nào mà địa phương có ưu thế, còn TPHCM thiếu gì thì tự tìm mua. Cũng chính vì “mạnh ai nấy làm” nên tại tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 45%. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, quy mô nhỏ, trang thiết bị, công nghệ chế biến chưa hiện đại, tỷ lệ rau quả đưa vào chế biến rất thấp, chỉ từ 5 - 8%. Đặc biệt, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao 10 - 20%, trong đó tổn thất sau thu hoạch đối với rau 15 - 20%, quả 10 - 15%. Nguyên nhân là do chưa có nhà đầu tư đủ mạnh để đầu tư hệ thống nhà máy chế biến, kho vận, logistics...

Ông Nguyễn Công Luân - Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương TPHCM) cũng cho biết hiện nay phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại hoạt động riêng lẻ, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương nên chậm trễ, chi phí tăng cao. Có thể thấy, dịch vụ logistics liên kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm đang là nút thắt trong sự tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, hạ tầng logistics vừa thiếu, vừa yếu khiến chi phí tăng cao. Do đó, chuỗi dịch vụ logistics về liên kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm đang là một nút thắt cản trở lợi thế phát triển nguyên liệu của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, hiện đồng bằng sông Cửu Long chỉ sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam và hệ thống kho lạnh được phân bố nhiều nhất ở Long An, Cần Thơ, Hậu Giang.

Gỡ điểm nghẽn trong phân phối

Ngoài ra, yếu tố dịch vụ logistics cản trở phân phối sản phẩm, nhiều quan điểm cho rằng, nhiều vùng nguyên liệu thiếu cơ sở thông tin dữ liệu để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, chất lượng sản phẩm chưa ổn định... Việc mua bán chủ yếu qua trung gian, phụ thuộc rất lớn vào thương lái thu mua.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nhấn mạnh, để phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thì cần tháo gỡ hai điểm nghẽn. Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung để kết nối các địa phương sản xuất nguyên liệu và TPHCM. Dữ liệu này sẽ thể hiện, doanh nghiệp thành phố cần tiêu thụ nguyên liệu nào, số lượng bao nhiêu. Còn nơi sản xuất nguyên liệu sẽ biết là mình sản xuất mặt hàng nào, bán cho ai, sản lượng bao nhiêu? Khi cung - cầu gặp nhau sẽ giải quyết được tình trạng được mùa mất giá vẫn tồn tại trong suốt thời gian qua. Thứ hai, về tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đang ở mức rất cao tại các vùng nguyên liệu do khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém vì rất thiếu hệ thống kho lạnh. Hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu khiến chi phí logistics rất cao, trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng.

Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho rằng, để phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu cần có những giải pháp đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển vùng cung ứng nguyên liệu nội địa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, tăng cường phát triển ngành logistic, xây dựng các cảng biển để giảm giá logistics đang tăng cao.

Để gỡ điểm nghẽn trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm các chuyên gia cho rằng, cần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra làm đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa TPHCM với các tỉnh thành thuộc “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025” tại 13 tỉnh thành. Đồng thời nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp thành phố mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh với vai trò là doanh nghiệp đầu ngành.

Theo ông Nguyễn Công Luân - Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương TPHCM), hiện nay phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở hoạt động riêng lẻ, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương nên chậm trễ, chi phí tăng cao. Có thể thấy, dịch vụ logistics liên kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm đang là nút thắt trong sự tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn logistics cho nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO