Gỡ điểm nghẽn thông quan nông sản

KHÔI NGUYÊN - PHƯƠNG MAI 19/12/2021 06:39

Cứ vào dịp cuối năm tình trạng ùn ứ hàng hóa, nhất là nông sản tại các cửa khẩu ở khu vực phía Bắc lại tái diễn. Thời điểm này thêm nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc thông quan càng chậm hơn. Vì sao nông sản Việt thụ động, việc gỡ điểm nghẽn thông đường cho nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc là bài toán cần sớm có lời giải.

Càng khuyến cáo càng tắc nghẽn

Nhận định về “điệp khúc” hàng hóa tắc nghẽn tại cửa khẩu, nhất là vào dịp cuối năm, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lâu nay vẫn có tình trạng xe hàng bị tồn, tuy nhiên số lượng tồn ở tất cả các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn không nhiều như lần này.

Theo thống kê của địa phương, xe hàng chủ yếu chở hoa quả từ miền Trung và miền Nam. Mỗi xe khi lên đến cửa khẩu, nhanh nhất cũng phải 10 ngày mới thông quan được.

“Tỉnh Lạng Sơn đã khuyến cáo các doanh nghiệp (DN), tài xế về tình trạng xe hàng ùn ứ, song hàng ngày các xe hàng vẫn lên biên giới. Đây là bài toán cực khó, đến nay tỉnh chưa thể giải quyết được. Năng lực thông quan có hạn nhưng khối lượng hàng hóa lại quá lớn”, ông Đại nói.

Thời điểm này, lượng hàng nông sản vẫn đổ dồn về các cửa khẩu. Có thể thấy, từ đầu tháng 12 đến nay, tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu ngày càng nghiêm trọng. Tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu trong ngày qua cửa khẩu chỉ được từ 110-130 phương tiện/ngày.

Trong khi có thời điểm lượng phương tiện chở hàng chờ xuất tồn qua ngày vào khoảng hơn 2.800 phương tiện. Cũng ở Lạng Sơn, cửa khẩu Chi Ma khoảng 30 - 35 xe/ngày trong khi có khoảng 700 xe đang nằm chờ tại cửa khẩu.

Không riêng tại Lạng Sơn, hiện lượng xe container hàng đông lạnh và hoa quả xuất sang Trung Quốc qua Móng Cái, Quảng Ninh đến ngày 17/12 vẫn còn kẹt lại khoảng trên 1.000 xe container, trong khi đó, số xe container được thông quan hàng ngày chỉ từ 40-50 xe/ngày, khiến lượng xe ùn ứ ở Móng Cái đang rất lớn.

Về nguyên nhân tắc nghẽn, phía Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay: Kể từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, phía Trung Quốc quản lý chặt hơn khâu giao nhận hàng.

Phía Trung Quốc yêu cầu lái xe Việt Nam giao xe hàng cho lái xe chuyên trách của Trung Quốc khi đến khu vực kiểm hóa Pò Chài (thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc). Điều này phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như sẽ phát sinh một số rủi ro.

Một nguyên nhân khác là năng lực bến bãi thông quan ở Trung Quốc còn hạn chế, thiếu vắng nhân lực nên việc sang tải hàng hóa giữa ô tô Việt Nam và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, kéo dài.

Ngoài ra, phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa, không thông quan tại một số cửa khẩu phụ như: Cốc Nam, Na Hình (huyện Văn Lãng), Nà Nưa, Bình Nghi (huyện Tràng Định), Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) dẫn tới lượng hàng dồn về các cửa khẩu hoạt động tăng cao.

Ở Lào Cai, phía Trung Quốc cũng không thông tin chính thức về việc dừng hoạt động ở cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Hà Khẩu. Bởi vậy, khoảng thời gian này hầu như không có hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu qua cửa khẩu này.

Tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), lượng xe hàng xuất khẩu cũng liên tục biến động. Bình quân trước đây mỗi lô hàng nông sản xuất khẩu, chỉ mất vài phút là được phía Trung Quốc thông quan, nhưng hiện nay phải mất khoảng 1 ngày.

Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cục Hải quan Cao Bằng), lượng xe chở hàng dồn về khu vực cửa khẩu quá lớn, chậm được giải phóng đã vượt quá sức chứa của 5 kho, bãi tại khu vực cửa khẩu. Một số xe contener chở hàng phải đỗ dọc đường vào lối mở Nà Đoỏng, thị trấn Trà Lĩnh. Lượng xe ùn tắc khiến cho các kho bãi của cửa khẩu bị quá tải nghiêm trọng.

Dẫu vậy, vấn đề còn nằm ở chỗ, tình trạng ùn ứ các xe hàng tại cửa khẩu biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh… đã được UBND tỉnh, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT khuyến cáo rất nhiều lần. Nhưng các xe hàng vẫn ùn ùn nối đuôi lên biên giới khiến tình trạng quá tải càng thêm nghiêm trọng.

Hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Quang Vinh.

Trước tình trạng xe hàng hóa ùn ứ nhiều ngày qua tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khuyến cáo các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.

Theo ông Toản, ngay khi nhận được thông tin về khả năng có thể dẫn tới ùn ứ hàng hóa tại khu vực các cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công thương đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, Bộ Công thương đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt - Trung…

Làm gì để nông sản Việt chủ động?

Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua. Điều đó cho thấy DN Việt quá phụ thuộc vào một thị trường, khiến nông sản Việt rơi vào thế bị động.

Để giải quyết nút thắt này đòi hỏi DN, cơ quan quản lý phải tìm đến những thị trường xuất khẩu mới, bền vững, tránh tình trạng khi một thị trường dừng mua hàng thì nông sản của Việt Nam ngay lập tức rơi vào tình trạng khó khăn tiêu thụ.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thừa nhận, thị trường Trung Quốc chiếm đến 70% thị phần xuất khẩu của công ty. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ tại Trung Quốc giảm, cộng với việc thông quan bị siết chặt khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ.

Hồi năm ngoái, khi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thì công ty cũng bị ảnh hưởng.

“Thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn, khoảng cách vị trí địa lý ngay cạnh Việt Nam nên vận chuyển dễ dàng. Tập quán và thói quen tiêu dùng nông sản cũng gần như tương đồng với nước ta nhưng việc quá tập trung vào một thị trường khiến chúng tôi phải nhìn lại và chuyển đổi thêm một số thị trường khác”, bà Vy nói.

Tượng tự như Công ty Chánh Thu, đại diện Công ty TNHH MTP Safari cho hay: Trung Quốc là thị trường chính và gần như duy nhất của đơn vị. Do đó, khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó thì doanh thu của Safari cũng giảm theo.

“Có thời điểm tất cả kho lạnh của công ty đầy ứ thanh long vì tắc đường xuất khẩu sang Trung Quốc. Qua nhiều ngày, chất lượng thanh long giảm dần, đến khi bán được thì không có lãi vì bị ép giá”, ông Nguyễn Minh Phương- Giám đốc Công ty Safari, Hội trưởng Hội DN và phát triển thanh long miền Tây nêu thực tế.

Trước sự bấp bênh của thị trường Trung Quốc, phân tích vì sao nông sản Việt thụ động và phụ thuộc thị trường Trung Quốc, tại Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc”, do Bộ Ngoại giao và Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nông nghiệp là “nông dân tư duy mùa vụ, DN tư duy thương vụ, chính quyền địa phương thì tư duy nhiệm kỳ”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, DN xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mà chưa chuẩn bị tâm thế để tìm hiểu thị trường này cũng như về nhu cầu, xu hướng và đặc tính tiêu dùng của thị trường thì rất khó thành công.

Để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc thành công, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài tìm hiểu thị trường, DN còn phải tìm hiểu đối thủ Thái Lan, Campuchia xuất khẩu vào thị trường đó như thế nào, chiến lược ra sao, chứ hiện nay DN Việt vẫn còn mù mờ về thị trường Trung Quốc lẫn đối thủ.

“Làm kinh doanh cần phải tối ưu hóa bài toán kinh doanh và để kinh doanh thành công, DN hãy đóng vai người mua để hiểu được tâm lý người mua, sau đó sẽ làm người bán thành công. DN phải nhạy bén với thị trường và cùng với các thương vụ nước ngoài cung cấp thông tin kịp thời cho nông dân, vì DN là người dẫn dắt bà con sản xuất theo yêu cầu thị trường, còn chính quyền địa phương sẽ giúp DN quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Bộ trưởng cũng khuyến nghị DN hãy bán giá trị chứ đừng bán giá cả, bán giá trị giá mới cao vì giá trị thặng dư nằm ở giá trị. Hiện nay nông sản Việt chỉ mới bán qua cửa khẩu biên giới Trung Quốc, trong khi nông sản Thái Lan đã thâm nhập sâu vào nội địa. Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề này.

“Đề nghị Đại sứ và các Tham thán giúp cung cấp thông tin về thị trường Trung Quốc và các nước bán nông sản tương đồng như Việt Nam, sau đó 3 Bộ: NNPTNT, Công thương và Ngoại giao cùng phân tích những mặt mạnh, yếu của nông sản Việt Nam để tìm cách khắc phục”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ NNPTNT cũng thông tin, trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, Bộ cũng sẽ dành một phần kinh phí đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở những vùng nguyên liệu cho ra tới biên giới, nhất là cửa khẩu ở phía Bắc.

Chú trọng chất lượng

Ở một góc nhìn khác, đánh giá thị trường Trung Quốc hấp dẫn đối với hàng nông sản Việt Nam, ông Nguyễn Tất Quyền, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Rạng Đông bày tỏ: Đây là thị trường dễ tính, tiêu thụ được hầu hết mặt hàng nông sản của nước ta. Tuy nhiên, chính vì sự dễ tính đó nên trong nhiều năm, nông dân sản xuất theo kiểu chưa chú trọng để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Hệ quả là khi thị trường Trung Quốc bị tắc, nhiều nông sản muốn tìm kiếm các thị trường mới cũng gặp khó vì không đáp ứng tiêu chuẩn.

“Thị trường Trung Quốc rất gần, có thể đi được bằng mọi phương tiện như đường bộ, đường biển. Các thị trường khác như Mỹ, EU, Ấn Độ, Nhật Bản... phải đi máy bay, đường biển vận chuyển rất xa và cước phí đắt. Khâu bảo quản nông sản khó đảm bảo. Để tận dụng được thị trường Trung Quốc, đồng thời tránh tình trạng bị phụ thuộc mỗi khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó, các nhà vườn, thương lái, kho vựa phải nắm thông tin thật tốt”, ông Quyền đề xuất.

Ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 chi phí vận chuyển hàng hóa đi các nước tăng rất cao, như đi châu Âu tăng gấp 10 lần, sang Mỹ tăng gấp 13 lần, nhưng với thị trường Trung Quốc nhờ thuận lợi về mặt địa lý nên chi phí vận chuyển sang đây chỉ tăng khoảng 0,3 lần.

“Hiện nay xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có hai dạng tươi và chế biến. Đối với xuất khẩu rau quả chế biến có thuận lợi nhờ giá bán hợp lý, các đối tác ở Trung Quốc thanh toán rất tốt mà chi phí vận chuyển lại không cao, một thuận lợi nữa là bạn hàng ở đây đã quen với sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Tuy nhiên, muốn xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc với khối lượng lớn kể cả quả tươi thì DN phải chú trọng ngay từ khâu trồng trọt và quản lý tốt vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đóng gói… Nếu làm được tôi nghĩ kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ tăng”, ông Đinh Cao Khuê tin tưởng.

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng nông sản xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường chính là Trung Quốc, nên tình trạng này vẫn tái diễn nhiều năm nay. Nếu như mở rộng được thị trường tiêu thụ thì các DN xuất khẩu sẽ có nhiều sự lựa chọn và người nông dân sẽ có lợi hơn.

Nói như nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại - PGS.TS Nguyễn Văn Nam thì việc một số cửa khẩu phía Trung Quốc tạm đóng cửa biên mậu hoặc chậm trễ thông quan do nhiều quy định cũng là cơ hội cho DN xuất khẩu nông sản giảm dần phụ thuộc vào thị trường này, đồng thời tìm thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Sao Mai, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc:

Với ưu thế về địa lý nên vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn các nước, và trong 10 đến 15 năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường lớn rất tiềm năng của nông sản Việt Nam.

Mặc dù trong 30 năm nay chúng ta đã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhưng cho đến nay DN vẫn chưa nắm được hệ thống phân phối tại thị trường này, khiến hàng hóa Việt Nam bị động và phụ thuộc vào các DN đầu mối ở Trung Quốc. Để có thể kinh doanh thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, DN cần nắm được hệ thống phân phối nông sản tại đây.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

Để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì nông sản Việt cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn.

Bên cạnh đó đẩy mạnh công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đẩy mạnh logistics..., như vậy mới đi được đường dài đến các thị trường xa hơn, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Điều cốt yếu là nông sản Việt phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức... Như vậy, cùng với công nghệ chế biến, hệ thống kho lạnh thì không lo cảnh được mùa rớt giá, hay bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn thông quan nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO