Gỡ khó bất động sản

Thế Anh 03/12/2022 07:00

Chiều 1/12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Xây dựng nhận được câu hỏi của báo chí liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án bất động sản sau khi Tổ công tác của Thủ tướng được thành lập. “Đề nghị cho biết, đến thời điểm này, Tổ công tác đã có những hoạt động gì? Qua rà soát, Bộ Xây dựng có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản tập trung vào những vấn đề gì?”.

Đó là câu hỏi không dễ trả lời khi mà thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua chao đảo, giao dịch ít, thanh khoản kém, cùng đó là những ý kiến khác nhau về dòng vốn vào BĐS, trái phiếu doanh nghiệp BĐS cũng như khó triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua thị trường BĐS biến động, hoạt động giao dịch trầm lắng, tính thanh khoản giảm. Nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, một số doanh nghiệp phải dừng dự án đầu tư nhà ở, BĐS hoặc phải dừng hoạt động liên quan tới đầu tư… Nhiều người lao động khu vực này nghỉ việc.

Ông Sinh cũng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời, lập Tổ công tác làm việc với địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thị trường này ổn định, lành mạnh. Tổ công tác ngay sau khi thành lập đã họp và triển khai ngay kế hoạch làm việc với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số doanh nghiệp lớn để lắng nghe khó khăn, vướng mắc. Sau khi làm việc, bước đầu, Tổ thấy nổi lên một số khó khăn và đã trao đổi trực tiếp với địa phương, doanh nghiệp, đồng thời có hướng dẫn cụ thể. Những gì gỡ được thì gỡ ngay, cùng đó là phân loại khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một số nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền bộ, ngành... thì Tổ công tác phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn, tháo gỡ.

Ông Sinh cũng cho biết, Tổ công tác vẫn đang tiếp tục triển khai công việc, thời gian tới sẽ làm việc tiếp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, một số doanh nghiệp có dự án bất động sản lớn để đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, 2 khó khăn lớn nhất là thủ tục liên quan tới đất đai để triển khai dự án và nguồn tín dụng. Theo ông Sơn cần rà soát phân khúc các thị trường, tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Yêu cầu một số chủ đầu tư hạ giá nhà xuống mức hợp lý hơn. Với các giải pháp đồng bộ tới đây thị trường sẽ ổn định.

Cần nhắc lại, ngày 17/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1435 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng Tổ công tác. 2 Tổ phó là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Cùng các thành viên đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đáng chú ý, theo quyết định của Chính phủ, Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án BĐS đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý; kiến nghị giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án BĐS tại địa phương.

Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã trao quyền hạn rất lớn cho Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Vấn đề là phát huy “quyền” được trao đến đâu.

Rồi đây, khi có thêm thời gian tiếp cận thực tế, lắng nghe các địa phương, doanh nghiệp, hy vọng Tổ công tác sẽ có được cái nhìn toàn diện và sát tình hình. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia tài chính và chuyên gia trong lĩnh vực BĐS thì trước mắt có 2 việc cần sớm được giải quyết, trong đó có vai trò tham mưu của Tổ công tác cho Chính phủ. Thứ nhất là việc vay vốn BĐS, cần được nới ra sau một thời gian “nắn dòng”, siết lại. Khi dòng vốn chảy vào BĐS thông thoáng hơn thì cũng sẽ làm tính thanh khoản cao hơn, các dự án BĐS có tiền để triển khai nhiều hơn. Thứ hai là trái phiếu doanh nghiệp BĐS. Với những doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu vi phạm pháp luật thì xử lý bằng pháp luật, tuy nhiên với những doanh nghiệp chân chính cần tạo điều kiện để họ huy động vốn trung và dài hạn thông qua kênh tín dụng hiệu quả này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó bất động sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO