Gỡ khó nghiên cứu khoa học trong trường đại học

Hàn Minh 30/11/2022 08:15

Trong 5 năm qua, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã phát triển mạnh mẽ với số lượng công bố quốc tế tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước đó. Dẫu vậy, với nguồn ngân sách đầu tư còn thấp cho giảng viên và nhà trường, cần tiếp tục cải tiến để nâng chất và lượng của các công bố quốc tế.

Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc, công bố quốc tế không có nghĩa là các bài báo đều mang đi đăng ở nước ngoài. Hiện Bộ có hỗ trợ các dự án nâng cấp các tạp chí khoa học và Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã nâng tạp chí khoa học trong nước thành tạp chí quốc tế vào danh mục hệ thống Scopus. Tất cả bài báo đăng trên tạp chí này đều là bài báo quốc tế. Ngoài ra, hiện có hơn 10 tạp chí của các trường ĐH trực thuộc Bộ GDĐT đã gia nhập hệ thống trích dẫn quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, TS Trần Nam Tú - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) cũng chỉ ra, trong giai đoạn 2016-2021 về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn có những vướng mắc. Đơn cử như trong cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ; đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này còn rất hạn hẹp. Cụ thể, một suất đầu tư (tính trên số giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên) hiện chỉ trên 10 triệu đồng/giảng viên; cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là từ doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Từ góc độ nhà trường, GS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, số lượng và chất lượng công bố trong nước, quốc tế của Việt Nam tăng lên trong thời gian vừa qua có sự đóng góp rõ nét từ hệ thống giáo dục ĐH. Tuy nhiên do hạn chế về nhận thức, đầu tư tài chính, định hướng, cơ chế hỗ trợ và tạo động lực mà hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt được như kỳ vọng.

“Nguồn kinh phí phát triển khoa học và công nghệ từ khu vực tư nhân rất dồi dào nhưng chưa có cơ chế để khuyến khích, tạo lợi ích hai chiều để doanh nghiệp triển khai hợp tác với các cơ sở giáo dục ĐH” - ông Tuấn nhìn nhận và cho rằng nếu cơ chế hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp, các cơ chế hợp tác công tư và cơ chế, quy trình, thủ tục giải ngân nguồn kinh phí phát triển khoa học và công nghệ được tháo gỡ theo hướng tích cực thì nguồn kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp, từ xã hội sẽ thực sự tạo động lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cất cánh.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Luật Giáo dục sửa đổi đã đưa vào quy định 20% ngân sách của nhà nước phục vụ chi cho giáo dục. Qua theo dõi đánh giá, những năm vừa qua chưa đạt được 20%, thực chi mới được 17 - 18%. Ngân sách chi cho giáo dục ĐH của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ khoảng 0,27% GDP (con số của năm 2020). Luật chưa có quy định cụ thể chi bao nhiêu ngân sách cho giáo dục ĐH, nhưng trong Luật Giáo dục đã có quy định ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục ĐH, một số ngành đào tạo mang tầm khu vực quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cũng cho rằng, chúng ta đòi hỏi từ phía các nhà trường, tuy nhiên, các nguồn lực đầu tư cho các trường hiện còn rất thiếu, do đó cần có sự hỗ trợ chung tay nhiều hơn. Bộ GDĐT hiện chỉ quản lý hơn 30 trường, còn lại là thuộc quản lý của địa phương, của các bộ, ngành nên Bộ mong muốn có sự phối hợp giữa các bên để hỗ trợ các trường phát triển tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó nghiên cứu khoa học trong trường đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO